Thứ Sáu, 11/10/2013, 11:51 (GMT+7)
.

Bộ trưởng GD&ĐT: Tự tin thực hiện Đề án đổi mới

Hoạt động GDĐT trong các bậc học sẽ được đổi mới toàn diện từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy, học và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó điểm đột phá then chốt là đổi mới cách dạy học và thi cử ở bậc phổ thông.

Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế vừa được Trung ương thông qua. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ với phóng viên về những nội dung đổi mới then chốt, căn bản nhất của Đề án Đổi mới giáo dục lần này

PV: Những điểm mới nổi bật nhất của Đề án đổi mới giáo dục lần này là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đề án đổi mới giáo dục lần này có rất nhiều điểm mới quan trọng. Tôi xin nói một vài điểm mới cốt yếu nhất.

Chúng ta đã nhiều lần tiến hành đổi mới giáo dục, mỗi lần đổi mới lại có những mục tiêu và những "điểm mù" cần phải xác định lại và đều có những thành tựu.

Tuy nhiên, điểm chung của những lần cải cách trước đều dựa trên nền tảng là cách thiết kế chương trình giáo dục theo kiểu vòng tròn đồng tâm mang nặng tính hàn lâm kinh viện, thầy truyền thụ kiến thức, trò tiếp nhận kiến thức.

Đổi mới trong giáo dục lần này là đổi mới toàn diện trong tất cả các bậc học từ cấp tiểu học đến phổ thông và đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy, học và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Tuy nhiên, có thể nói điểm đột phá then chốt của Đề án lần này đó là đổi mới cách dạy học và thi cử ở bậc Phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện nay, nói một cách đơn giản, được thiết kế  giống 1 môn khoa học. Chúng ta có các khoa học toán, lý, hóa, văn, sử, địa thì trong trường học cũng có các môn học toán, lý, hóa, văn, sử, địa. Các chương trình này được thiết kế theo hình vòng tròn đồng tâm cho tất cả các lớp, bậc học.

Và với thiết kế như vậy thì trong thời đại bùng nổ khoa học công nghệ, lượng kiến thức tăng lên rất nhanh và nó cứ dồn từ cấp học cao xuống cấp học thấp, do vậy nội dung, chương trình học không thể không quá tải.

Đồng thời, với cách thiết kế chương trình theo vòng tròn đồng tâm nên các chương trình học bị lặp lại, cộng thêm khiếm khuyết của quá trình biên soạn khiến cho nội dung các môn học không tránh khỏi bị trùng lặp.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Trong lĩnh vực GDPT, dựa trên những thành tựu đạt được, từ những phân tích đánh giá những yếu kém khuyết điểm của bậc học phổ thông thời gian qua, Trung ương mới đi đến quyết định sẽ phải có sự thay đổi căn bản cả trong thiết kế chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học tập theo hướng chuyển từ cách dạy truyền thống là thầy truyền thụ kiến thức-trò tiếp nhận kiến thức sang lối dạy và học phát triển năng lực cá nhân và hình thành con người mới trong thời đại mới.

Chương trình sẽ thay đổi theo hướng tích hợp cao ở bậc dưới, phân hóa mạnh ở bậc trên. Các bậc học dưới sẽ có các môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa tích hợp thành các môn hoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.

Trong vô vàn kiến thức của nhân loại, chúng ta sẽ lựa chọn trong các lĩnh vực khoa học những kiến thức cốt yếu nhất, gần cuộc sống nhất, có ích nhất, đáp ứng tốt nhất việc hình thành năng lực của con người mới trong thời kỳ mới và phù hợp với điều kiện tâm sinh lý của các cháu nhất. Từ đó có chương trình học nhẹ nhàng phù hợp, không căng thẳng, giúp cho việc trang bị kiến thức nhằm hoàn thiện kỹ năng.

Còn những năm học cuối của bậc học phổ thông, thì tùy năng lực, sở thích của mình, các cháu sẽ lựa chọn những môn học theo định hướng nghề nghiệp mà các cháu muốn hướng tới sau này.

Bên cạnh một số các môn học bắt buộc, chúng ta sẽ để các cháu lựa chọn những môn học cần thiết nhằm phát huy năng lực cá nhân sở trường, theo sở thích.

Đồng thời, cách thức thi kiểm tra đánh giá học sinh cũng phải thay đổi. Chúng ta sẽ không nặng về hình thức kiểm tra kiến thức đã học mà chú trọng việc đánh giá những kỹ năng vận dụng kiến thức cũng như những phẩm chất của các cháu được hình thành trong suốt quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường.

Như vậy cách đánh giá kiểm tra từng phần học, môn học, buổi học, cũng như kiểm tra từng năm học, bậc học sẽ có sự thay đổi khác biệt so với các giai đoạn trước.

PV: Xin ông chia sẻ về những khó khăn trong quá trình xây dựng và thông qua Đề án?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấp phải những luồng ý kiến hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược nhau. Người thì cho rằng đây là nghị quyết của Trung ương nên không nên cụ thể quá, chủ yếu là định hướng và tư tưởng quan điểm đổi mới của Đảng trong lĩnh vực giáo dục là đủ.

Nhưng cũng lại có nhiều ý kiến cho rằng bản Đề án còn chưa đề cập đến nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như dạy nghề, giáo dục thường xuyên... và phải đưa những lĩnh vực này vào đề án.

Quan điểm của Bộ là cố gắng dung hòa nhiều quan điểm khác nhau. Những vấn đề rơi vào điểm mù gây tranh cãi, Bộ sẽ cố gắng tiếp tục hoàn thiện trong quá trình thực hiện khi xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

PV: Vượt qua những khó khăn đó, Đề án đã được Trung ương thông qua, Bộ trưởng có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cơ quan chịu trách nhiệm chính soạn thảo Đề án, đồng thời là 1 thành viên của Ban soạn thảo giúp Trung ương chuẩn bị xây dựng Đề án, khi Trung ương thông qua nghị quyết tôi cảm thấy hết sức phấn khởi. Và tôi nghĩ rằng các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân dân đã nhận được thông tin này cũng sẽ cảm thấy chung vui với ngành Giáo dục.

Qua đây, tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ giúp đỡ chúng tôi trong quá trình tổ chức các Hội thảo tham vấn để lấy ý kiến chắt lọc hệ thống hóa xây dựng hoàn thiện Đề án trình Trung ương.

PV: Tuy vậy, để Đề án được hiện thực hóa thì vẫn còn một chặng đường dài?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Sẽ có rất nhiều hoạt động được triển khai trong thời gian khá dài.

Trước hết phải tổ chức quán triệt nghiêm túc việc học tập nghị quyết để mọi người hiểu đúng, nắm vững tinh thần của nghị quyết. Từ đó tạo ra sự đồng thuận, quyết tâm và phát huy trí tuệ tập thể, để xây dựng kế hoạch hành động cho thực tế cụ thể trong đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh và phụ huynh học sinh cũng như lãnh đạo các cấp ủy, sở ngành từ Trung ương tới địa phương.

Kế hoạch hành động này sẽ diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, đối tượng từ thầy cô giáo, học sinh, sách giáo khoa cho tới chương trình, cơ sở vật chất. Sau đó đề xuất Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, bộ, ngành để triển khai đồng bộ Đề án.

PV: Ông có tự tin với mục tiêu Đề án lần này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi cảm thấy rất tự tin với việc thực hiện Đề án lần này. Và tôi cảm thấy mọi người cũng có niềm tin đó. Có lẽ vì trong quá trình xây dựng cũng như lấy ý kiến thông qua đề án tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp ủng hộ chân thành từ các thầy cô giáo, giáo sư tiến sĩ, các lưu học sinh Việt Nam, bạn bè quốc tế cũng như các bậc phụ huynh học sinh.

Ngay khi Đề án đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI cũng nhận được nhiều ủng hộ cũng như những ý kiến đóng góp tích cực. Đồng thời Bộ cũng đã có sự chuẩn bị về tinh thần, vật chất kỹ lưỡng cho "trận đánh" quan trọng của ngành Giáo dục lần này.

Tất nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án sẽ gặp phải nhiều vấn đề này, khác nhưng tôi hy vọng các thầy cô giáo, các em học sinh, bậc phụ huynh và các cấp ủy tin tưởng và ủng hộ chúng tôi!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.