Đổi mới giáo dục đi đôi với phát huy truyền thống tốt đẹp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới thi cử là khâu đột phá nên cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, căn cơ, nếu không thì những khâu sau rất khó triển khai. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nghĩa là có những thứ rất căn bản phải đổi mới, ở tất cả các khâu, đồng thời phải phát huy được những truyền thống tốt đẹp mà dân tộc ta đã dày công vun đắp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này với các đại biểu dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ngày 13-2.
Theo Phó Thủ tướng, 10 yếu kém, tồn tại của ngành Giáo dục đã được thẳng thắn chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) song nhìn lại thì nền giáo dục nước nhà cũng có những thành tích, tiến bộ rất đáng tự hào, được xã hội trân trọng mà không phải nước nào cũng đạt được.
“Chúng ta nhìn nhận đúng hạn chế nhưng cũng phải tự tin, quyết tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đông đảo lực lượng giáo viên, sự quan tâm của toàn xã hội, truyền thống hiếu học của người Việt Nam thì chắc chắn chúng ta có thể đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà”, Phó Thủ tướng nói.
Ý thức đúng việc dạy người
Trao đổi cùng các đại biểu trong hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cần phải bám sát 3 mục tiêu chính: Dạy người, dạy kiến thức, hướng nghiệp, vốn đã được đặt ra từ những lần cải cách giáo dục đầu tiên. Vì vậy, đổi mới giáo dục không có nghĩa là xóa sạch tất cả mà còn cần khơi dậy, duy trì, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ “Tiên học lễ, hậu học văn” cho đến những điều mà Bác Hồ dạy học sinh, những nề nếp sinh hoạt tốt đẹp trong nhà trường.
Phó Thủ tướng nhớ lại: “Ngày xưa, mỗi khi chào cờ là học sinh đều hát Quốc ca, qua đó dạy cho trẻ điều đầu tiên là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào nhưng bây giờ rất nhiều trường không thực hiện nghiêm túc việc hát Quốc ca.
Tôi còn nhớ trước kia chúng ta tập thể dục giữa giờ rất đều, rất đẹp, tập xong thì hô rất khí thế, thấm vào mỗi một học sinh, là: Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc! Rèn luyện thân thể, thống nhất đất nước! Khỏe!
Bây giờ chúng ta có cần bảo vệ Tổ quốc không? - Có. Đất nước thống nhất rồi chúng ta có cần kiến thiết đất nước không? - Có.
Hay như thói quen phân công học sinh đi trực nhật vào mỗi sáng, lau bàn, quét lớp, hằng tuần thì vệ sinh chung, trồng cây, tham gia lao động. Bây giờ rất nhiều nơi thuê dịch vụ, đến lúc con cháu không biết lao động, quan trọng hơn là không trực tiếp lao động thì không yêu lao động, không yêu người lao động”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chính những nếp sinh hoạt này góp phần hình thành nhân cách cho từng học sinh. Và đây là những việc mà các nhà trường, ngành Giáo dục hoàn toàn có thể thực hiện ngay được, không cần kinh phí, hay chờ đợi đổi mới về chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, thi cử… Mà chỉ cần tấm lòng yêu thương con trẻ, mong muốn dạy cho trẻ học cách làm người của mỗi một thầy, cô giáo.
Đột phá thi cử phải làm căn cơ
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị về phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn đột phá đổi mới từ thi cử sẽ tạo xung lực mạnh, lan tỏa ra để đổi mới các khâu khác (chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đào tạo giáo viên). Đây là khâu đột phá nên cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, căn cơ, nếu không thì những khâu sau rất khó triển khai.
Vì vậy, việc đổi mới thi cử, trước hết là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thể chỉ đơn thuần đang thi nặng thì cho thi nhẹ đi, đang 6 môn thành 4 môn. Có ý kiến đổi mới như vậy là có lợi cho học sinh, giống như một người đang gánh 50 kg thì được bỏ đi 20 kg, nhưng nếu làm không cẩn thận, đổi mới không đồng bộ thì các cháu học sinh học lệch, ra đời kiến thức lệch lạc, cũng gặp bất lợi, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đổi mới thi cử đã được ngành Giáo dục làm một bước nhưng phải tính rất kỹ để khi thực hiện cần đảm bảo tương đối ổn định, không để học sinh còn mấy tháng nữa thi mà vẫn hồi hộp chưa biết năm nay thi môn gì, thi như thế nào.
Đồng thời, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gắn kết chặt chẽ với kỳ thi tuyển sinh đại học để đảm bảo yêu cầu rất căn bản, toàn diện và phân luồng hướng nghiệp. Hiện, mỗi năm có trên 900.000 học sinh tốt nghiệp THPT, trong khi chỉ tiêu vào đại học chỉ có hơn 200.000, vì vậy, phương án đổi mới thi cử phải rõ mục đích, tính đến cả bậc THPT lẫn tuyển sinh đại học để đảm bảo công bằng xã hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc xác định chỉ chọn một số môn thi tốt nghiệp THPT phải được tính toán căn cơ để không dẫn đến tình trạng phân loại giáo viên thành 2 hạng: Những giáo viên dạy những môn chắc chắc thi và những giáo viên dạy những môn không thi hoặc rất ít thi. Những giáo viên dạy các môn không thi, ít thi sẽ giảm động lực phấn đấu, giảng dạy.
Chúng ta chọn thi cử là khâu đột phá, học gì thi nấy, cho nên phải làm sao các kỳ thi không trở nên nặng nề song cũng không ngại tốn kém, thời gian, mệt nhọc để tổ chức kỳ thi nếu thực sự là cần thiết để thúc đẩy, tạo động lực cho học sinh, để lựa chọn những cháu xứng đáng học cao hơn, nhưng nếu không cần thiết thì nhất định phải bỏ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới giáo dục, đào tạo nói chung và thi cử nói riêng cũng cần vận dụng, học tập những kinh nghiệm có tính phổ quát của nền giáo dục thế giới nhưng không áp dụng nguyên xi, mà có lộ trình phù hợp.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ: Có những nước tiên tiến, học sinh sau khi hoàn thành chương trình phổ thông thì chỉ có một kỳ thi, chỉ có một bài thi đánh giá tổng hợp hết con người, phát hiện ra phẩm chất con người. Chúng ta không thể mơ có ngay đội ngũ đủ trình độ để ra một bài thi tổng hợp đánh giá toàn diện học sinh nhưng rõ ràng chúng ta phải hướng tới chuẩn mực để đánh giá kiến thức toàn diện học sinh một cách nhanh nhất, đơn giản nhất.
Bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT
Về phương án miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh vốn nhận được nhiều phản hồi từ lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức bình thường, nhẹ nhàng, 98% học sinh đỗ tốt nghiệp thì tại sao phải miễn, thậm chí là không nên miễn cho bất kỳ ai. Chỉ những học sinh học tốt nhưng gặp những trường hợp bất khả kháng không thể tham dự kỳ thi thì chúng ta sẽ lập hội đồng xem xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh đó.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp không chỉ trong ngành Giáo dục mà cả từ ngoài xã hội, cộng đồng, từ đó cải tiến, bàn thật kỹ, đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT đánh giá được toàn diện quá trình học tập, năng lực của học sinh có mối tương quan chặt chẽ với kỳ thi tuyển sinh đại học.
Tinh thần là chúng ta cố gắng công bố phương án thi tốt nghiệp THPT muộn nhất trước khi khai giảng năm học mới, tốt nhất là trước khi học sinh nghỉ hè và gắn với kỳ thi đại học để tiến tới phát huy tự chủ đại học đảm bảo công bằng xã hội, là động lực thúc đẩy học sinh học đều, không học lệch mà vẫn phát triển năng lực của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục cần phát huy những thành tích đạt được, kế thừa truyền thống cha ông, nghiêm túc nhìn nhận vào 10 yếu kém, theo mục tiêu Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo để có bước đi bài bản, lấy thi cử làm mục tiêu đột phá và đổi mới thi cử cũng phải rất căn bản.
Chúng ta cần khơi dậy, duy trì, bồi đắp trước hết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chính chúng ta đã dày công vun đắp, lấy đó làm luồng sức mạnh kết hợp với tinh hoa của văn hóa thế giới, KHCN, tiếp thu được thì sẽ đổi mới được căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng nói.
Đề cao trách nhiệm địa phương trong hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải huy động tổng lực, đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non. Trong điều kiện ngân sách khó khăn thì khắc phục khó khăn để xây dựng được những phòng học mầm non đủ an toàn, sạch sẽ, hợp vệ sinh. Đồng thời từng bước giải quyết những hạn chế, bất cập về lương, đãi ngộ, tôn vinh giáo viên mầm non. Một trong những vấn đề đối với giảo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng, là kết hợp hài hòa giữa tuyển mới và đào tạo lại để khắc phục tình trạng tăng nhanh biên chế giáo viên và tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng thừa giáo viên phổ thông. Song song với đó là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non. Còn những bất cập gần đây như thiếu nhà trẻ mẫu giáo tại những vùng có nhiều khu công nghiệp tập trung, tình trạng cơ sở mầm non chưa được cấp phép thì cần tiếp tục hoàn thiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
(Theo chinhphu.vn)