Thứ Sáu, 01/11/2013, 05:45 (GMT+7)
.

Ba thế hệ và tình yêu nghề giáo

Ba thế hệ đều nối tiếp nhau gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Đó là gia đình thầy Nguyễn Thanh Tám (sinh năm 1925) và cô Cao Thị Giác (sinh năm 1926) ở ấp Quí Chánh (Nhị Quí, Cai Lậy). Gia đình thầy hiện có đến 33 thành viên theo nghề dạy học.

Năm 1950, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Pháp - Việt ở Sài Gòn, thầy Nguyễn Thanh Tám cùng cô Cao Thị Giác về dạy học tại Trường Tiểu học Cộng đồng Nhị Quí. Mái trường nông thôn ngày ấy chỉ là những phòng học tạm bợ, vách tre, mái lá nhưng là ngôi trường hiếm hoi ở khu vực.

Học trò các xã lân cận như Mỹ Long, Tân Phú… muốn nuôi ước mơ con chữ phải lặn lội đến lớp với bao nhọc nhằn. Những năm chiến tranh, người thầy không chỉ đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, mà còn có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ học trò.

Thầy Tám hồi tưởng: “Kiến thức mà người thầy trang bị cho học sinh hồi ấy là biết đọc, biết viết và nền nếp “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đang học, nếu có tình huống xấu, thầy - trò phải nhanh chóng sơ tán để đảm bảo an toàn. Sau giờ học, thầy giáo, cô giáo có trách nhiệm đưa học trò ra khỏi cổng trường 200m…”.

Suốt 28 năm theo nghề giáo, thầy Tám đã có 15 năm đứng lớp và 13 năm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cộng đồng Nhị Quí. Còn cô Giác cũng có ngần ấy năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, nâng niu từng nét chữ trẻ thơ. 

Ba thế hệ trong gia đình thầy Nguyễn Thanh Tám và cô Cao Thị Giác.
Ba thế hệ trong gia đình thầy Nguyễn Thanh Tám và cô Cao Thị Giác.

Năm 1978, thầy Tám và cô Giác nghỉ hưu nhưng nghề giáo đã được các thế hệ con, cháu trong gia đình tiếp nối. Trong số 11 người con của thầy cô, có 10 người theo học ngành Sư phạm và tình nguyện về công tác tại địa phương.

Gia đình này còn có 5 chàng rể và 6 cô con dâu cũng là giáo viên. Tính đến thế hệ thứ ba thì gia đình thầy Tám đã có 33 người  theo nghề giáo, giảng dạy các bậc học ở huyện Cai Lậy và các tỉnh Đồng Nai, Hậu Giang, Bến Tre.

Chia sẻ về nghề, thầy Nguyễn Thanh Tám nói: “Tôi thích nghề giáo vì đây là nghề thanh liêm, không bon chen về vật chất. Đặc biệt, thành quả lao động của nghề giáo chính là đào tạo ra một con người, vì vậy người thầy phải có cái tâm trong sáng. Đáng mừng là các thế hệ trong gia đình đều tự nguyện gắn bó với nghề giáo. Có lúc đồng lương không ổn định nhưng các con, cháu tôi vẫn bền bỉ với nghề”.

Cô Nguyễn Mỹ Phương, cháu nội của thầy Nguyễn Thanh Tám, hiện là giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt (Cai Lậy) cho biết: “Bất cứ thành viên nào trong gia đình, trước khi bước vào nghề đều được ông nội dặn dò: Là người thầy, đối với học sinh phải gương mẫu, yêu thương, bao dung…Làm giáo viên, bên cạnh niềm vui nghề nghiệp, cũng có lúc buồn lòng vì học sinh chưa ngoan, thái độ các em chưa lễ phép, những lúc đó tôi lại nhớ đến lời dạy của ông để nhắc nhở mình…”.

Đại gia đình nhà giáo của thầy Nguyễn Thanh Tám và cô Cao Thị Giác hiện có người nghỉ hưu, có người đang đứng trên bục giảng, đã đào tạo bao lớp học trò thành đạt bằng tấm lòng tận tụy. Nhiều học trò tóc đã điểm bạc vẫn nhớ đến người dìu dắt mình bằng sự yêu thương, kính trọng.

Thầy Lâm Hữu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nhị Quí - một trong số học trò của thầy Tám và cô Giác tự hào: “Đối với thầy Tám và cô Giác, thế hệ học trò chúng tôi luôn dành tình cảm quý trọng. Thầy, cô rất mẫu mực, hết lòng vì học sinh. Tôi cũng theo nghề giáo, điều tôi học được ở thầy Tám và cô Giác là cái tâm lúc nào cũng lo cho học sinh. Có thời gian, tôi lại đến thăm thầy, nghe những lời khuyên của thầy về nghề”.

Đã bước sang tuổi 88, thầy Nguyễn Thanh Tám vẫn phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, động viên con, cháu tiếp tục giữ gìn nếp nhà và nét đẹp của “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tấm gương hết lòng với nghề của thầy đã gieo mầm tận tâm cho nhiều thế hệ nhà giáo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.