Thứ Bảy, 07/09/2013, 17:51 (GMT+7)
.

Triển khai thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH-CĐ các tỉnh ĐBSCL

Ngày 6-9, tại Trường Đại học (ĐH) Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), ông Tô Minh Giới, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Công văn số 6977 ngày 19-10-2012 về chính sách đặc thù trong công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ ; công văn số 4007 của Bộ GD&ĐT về việc bổ sung huyện có học sinh ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, cao đẳng (CĐ). Đại diện Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập ở ĐBSCL đã đến dự.

Tại Tiền Giang, các thí sinh huyện Tân Phú Đông sẽ được hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Ảnh: Vân Anh
Tại Tiền Giang, các thí sinh huyện Tân Phú Đông sẽ được hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Ảnh: Vân Anh

Thực hiện công văn số 6977 và 4007, BCĐ TNB đã khảo sát 6/22 huyện nghèo ở ĐBSCL (gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Thạnh Hóa (Long An), Tân Phú Đông (Tiền Giang), Trà Cú (Trà Vinh), Tri Tôn (An Giang) và Phước Long (Bạc Liêu) ). Qua khảo sát, có 8/8 tỉnh ĐBSCL có huyện được hưởng chính sách đặc thù tuyển sinh ĐH, CĐ đều quán triệt 2 công văn trên; có 9 trường ĐH công lập và ngoài công lập ở ĐBSCL tuyển được trên 3.700 thí sinh theo chính sách đặc thù.

Theo nhiều đại biểu, việc thực hiện hai công văn trên có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện giúp học sinh ở vùng khó khăn có thể học bậc học cao hơn, góp phần đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng. Nhưng khó khăn hiện nay là các trường ĐH bị động trong lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, do không có chỉ tiêu xét tuyển và khó dự đoán được số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT).

Thí sinh ĐKXT thẳng vào các ngành học có sự chênh lệch lớn, nhà trường khó tổ chức lớp học. Một số ngành có số lượng hồ sơ đăng ký tương đương đến nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của trường, do vậy, năm 2014, công tác đào tạo ĐH của một số ngành sẽ chịu áp lực lớn để có thể đảm bảo chất lượng.

Quan trọng hơn, đối tượng tuyển thẳng không thuộc chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT nên các trường sẽ không được sự hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, trường xác định người học thuộc diện xét tuyển thẳng là đối tượng được hưởng chính sách đặc thù nên chưa thể thu đủ học phí, để có thể lấy thu bù chi trong tổ chức đào tạo...

Các đại biểu cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách của Trung ương và địa phương nhằm tạo điều kiện cho đối tượng này học tập; giao chỉ tiêu đào tạo xét tuyển thẳng được tính vào tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm sau...

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Minh Giới ghi nhận đề xuất của các đơn vị và sẽ kiến nghị với bộ, ngành Trung ương để giúp các cơ sở đào tạo tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, các đơn vị cần bám sát văn bản ban hành, áp dụng chính sách phù hợp với từng đơn vị đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

(Theo baocantho.com.vn)

.
.
.