Phòng ĐT-NCKH Trường CĐYT Tiền Giang: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn
Thành lập năm 2008 từ Phòng Đào tạo của trường Trung cấp Y tế, Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học (ĐT-NCKH) Trường Cao đẳng Y tế đã không ngừng khẳng định vai trò, nhiệm vụ của mình, lập được nhiều thành tích tốt.
Công tác đào tạo cũng như công tác nghiên cứu khoa học được Phòng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Nhờ vậy, công tác ĐT-NCKH của nhà trường trở thành phong trào sâu rộng, thu hút được đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia và đạt được những thành tích nổi bật.
Giờ thực hành, ứng dụng NCKH tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. |
CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO
Phòng ĐT-NCKH có chức năng tham mưu cho hiệu trưởng xây dựng kế hoạch và các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác ĐT-NCKH, góp phần nâng cao uy tín nhà trường. Thầy Lê Minh Đức, Trưởng phòng cho biết, với 13 cán bộ, Phòng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo được lòng tin từ Ban giám hiệu nhà trường cũng như học sinh, sinh viên.
Đối với công tác đào tạo, Phòng có kế hoạch quản lý, điều hành cụ thể, lập chương trình khung và chương trình chi tiết theo dõi quản lý đào tạo cho từng học kỳ, năm học cho 64 lớp học với 3.000 học sinh - sinh viên (HSSV); tổ chức tuyển sinh theo đúng quy định; thực hiện các quy trình đăng ký đào tạo các chuyên ngành (mở mã ngành) mới; tổ chức xây dựng chương trình đào tạo các chuyên ngành, các chương trình liên kết, liên thông…
Xây dựng chương trình đào tạo các cấp học; tổ chức biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành, sử dụng các bài giảng. Điển hình như: Phòng đã tham mưu Ban giám hiệu xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và theo dõi tiến độ giảng dạy; từ năm học 2008-2009 chỉ có hơn 1.000 HSSV, nay tăng lên 3.000 HSSV, đạt hiệu quả 100%.
Tổ chức thi tốt nghiệp cũng như tuyển sinh đúng theo quy chế. Đặc biệt, Phòng đã xây dựng đề án mở mới 3 mã ngành (Y sĩ đa khoa, Y sĩ đa khoa định hướng chuyên khoa Y học cổ truyền và Y học dự phòng) đã đào tạo được 4 khóa với 1.000 học sinh.
Bên cạnh, Phòng còn tham mưu xây dựng chiến lược phát triển 3 ngành đào tạo lại như: y tế ấp, hoàn thiện mạng lưới y tế xã - phường, bồi dưỡng nghiệp vụ dân số y tế. Mỗi năm đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, năm 2012 có một giáo viên đạt giải ba giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
Phòng còn ứng dụng, cải tiến công nghệ thông tin, xây dựng hoàn tất ngân hàng đề thi với 70.000 câu hỏi, hoàn tất 115 tập bài giảng của 7 ngành đào tạo.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC - CHÌA KHÓA NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY
Song song với công tác đào tạo thì công tác NCKH cũng rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Hàng năm, Phòng xây dựng kế hoạch NCKH tổng thể, sát với định hướng nghiên cứu, thực tế hoạt động GD-ĐT, đặc điểm từng đối tượng, nhiệm vụ năm học...
Phòng cũng như nhà trường đã động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên chủ động khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, trí tuệ trong thực hiện nhiệm vụ NCKH, nhờ vậy số lượng, chất lượng các sản phẩm, công trình khoa học không ngừng tăng lên.
Thầy Lê Minh Đức, Trưởng phòng ĐT-NCKH chia sẻ: “Kết quả NCKH là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân và xem đây là một nội dung phấn đấu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vì thế, đội ngũ giáo viên nhà trường đã không ngừng phấn đấu, có nhiều đề tài hay, thiết thực ứng dụng vào công tác giảng dạy, phục vụ nghiên cứu”.
Số lượng đề tài NCKH tăng dần theo từng năm, trong 3 năm gần đây có 67 đề tài, có 50% đề tài ứng dụng vào thực tế phục vụ công tác giảng dạy và thực hành nghề nghiệp tại Bệnh viện. Riêng năm 2013 đã có 62 đề tài nghiên cứu được đăng ký trong đội ngũ giáo viên và HSSV.
Với đề tài “Quản lý và điều trị hen phế quản” của tập thể Phòng ĐT-NCKH đạt hiệu quả từ 80-90% trong cộng đồng. Và còn rất nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế như: Khảo sát các yếu tố liên quan đến tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi; tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người tiền đái tháo đường; biến chứng thường gặp trong tuần lễ đầu trên bệnh nhân đột quỵ não cấp…
Để có được kết quả đó, không riêng gì Phòng ĐT- NCKH mà cả tập thể nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa hình thức nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu được định hướng tập trung vào các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng.
Bác sĩ CKI Đỗ Văn Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Để nâng cao chất lượng NCKH, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học, coi đây là nhân tố then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả NCKH.
Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, kiện toàn, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học; coi trọng phát triển nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ đầu ngành, có học vị, chức danh khoa học, cán bộ khoa học kế cận và cán bộ khoa học trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài để hoạt động NCKH đi vào chiều sâu, có nền nếp, chất lượng”.
Nhà trường luôn chú trọng đổi mới công tác quản lý chất lượng NCKH, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT. Đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là mục tiêu quan trọng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về công tác NCKH.
Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ Phòng ĐT- NCKH. Phần thưởng xứng đáng cho Phòng Đào tạo- NCKH là năm 2012 Phòng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
P. MAI