Thứ Năm, 06/02/2014, 08:57 (GMT+7)
.
TIẾN SĨ PHAN VĂN NHẪN - HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Cần có một cuộc cách mạng về biên chế, tổ chức, chính sách tiền lương

Xung quanh công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho trường và cho tỉnh, cùng chính sách thu hút nguồn nhân lực trong thời gian qua, chúng tôi có cuộc trao đổi đầu năm khá chân tình, thẳng thắn với Tiến sĩ Phan Văn Nhẫn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang.

Phóng viên (PV): Xin tiến sĩ cho biết về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tiền Giang trong thời gian qua ? 

TS. Phan Văn Nhẫn: Hiện tại trường đã có 14 tiến sĩ, 212 thạc sĩ/342 giảng viên, chiếm tỷ lệ  trên 66%, về cơ bản đã đảm bảo cho công tác giảng dạy của nhà trường. Hiện tại chúng tôi đã đưa đi đào tạo thêm 26 nghiên cứu sinh, 92 cao học ở trong nước và nước ngoài.

Dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ tiếp tục đào tạo 63 cao học và 24 nghiên cứu sinh. Như vậy, đến năm 2015 lực lượng giảng viên của trường sẽ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, không còn giảng viên trình độ đại học dạy đại học, theo đúng lộ trình chuẩn hóa cán bộ giảng dạy đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Khó khăn hiện nay trong công tác đào tạo là vấn đề kinh phí. Theo Luật Viên chức, giảng viên phải có từ 5 năm công tác trở lên mới được đưa đi đào tạo, trong khi  thu nhập của giảng viên mới ra trường tương đối thấp (giảng viên trẻ bình quân 3,5 triệu  đồng/tháng); khi đi học thì thu nhập lại giảm, chi phí cho học tập tăng, trong khi đó trường không được ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho đào tạo.

Đây là trở ngại lớn nhất đối với các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, đối tượng cần phải được đào tạo thêm. Hiện có rất nhiều giảng viên đi học không hưởng được chế độ ưu đãi. Đi học nước ngoài càng khó khăn hơn vì chi phí rất lớn.

Như ở trường có một giảng viên phải mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha mẹ thế chấp ngân hàng để vay tiền đi học ở Australia, đến nay đã 3 năm chưa trả xong nợ.

Ngoài ra, yêu cầu chuẩn hóa và chính sách đào tạo giảng viên chưa nhất quán. Người làm giáo dục và người làm chính sách, làm luật chưa gặp nhau, hiểu nhau, đã gây khó khăn cho công tác đào tạo, nâng chất cán bộ giảng dạy, nhất là đối với các trường đại học địa phương.

PV: Về công tác phối hợp để đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa và nâng chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong thời gian qua của trường ra sao, thưa tiến sĩ?

TS. Phan Văn Nhẫn: Khẩu hiệu hành động của Trường Đại học Tiền Giang là không tiếp tay, không liên kết tạo ra sản phẩm kém chất lượng. Phương châm của trường là xem chất lượng đào tạo vừa làm vừa học cũng như chính quy học cùng chương trình đào tạo…

Từ đó, trường đã liên kết với các trường đại học đào tạo có chất lượng để đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong thời gian qua. Cùng với hệ đào tạo chính quy, hàng năm có khoảng 2.500 sinh viên, học viên tốt nghiệp ở các ngành thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới, thủy sản, xây dựng, kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, luật, quản lý đất đai - tài nguyên môi trường, du lịch, công nghệ thực phẩm, quản lý giáo dục, tiếng Anh, văn thư, thư viện…

Ngoài ra, nhà trường còn bồi dưỡng nâng cao tay nghề và đào tạo cho khoảng 2.000 lao động thành thị và nông thôn. Từ đó, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Khó khăn là lực lượng bán chuyên trách - dự nguồn của cơ sở, nhiều huyện có nhu cầu đào tạo, nhưng chưa có chủ trương, chính sách đào tạo nên chưa có kinh phí cho đối tượng này.

PV: Tiến sĩ có thể đánh giá hiệu quả về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nhân lực của Tiền Giang trong thời gian qua ?

TS. Phan Văn Nhẫn: Theo tôi, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không riêng Tiền Giang, thời gian đầu khi thực hiện các chính sách thu hút nhân lực thì có hiệu quả. Nhưng hai năm gần đây, nhiều nơi không thu hút được.

Có lẽ do chính sách đã bão hòa, tỉnh nào cũng muốn thu hút, nhưng nguồn cung thì có hạn. Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là vấn đề “hậu” thu hút.

Có nhiều vấn đề để các địa phương không giữ được người có trình độ, như vấn đề thu nhập, điều kiện sinh hoạt, đi lại, môi trường làm việc chưa thuận lợi, phân công chưa hợp lý, chưa thật sự tin dùng, phối hợp tập thể còn hạn chế…

PV: Theo tiến sĩ, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong thời gian tới chúng ta phải làm gì ?

TS. Phan Văn Nhẫn: Tôi thấy Tiền Giang là vùng đất học, người tài không thiếu, học trò giỏi cũng rất nhiều, nhưng số lượng tốt nghiệp rồi về quê công tác lại hạn chế. Vì thế, cần giải quyết vấn đề tư tưởng, đó là giáo dục lòng yêu quê hương và sự cống hiến, giáo dục có hệ thống và ngay từ lớp nhỏ.

Kế đến là lãnh đạo các địa phương cần gắn bó, gần gũi với giới trí thức để hiểu và chọn đúng người hiền tài. Chúng ta cần học tập theo Bác cách dụng người đó là tôn trọng, tin tưởng trí thức, không ngừng động viên, tổ chức giới trí thức lại và giao nhiệm vụ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với giới trí thức và trí thức hóa lãnh đạo.

Tôi nhận thấy chính sách thu hút nhân lực trong thời gian tới có thể sẽ khó khăn, vì ĐBSCL là “vùng trũng” về giáo dục, nên địa phương nào cũng cố “hút”, “hút hụt hơi” nhưng không có người về; từ đó các địa phương sẽ đua nhau về chính sách đãi ngộ, đến một lúc nào đó sẽ “đụng trần”. Vì thế, giải bài toán nguồn nhân lực cho các địa phương là cần làm một cuộc cách mạng về biên chế, tổ chức, chính sách tiền lương ở tầm vĩ mô.

Cần có chính sách đào tạo đặc thù cho ĐBSCL, đặc biệt là cho các trường cao đẳng, đại học. Quy hoạch đào tạo cần đồng bộ, vai trò người đứng đầu cơ quan, địa phương rất quan trọng… Và cơ bản hơn nữa là các tỉnh cần chủ động tự đào tạo để sử dụng.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ.            

DUY SƠN

.
.
.