9 giải pháp thực hiện Đề án Đổi mới giáo dục
Sáng 29-10, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Kể từ năm 1945 cho đến nay, nước ta đã 3 lần thực hiện đổi mới, cải cách giáo dục. Lần này, Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” vừa được Hội nghị Trung ương 8 khoá XI thông qua với bằng một Nghị quyết.
Đây là vinh dự nhưng cũng là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục, bởi thay đổi cơ bản và toàn diện một nền giáo dục đã hình thành, tồn tại trong tư duy của người dân từ hàng chục năm không phải là dễ dàng. Vì vậy, nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà quản lý, cán bộ giáo dục là hết sức nặng nề.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị cán bộ giáo dục nhận thức sâu sắc những nhiệm vụ đã được cán bộ quản lý trong ngành GD biết và đã áp dụng thì sẽ phải phát huy tốt. Còn những nhiệm vụ mới trong Đề án, chưa bao giờ thực hiện thì phải quán triệt và học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để thực hiện cho tốt.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã đề ra chiến lược thay đổi cho từng cấp, bậc học một cách cụ thể, rõ ràng. Để thực hiện được những quan điểm và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Đề án đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp mấu chốt.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục được coi là nhiệm vụ then chốt quyết định đến thay đổi toàn diện giáo dục.
Từ lâu nay, việc học hành và thi cử luôn được người dân gắn với các kỳ thi. Tư duy coi trọng bằng cấp đã tồn tại khá lâu trong tiềm thức của người dân. Vì vậy, thay đổi lại tư duy và từ bỏ những thói quen cũ trong nhân dân về giáo dục là cả một hành trình thử thách.
Bên cạnh nhiệm vụ trên thì trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng đến đổi mới thi cử, đánh giá chất lượng học tập sao cho chất lượng, đảm bảo các kỳ thi nghiêm túc, công bằng và khách quan.
Ngoài ra, mỗi cán bộ, quản lý giáo dục cần chú trọng tới nhiệm vụ chuyển từ giáo dục chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Công dân Việt Nam trong tương lai không những được trang bị đầy đủ kiến thức mà còn phải là những người có đầy đủ phẩm chất, đạo đức tốt để cống hiến cho gia đình và xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ cấu trúc lại các trường sư phạm sao cho phù hợp với mô hình mới của các trường học
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, để thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ như trong Đề án đưa ra, Bộ sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số nhiệm vụ cấp bách trước khi áp dụng đại trà tại các địa phương.
(Theo vov.vn)