Bộ trưởng Giáo dục: "Chúng ta phải thay đổi"
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. |
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Những điều tâm đắc
PV: Người ta vẫn nói Tư lệnh ngành ngồi trên “ghế nóng”. Bộ trưởng có thể cho biết cảm giác của mình sau 3 năm đảm nhiệm trọng trách này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi cảm thấy cũng bình thường. Cũng có cái khó khăn và thuận lợi, có sức ép, thách thức và cũng có nhiều điều động viên khuyến khích.
PV: Ở cương vị Bộ trưởng, phải đối mặt với những căn bệnh trầm kha của lĩnh vực giáo dục. Sau toàn bộ hệ thống giải pháp mà ông đã chỉ đạo thực hiện, đâu là những chuyển biến mà ông tâm đắc nhất?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong 3 năm qua từng bước quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XI và gần đây là Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo, có thể hình dung thành 2 khối công việc lớn:
Thứ nhất là chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật. Giải quyết những bức xúc, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Tất nhiên công việc này cũng triển khai từng bước, từng việc từ nông đến sâu,từ nhỏ đến lớn để làm cho tình hình trong lĩnh vực giáo trở lại lành mạnh, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Thứ hai, điều tôi tâm đắc nhất là có sự thay đổi theo hướng căn bản và toàn diện trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và thày cô giáo. Chúng tôi từng bước tách bạch công tác quản lý Nhà nước với quản trị của nhà trường; giữa công việc của nhà giáo với công việc của cán bộ quản lý giáo dục… Đây là việc rất khó khăn, thậm chí là gặp không ít cản trở. Nhưng nhìn lại, chúng tôi thấy mình đã đi được một quãng xa, nhận được sự đồng thuận trong ngành và xã hội càng ngày càng nhiều, ngày càng mạnh mẽ.
Nhận thức của xã hội về hoạt động giáo dục và việc cần nâng cao chất lượng giáo dục đi kèm với việc đảm bảo các điều kiện cho hoạt động giáo dục càng ngày càng trở thành trục chính của suy nghĩ của ngành cũng như của xã hội.
Chúng tôi ghi nhận sự chia sẻ, giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương, của các lực lượng xã hội đối với lĩnh vực giáo dục. Do Sự hỗ trợ giúp đỡ to lớn đó và sự cố gắng toàn ngành nên năm học 2012-2013 đã có những tiến bộ rõ rệt.
Chúng tôi đã và đang triển khai một loạt công việc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Rất mừng khi ý Đảng, lòng dân thống nhất, thể hiện cao cả trong nhận thức, quán triệt cũng như trong tư duy hành động, tạo được sự đồng thuận tuyệt đối để triển khai Nghị quyết. Đây là điều ấn tượng nhất, thành công nhất. Không phải của cá nhân mà là của toàn ngành và cũng là thành công của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Phải đổi mới nhận thức và tư duy
PV: Để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiệu quả, theo Bộ trưởng đâu là giải pháp ưu tiên?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bước trọng tâm số 1 là quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết, không chỉ quán triệt trên câu chữ mà quán triệt trong tinh thần và quyết tâm chiến lược để mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người, trên vị trí, cương vị của mình đều hiểu rõ, đúng công việc phải làm. Tức là phải làm sao để đổi mới cho được nhận thức và tư duy.
Với những người làm giáo dục, lần này phải làm sao từ bỏ được nhiều công việc, cách nghĩ, cách làm cũ để đón nhận cách làm, cách nghĩ, cách tổ chức triển khai công việc mới.
Trên cơ sở đó, ngành đã và đang tập trung làm 2 việc: Đó là thiết kế chương trình, tổ chức biên soạn chương trình sách giáo khoa (SGK) mới ở phổ thông. Thứ hai là triển khai đổi mới hệ thống các trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm quy hoạch mạng lưới, đổi mới mô hình, cơ cấu, phương thức đào tạo giáo viên mới. Xây dựng hàng loạt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên hiện nay. Đây là những việc đang làm rất khẩn trương.
Đối với hệ thống các trường ĐH, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả nhưng có sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn của các nhà trường. Trên trên nền tảng quán triệt và nhận thức sâu sắc NQ 29, chúng tôi cố gắng thúc đẩy động lực tự thân của các trường ĐH, CĐ, chủ động đổi mới mục tiêu, chương trình dạy học, đổi mới đánh giá …
Vấn đề thi tuyển sinh cũng cần phải thay đổi. Các trường chủ động trển khai, nhưng Bộ sẽ tạo lập, bổ sung hành lang pháp lý, tạo sự chuyển động tích cực trong toàn hệ thống.
PV: Bộ trưởng từng nói: “Thi - Đó là cuộc chạy đua căng thẳng với số phận chứ không phải là kiểm tra chất lượng. Thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh đầy sợ hãi không chỉ của thế hệ trẻ mà là của cả xã hội”. Việc Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh hay Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận Tốt nghiệp THPT có dần loại bỏ được hạn chế, tồn tại của vấn đề thi cử, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tất cả những điều công bố là dự thảo, tất nhiên đó là những suy nghĩ nghiêm túc, chu đáo. Chắc chắn còn cần phải có những điều cần phải hoàn thiện. Dựa trên góp ý của toàn xã hội, trong đó có lực lượng thầy cô giáo, các chuyên gia trong và ngoài ngành, chúng tôi sẽ tiếp thu, hoàn thiện và sẽ có công bố sau Tết Nguyên đán.
Chúng ta phải hành động
PV: Nhiều người đạt câu hỏi, tại sao Bộ điều chỉnh thi vào thời điểm này mà không dồn sức để chuẩn bị cho việc đổi mới hoạt động thi cử, đánh giá một cách căn bản sau 2015, khi có chương trình SGK mới?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi biết dư luận đặt câu hỏi liệu có cái gì đó hấp tấp. Phải nói như thế này: Sau 2015 bắt đầu triển khai chương trình mới. Nếu thi theo chương trình mới phải chờ đến năm 2020 mới có lứa học sinh học xong chương trình đó. Với sự phát triển của đất nước, của thế giới hiện nay, không cho phép chúng ta ngồi đợi cho đến 2020 mới triển khai, chúng ta không được phép để các cháu ra trường từ nay đến 2020 tiếp tục trong tình trạng học hành, thi cử nặng nề như cũ.
Chúng ta phải thay đổi. Thay đổi đó không thể diễn ra sâu sắc, triệt để được, mà phải từng bước. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải thay đổi để giúp cho các cháu tiến bộ và được thừa hưởng thành quả của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và gần đây là Nghị quyết 29 của Hội nghị Trương ương lần thứ 8.
Nếu thực hiện những điều chỉnh ngay trong năm nay, thì cũng phải chuẩn bị thật chu đáo, mục đích là làm giảm nhẹ quá trình học và thi của các cháu chứ không làm khổ thêm, vất vả thêm. Vậy không lý gì mà chúng ta không làm ngay!
PV: Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng gửi gắm điều gì đến cán bộ, viên chức ngành giáo dục cũng như mong muốn của ông đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi thay mặt toàn ngành Giáo dục xin có lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới toàn Đảng, toàn nhân dân về sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, cho đội ngũ thày cô giáo, đội ngũ quản lý và học sinh, sinh viên.
Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi xin chuyển đến các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong cả nước, nhất là thầy cô giáo, các em học sinh ở vùng sâu, xa, biên giới hải đảo lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Kính chúc các đồng chí, các học sinh sinh viên và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.
Chúng ta hãy hành động xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, của nhân dân, để là người lính xung kích đồng thời là người tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thắng lợi Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng. Kính chúc Bộ trưởng cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và hạnh phúc!.
(Theo vov.vn)