Muốn dạy người, trước hết phải hoàn thiện mình
Trước Tết, đứa cháu tôi (đang học lớp 9 ở một trường THCS khá nổi tiếng của huyện Cái Bè) bị cô giáo dạy Văn buộc ra khỏi lớp trong giờ học. Tôi hỏi, cháu có vi phạm điều gì trong giờ học không? Cháu cho biết: “Tại con đếm vàng của cô”. Tôi ngạc nhiên vô cùng, yêu cầu cháu kể lại sự việc.
Thì ra, cô giáo dạy Văn của cháu đeo rất nhiều vàng trang sức. Hôm ấy, trong giờ học, khi cô ngừng giảng bài, cháu đếm vòng vàng trang sức của cô. Cháu đếm bằng mắt, nhưng có lẽ quan sát cô chăm chú quá nên cô phát hiện. Thế là cô mắng cháu và đình chỉ học. Cô bắt cháu phải xin lỗi cô thì cô mới cho vào lớp lại, nếu không sẽ báo với thầy hiệu trưởng...
Tôi nửa đùa nửa thật với cháu: “Vậy con biết cô giáo của con có bao nhiêu vàng không?”. Không ngờ, cháu hồn nhiên đáp: “2 bàn tay cô đeo 21 chiếc nhẫn vàng. 2 cổ tay cô có 10 chiếc vòng vàng…”. Sau đó, tôi biết lời cháu kể là hoàn toàn đúng.
Nghề dạy học là một nghề rất đặc biệt, vì sản phẩm của nghề này nhằm đào tạo những con người phát triển toàn diện. Bất cứ làm việc trong lĩnh vực nào, sản phẩm làm ra bị hỏng đều để lại hậu quả không tốt, đặc biệt là trong nghề giáo, sản phẩm mà bị “lỗi hàng” là một tai họa đối với xã hội.
Người giáo viên, bên cạnh kiến thức, chuyên môn tốt, còn đòi hỏi phải có nhân cách, tư tưởng, tình cảm tốt, nhất là tình cảm thẩm mỹ. Học trò luôn nhìn vào thầy cô của chúng để noi gương. Chính vì thế, về trang phục giáo viên, trong Điều lệ Trường Trung học, ở Điều 34 có quy định: “Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước”.
Chẳng có văn bản nào cấm giáo viên đeo đồ trang sức lên lớp, nhưng thiết nghĩ giáo viên phải hiểu được rằng thế nào là chuẩn mực của cái đẹp, thế nào là sự hài hòa thẩm mỹ. Chưa nói, trong lớp mình dạy, không ít học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ chạy ăn từng bữa, mà giáo viên lại “khoe giàu” như vậy thì rất khó giáo dục các em lòng nhân ái, vị tha, độ lượng, sự đồng cảm, chia sẻ…
Qua chuyện cô giáo của cháu tôi, tôi nghĩ về những đồng nghiệp mà tôi từng biết, cũng có cách ăn mặc, hành vi ngôn ngữ chưa xứng với danh hiệu “kỹ sư tâm hồn”. Nội quy nhà trường nghiêm cấm học sinh nhuộm tóc đỏ, tóc vàng khi đến trường, trong khi có giáo viên lại nhuộm lòe loẹt. Buổi trưa nóng nực, học trò vã mồ hôi làm bài thi, còn thầy cô làm nhiệm vụ coi thi được phục vụ cà phê sữa đá, khuấy thìa leng keng, húp roàng roạc…
Dạy người rất khó. Muốn dạy người, trước hết phải hoàn thiện mình.
NGỌC KHUÊ