Cô Lưu Thị Hen - sắc nắng mùa thu dịu dàng
30 năm gắn bó với Trường THPT Thủ Khoa Huân, tôi thấy những thầy, cô có nhiều cống hiến cho trường mình là: Nguyễn Đức Tuy, Lê Quang Minh, Trương Trúc Hiêm, La Thị Linh Kiều, Phạm Lê Vạng, Lưu Thị Hen… Xin viết đôi dòng về cô Lưu Thị Hen (Hiệu phó nhà trường từ năm 1990 đến năm 2001).
ƯỚC MƠ LÀM CÔ GIÁO
Cô có dáng người nhỏ nhắn, tóc đã pha sương nhưng đôi mắt vẫn còn ánh lửa nhiệt tình và giọng nói rành rọt chuẩn âm. Cô đã đứng lớp hơn 30 năm và bây giờ thì dạy trẻ quanh xóm. Cô nói vui: “Dạy cho đỡ nhớ nghề!”. Nhìn những đôi môi như nụ hồng, những cặp mắt trong sáng hồn nhiên của học trò, cô như được tiếp thêm năng lượng sống vượt thời gian…
Cô Lưu Thị Hen bên học trò của mình. |
Nhà cô bên vàm Bảo Định (ấp Mỹ Trường, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo). Ba là người Triều Châu, dừng bước chân tha hương, kết duyên với một cô gái quê cần mẫn, hiền lành. Trong mấy chị em, chỉ có cô - thứ bảy, gọi Bảy Hen ước mơ làm cô giáo. Tôi thắc mắc:
- Cô giáo lương thấp, loanh quanh trong xóm, có gì mà mơ hả cô?
- Hồi đó hình ảnh cô giáo đẹp lắm. Chiến tranh, có nghề nào hơn đâu!
Người con gái bé nhỏ này ngày ngày đạp xe ra Trường Nữ trung học Mỹ Tho. Đường xa, mưa lầy lội, nắng bụi mịt mù. Sáng đi áo trắng, chiều về màu cháo lòng. Đồn bót, lính tráng, pháo kích rập rình… Cô nhớ lại, năm 1968 cô tốt nghiệp đại học Cần Thơ, ra trường vừa làm quản lý, vừa dạy học. Ngoài môn Sinh, cô có thể dạy Toán, Hóa và Anh văn cho các em bậc THCS.
Năm 1970, cô tiếp tục học Sư phạm Sài Gòn nhưng dang dở vì chiến tranh. Năm 1985, cô lại tiếp tục học đại học tại chức, khoa Vật lý. Tôi đùa một câu: “Lo học suốt nên làm “lính phòng không!”. Cô bảo: “Thì kết duyên với phấn trắng bảng đen”. Cô học suốt thời con gái qua tuổi trung niên. Theo cô, hạnh phúc là dám ước mơ và sống trung thực với chính mình. Không rực rỡ sắc xuân, không chói chang mùa hạ, đời cô như sắc nắng mùa thu dịu dàng.
HƠN 10 NĂM GẮN BÓ VỚI TRƯỜNG THPT THỦ KHOA HUÂN
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), với lòng yêu nghề, gắn bó với quê hương nên cô nhanh chóng hòa vào cuộc sống. Sinh 1946, ngày ấy cô 29 tuổi đời, có 5 tuổi nghề, tài năng vừa chín tới. Cô tham gia dạy bình dân học vụ. Tháng 9-1975, cô được điều động về dạy 7 xã vùng trên của Chợ Gạo. Từ năm 1981 đến năm 1990, cô được đề bạt làm Hiệu phó trường THCS Mỹ Tịnh An; năm 1990 làm Hiệu phó Trường THPT Thủ Khoa Huân. Trường THCS Mỹ Tịnh An nhập vào THPT Thủ Khoa Huân.
Giáo viên bậc THCS và THPT chung trường nên khó tránh bất đồng. Vài năm lại phải tách ra. Hầu hết giáo viên bậc THCS chuyển đi. Cô Hen ở lại làm Hiệu phó. Sự đố kỵ làm xót lòng cô. Có giáo viên e dè “khẩu phục” mà “tâm” chưa phục.
Để giữ hòa khí nội bộ, cô Hen nhẫn nhịn, chân tình và cho rằng chỉ có hiệu quả công việc mới thuyết phục được giáo viên. Người lãnh đạo giỏi sẽ tạo bầu không khí thân thiện, đánh thức sáng tạo cấp dưới của mình.
Những năm ấy, phong trào thi đua hào hứng, mặc dù có lúc chỉ có một Hiệu phó đảm trách, do Hiệu trưởng bận đi học, càng thấy cống hiến thầm lặng của cô. Cô bám trường, đi sớm, về muộn, dồn hết tâm trí cho công việc. Cô Hen từng làm giáo viên chủ nhiệm một lớp B, nhiều trò “ngựa chứng” nhưng giàu tình cảm, chung thủy. Thế mới cần dạy dỗ!
Có người cháu ruột học yếu “không đủ điều kiện thi tốt nghiệp”. Thiên hạ dòm vô. Cô Hen đành im lặng theo quy chế. Cô động viên, em quyết tâm vươn lên, tạo điều kiện cho em dự thi, nhưng bụng thì thắc thỏm... May mắn là em thi đậu. Hiện em đã là cô giáo, tiếp nghiệp dì mình.
Từ năm 1993 - 2001, Trường THPT Thủ Khoa Huân có nhiều học sinh gặt hái thành công: Giải thưởng Thăng Long ngàn năm, học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. CLB Văn của trường hội tụ toàn học sinh giỏi, giao lưu với Trường THPT chuyên Tiền Giang và Truờng THPT Nguyễn Đình Chiểu.
Qua cô Hen, tôi liên lạc với Minh Châu (dạy Địa) bên Mỹ. Vợ chồng Khương - Châu có về thăm giúp chút tiền cho CLB Văn. Những Trọng Nghĩa, Thanh Mai, Yến Trinh, Lâm, Luyến, Ngoan... trưởng thành từ đây.
Năm 2001, sau gần 10 năm làm Hiệu phó Trường THPT Thủ Khoa Huân, cô Lưu Thị Hen về hưu. Cô sống giản dị, ham lao động và cống hiến thầm lặng, đó chính là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cô là sắc nắng mùa thu dìu dịu, màu hoa dã quỳ hòa lẩn cỏ cây, khuất trong bụi đỏ đường đời.
NGUYỄN THANH XUÂN