Thứ Sáu, 15/11/2013, 12:23 (GMT+7)
.

Những sáng tạo từ cuộc sống

Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ VI năm 2013. Những mô hình sáng tạo của các em đều là những ý tưởng rất độc đáo và đa số đều được thực hiện từ những vật liệu sẵn có, dễ tìm, được đánh giá cao về tính ứng dụng trong đời sống, sinh hoạt. Cuộc thi đã khơi dậy tư duy sáng tạo, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

* Nhóm bạn: Huỳnh Minh Tú, Lê Quang Nhựt, Phạm Tất Nhân Khang, lớp 11A8 trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho: Hệ thống tưới cây tự động

Mô hình “Hệ thống tưới cây tự động” của các bạn đã đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm nay (không có giải Nhất).

Trong những lần thấy ba dùng máy bơm tưới cây mất nhiều thời gian và công sức, Lê Quang Nhựt đã nảy ra ý tưởng phải làm hệ thống tưới cây tự động để giúp ba mình.

Thế là Quang Nhựt đem ý tưởng của mình bàn với 2 bạn Huỳnh Minh Tú và Phạm Tất Nhân Khang. Thật trùng hợp Tú và Khang cũng có ý tưởng giống Nhựt. Không chần chừ, cả 3 bắt tay vào làm, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu chỉ mất hơn 1 tuần thì hệ thống tưới cây tự động đã ra đời.

Em Lê Quang Nhựt chia sẻ: “Tuy chỉ làm trong vòng hơn 1 tuần nhưng tụi em thất bại khá nhiều lần. Không nản chí, tụi em mài mò khắc phục các lỗi của máy, cuối cùng cũng thành công”. Sản phẩm vận dụng tính năng hẹn giờ của đồng hồ để ngắt nguồn điện cung cấp cho mô-tưa bơm nước tưới. Sử dụng sản phẩm, người dùng có thể cài đặt thời gian và số lần tưới trong ngày theo ý muốn.

Em Phạm Tất Nhân Khang cho biết: “Hệ thống giúp người làm vườn tiết kiệm được thời gian và kiểm soát được lượng nước tưới, tránh lượng nước dư thừa, lãng phí và bảo vệ môi trường. Bên cạnh, giá thành của chiếc máy này cũng không cao”. Còn em Huỳnh Minh Tú thì vẫn chưa hết vui mừng khoe rằng: “Đây là lần đầu tiên tụi em tham dự cuộc thi đã được giải, nên tụi em vui lắm. Tụi em cũng đang tìm ý tưởng cho hội thi năm sau”.

* Nguyễn Thành Lý, trường THPT Cái Bè, huyện Cái Bè: Bông lau bảng cải tiến

Gặp lại Nguyễn Thành Lý trong buổi trao giải cuộc thi, em khoe: “Năm nay, em đoạt 2 giải Ba với 2 mô hình “Bông lau bảng cải tiến và thiết bị điều khiển ampli từ xa bằng điện thoại hay laptop”. Còn nhớ năm 2010 Thành Lý đã đạt giải khuyến khích với mô hình “Đồ chơi ghe du lịch”.

“Bông lau bảng cải tiến và thiết bị điều khiển ampli từ xa bằng điện thoại hay laptop” là 2 trong 8 mô hình Thành Lý gửi dự thi năm nay. Thành Lý vui vẻ: “Dù chỉ đạt 2 trong số 8 mô hình dự thi nhưng em rất vui vì những mô hình mình làm ra có thể ứng dụng vào thực tế”.

Đó là chiếc khăn lau bảng cải tiến với hệ thống phun nước nhỏ giọt nhằm làm ẩm khăn lau giúp giảm bụi phấn. Đây là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự yêu thương, quan tâm của các em đối với thầy cô không phải hít bụi phấn hại sức khỏe.

Với “Thiết bị điều khiển ampli từ xa bằng điện thoại hay laptop” giúp cho việc điều chỉnh âm lượng ampli trở nên đễ dàng. Khi điện thoại hay laptop thực hiện chức năng phát nhạc qua sóng bluetooth thì sẽ truyền tới ampli. Thành Lý chia sẻ: “Vì nhà nghèo nên ngay từ khi học lớp 5 em đã tự mài mò học sửa đồ điện tử rồi nhận sửa tại nhà, phần nào giúp em trong việc học, đỡ đần cha mẹ. Vì thế, em cũng có nhiều thuận lợi trong việc sáng tạo ra đồ dùng liên quan đến điện tử. Em đang có ý tưởng dự thi cho năm sau với mô hình: Máy đánh diêm tự động”.

Ước mơ đã thành hiện thực khi em đậu vào trường Đại học Tôn Đức Thắng với chuyên ngành Kỹ thuật điện - điện tử. Thành Lý tâm sự: “Em sẽ cố gắng sáng tạo thêm nhiều mô hình sát với thực tế, để phục vụ vào việc học cũng như công việc thiết thực của người dân”.

* Em Nguyễn Đoàn Hữu Hòa, Trường THCS Phú Thạnh, TP. Mỹ Tho: Trang trại nuôi gà công nghệ mới an toàn sinh học

Với dáng người nhỏ nhắn, hiền lành, khó ai hình dung được em Nguyễn Đoàn Hữu Hòa lại là tác giả của mô hình “Trang trại nuôi gà công nghệ mới an toàn sinh học” đạt giải Ba cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi sáng tạo năm nay.

Hữu Hòa thật thà chia sẻ: “Cạnh nhà em có trang trại nuôi gà, việc dọn phân gà rất cực, lại gây mùi hôi và ảnh hưởng tới sức khỏe người nuôi. Thấy thế, em mới nghĩ ra ý tưởng là làm các băng tải tự động thu gom chất thải từ gà”.

Với băng tải thu gom chất thải tự động sẽ giúp trang trại gà luôn sạch sẽ, giảm dịch bệnh; đồng thời giúp giảm nhân công làm vệ sinh chuồng trại, giữ gìn môi trường trong lành. Trong khoảng thời gian nhất định, các băng tải tự động sẽ thu gom chất thải cho vào hầm biogas.

Phải mất hơn 2 tháng và thất bại 5, 6 lần Hữu Hòa mới thành công với mô hình này. Hữu Hòa tự tin rằng: “Nếu mình cố gắng thì sẽ thành công và cũng nhờ sự góp ý động viên của thầy cô, ba mẹ. Đây là năm đầu tiên em tham gia cuộc thi. Em đang suy nghĩ đề tài cho cuộc thi năm sau”. Hữu Hòa ước mơ sau này sẽ trở thành kiến trúc sư giỏi.

* Chị em sinh đôi: Nguyễn Thị Anh Thư và Nguyễn Thị Minh thư, lớp 10 trường THCS Tân Hòa, Gò Công Đông: Bộ sưu tập thực vật hạt kín

Với mô hình này, 2 chị em sinh đôi Minh Thư và Anh Thư đã giành giải Nhì cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia. Cùng học chung trường, chung lớp nên Minh Thư và Anh Thư có điều kiện giúp nhau trong học tập. Cả 2 đều là học sinh giỏi nhiều năm liền.

2 em cho biết: “Tụi em muốn làm mô hình này để phục vụ cho việc học. Đây là mô hình vừa thực tế vừa dễ làm, không tốn chi phí”.

Bộ sưu tập thực vật hạt kín là một giáo cụ trực quan giúp các em học sinh dễ tiếp thu và khắc sâu kiến thức môn sinh học. Minh Thư và Anh Thư đã sưu tầm những lá, rễ, hoa của những cây thường gặp thuộc nhóm thực vật hạt kín. Mô hình này giúp các em hệ thống kiến thức sinh học từ lớp 6-9 một cách sinh động. Ngoài ra, mô hình còn giáo dục các em  học sinh ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ màu xanh và sự sống của trái đất.

Minh Thư và Anh Thư đều học gỏi môn Toán và cả 2 ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ. Chúc cho ước mơ của 2 em sẽ trở thành sự thật.

P. MAI

.
.
.