Thứ Tư, 30/10/2013, 12:33 (GMT+7)
.

Cô Lê Thị Nhiên: Cả đời phục vụ cách mạng, vì sự nghiệp "trồng người"

Sinh năm 1924 tại Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) trong một gia đình trí thức yêu nước, năm 1937 cô Lê Thị Nhiên học Trường E.Coles des yeumes Mỹ Tho. Năm 1940 tốt nghiệp C.E.P.C.I. Năm 1942 cô vào ngành Giáo dục (qua 1 năm sư phạm) và dạy tại trường danh tiếng Graupe S.Colaire de My Tho. Năm 1944 cô học Trường Esmic Đà Lạt. Năm 1945 - 1946 cô làm Monitréce các trường Nam Tiểu học và Trường Lá Mỹ Tho.

Sống trong vùng đất học danh tiếng và phong trào cách mạng sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Mỹ Tho từ năm 1930, cô Nhiên cùng giới trí thức và nhân dân tham gia phong trào cách mạng rất sớm. Đặc biệt, cô cùng hàng vạn cô bác tại TP. Mỹ Tho xông lên giành chính quyền tháng 8-1945. Cô đem hết tâm huyết cùng lực lượng yêu nước ra sức xây dựng chính quyền cách mạng.

Thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Sài Gòn và Nam bộ. Ngày 23-9-1945, cả Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân dân Mỹ Tho vùng lên chống Pháp. Cô Nhiên cùng cha và người chồng trẻ tình nguyện thoát ly gia đình tòng quân vào bộ đội. Vợ chồng cô công tác tại Phòng Dân quân -  Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam bộ. Cô Nhiên cùng chồng ra sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau đó, Bộ Tư lệnh Khu 8 giao nhiệm vụ mới cho đôi vợ chồng trẻ này: Vào TP. Mỹ Tho hoạt động bí mật trong giới giáo chức. Riêng người cha của cô vẫn hoạt động trong vùng Đồng Tháp Mười xuyên suốt đến năm 1965 và đã anh dũng hy sinh.

Đã đi thoát ly kháng chiến, theo lệnh tổ chức bố trí quay về hoạt động ngay trên quê hương giặc chiếm đóng là điều khó khăn, nguy hiểm. Vậy mà, chỉ trong thời gian ngắn, cô cùng chồng đã củng cố, xây dựng cơ sở cách mạng trong giáo chức và học sinh, đưa phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trong giáo chức và học sinh lên đỉnh cao. Nếu như phong trào giáo chức và học sinh, sinh viên ở Sài Gòn là mặt trận thì tại Mỹ Tho là hậu cứ vững chắc, tiếp ứng cho Sài Gòn trong mọi hoàn cảnh và ngược lại.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), cô Lê Thị Nhiên được bố trí ở lại “nằm vùng” hoạt động tại Mỹ Tho. Cô đã có hàng chục lần thoát chết hoặc bị bắt tù đày. Đặc biệt, Luật 10/59, Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp nơi giết hại hàng vạn đồng chí, đồng bào yêu nước, cô Nhiên vẫn kiên trung bám đất, bám dân, ra sức tìm bồi dưỡng từng nòng cốt xây dựng cơ sở trong giáo chức vững mạnh, phục vụ phong trào Đồng Khởi. Cô luôn gieo vào lòng quần chúng niềm tin tưởng cách mạng, tin yêu tuyệt đối Bác Hồ.

Cô xây dựng hàng chục tổ chức yêu nước, yêu nghề trong giáo chức, đặc biệt là trong đội ngũ giáo viên. Năm 1962, sau Đồng Khởi, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trọng trách càng thêm nặng nề nhưng cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, cô cung cấp và đánh giá chính xác âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - ngụy đối với cách mạng trong thời kỳ địch “bình định”, “lập ấp chiến lược”, Mỹ đổ quân chiếm đóng Bình Đức (Mỹ Tho). Ta thực hiện Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trong vùng Mỹ Tho, cô đã giác ngộ và đưa nhiều giáo viên trẻ, học sinh thoát ly tham gia kháng chiến.

Đặc biệt, cô nuôi dạy 8 người con tích cực, dũng cảm tham gia xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ năm 1972 - 1975, cô làm giám thị Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), rất thuận lợi để cô hoạt động cách mạng tốt hơn. Từ năm 1976 - 1984, ngành Giáo dục Tiền Giang giao cô trọng trách Hiệu phó Trường Bổ túc Công nông và Hiệu trưởng Trường PTCS Phường 5, TP. Mỹ Tho. Năm 1985 cô nghỉ hưu.

Cô Nhiên là một tấm gương sáng về hoạt động dũng cảm “nằm vùng” đầy nguy hiểm trong lòng TP. Mỹ Tho xuyên suốt qua 2 cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta; là một cô giáo đã đem hết tâm huyết phục vụ cách mạng, sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người” suốt 45 năm liên tục, góp phần đào tạo nhiều thế hệ trẻ cho quê hương Tiền Giang.

LÊ NGỌC HÂN

.
.
.