Từ cậu bé đạp xe ba gác trở thành Phó Giáo sư Ngôn ngữ học
Với biệt danh Nở “còm” do làm việc quá sức, từ bán bánh cam, đạp xích lô, ba gác, 2 lần bỏ dỡ việc học, Nguyễn Văn Nở đã trở thành người đầu tiên ở ĐBSCL được phong hàm Phó Giáo sư Ngôn ngữ học và hiện là Phó trưởng Khoa Sư phạm của Trường Đại học Cần Thơ.
PGS.TS Nguyễn Văn Nở và cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Sáu tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường THPT Trương Định. |
NGỌN NẾN ẤY MÃI LUNG LINH
PGS.TS Nguyễn Văn Nở sinh năm 1960, tại phường 3, TX. Gò Công. Trong tác phẩm “Ngọn nến ấy mãi lung linh” đoạt giải cuộc thi viết ngắn “Ơn thầy” do Báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2002, thầy Nở viết: “Có lẽ tôi không bao giờ quên buổi tối đầu tháng 11-1976, năm tôi đang học lớp 11.
Cô Chủ nhiệm (cô Phạm Thị Sáu, giáo viên môn Văn, Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công - NV) đến nhà lần thứ 2 để nói chuyện với ba má tôi và khuyên tôi trở lại lớp vì đã hơn một tuần tôi âm thầm chia tay với bút mực. Và lần này cô còn đem cho tôi một cặp nến. Cô muốn tôi dùng nó để sưởi ấm lại chồng sách bị lạnh lùng, rẻ rúng hơn tuần qua. Cầm cặp nến trong tay và nhìn dáng cô dẫn chiếc xe đạp ra khỏi con hẻm tối tăm, lầy lội, tôi thấy mình không thể phụ lòng cô. Ngày hôm sau tôi cắp sách đến trường”.
Thầy Nở nói rằng, năm đó thầy vừa có thêm đứa em trai thứ 9. Nhà đã nghèo nay khó khăn lại chồng chất vì 10 miệng ăn chỉ dựa vào chiếc xe ba gác đạp mà ba thầy và thầy thay phiên nhau chạy. “Trước năm 1975, ba tôi có nghề thợ mộc, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nghề không nuôi nổi gia đình.
Má tôi vừa chăm đàn con 9 đứa san sát tuổi nhau, vừa quẩy gánh đi mua ve chai, lông vịt phụ chồng lo sinh kế. Thương ba má cực khổ, từ năm học lớp 6, ngoài thời gian đến trường, tôi đội sề bánh cam, bánh cồng, bánh ít, bánh ú, khoai lang, khoai mì đi bán...” - thầy Nở kể.
Ban đầu, cậu bé Nở chỉ bán quanh khu vực bến xe, trường học… Khi đã quen tay, quen chân thì mở rộng địa bàn ra tới bãi biển Tân Thành - Vàm Láng, cách nhà khoảng 20km. Bán bánh vài năm, Nở chuyển qua bán kem. Mỗi ngày chạy mấy chục cây số, khắp các đường ngang, ngõ tắt vùng Tân Thành, Vàm Láng, vậy mà lắm lúc thùng kem không chịu vơi.
Có lần lo kem để lâu tan không ai mua, cậu bé Nở luýnh quýnh đạp xe qua cầu, mất thăng bằng té nhào, cả thùng kem tung tóe xuống kinh. Ký ức tuổi thơ với mối lo sinh kế đè nặng lên vai cậu bé đến đỗi mãi tới bây giờ vẫn còn đong đầy trong ký ức.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhu cầu đi lại của mọi người càng lớn, ba Nở bỏ nghề mộc, mướn một chiếc xích lô đạp để chạy. Vì là xe thuê, trả tiền theo ngày nên phải tận dụng tối đa. Thấy ba làm quần quật cả ngày, tối về đau nhức khắp người, Nở quyết định bỏ nghề bán kem, chuyển qua chạy xích lô với ba. Nở đi học thì ba chạy. Chạy vài tháng, dành dụm được ít tiền, nhờ bà cô cho mượn thêm, ba Nở sắm chiếc xe ba gác.
“Ngoài giờ học, tôi rong ruổi cùng con ngựa sắt, có những khi chạy đến tối mịt mới về. Mệt mỏi, mặc cảm, ngao ngán, bài vở không kịp chuẩn bị nên tôi chán nản và quyết định nghỉ học. Ba má tôi rất buồn nhưng vì cảnh nghèo, vì nặng lo chuyện áo cơm nên cũng xuôi theo. Nhưng cô chủ nhiệm không để học trò mình đầu hàng trước nghịch cảnh. Chính vì thế, sau lần đầu cô đến nhà mà tôi chưa trở lại lớp, cô đến lần nữa” - TS Nở nhớ lại.
PHÓ GIÁO SƯ NGÔN NGỮ ĐẦU TIÊN CỦA ĐBSCL
Năm 1978, Nở tốt nghiệp THPT, nhưng không đủ điều kiện để đi học đại học và trở thành anh đạp xe ba gác chuyên nghiệp. Rồi ngày 25-3-1979, Nở lên đường đi thanh niên xung phong, công tác tại Nông trường Phú Đông (huyện Tân Phú Đông hiện nay), nằm trên một cù lao giữa cửa Đại và cửa Tiểu mênh mông sông nước. Việc học tưởng chừng như chỉ còn trong quá khứ khi suốt ngày lao động ở rừng bần, rừng mắm; bên con kinh mới đào, hay giữa đồng lác…
“Mỗi khi có dịp về phép, tôi thường ghé thăm cô. Và bao giờ cô cũng gợi lại ước mơ thời học sinh của tôi: Trở thành thầy giáo. Cô bảo, nếu cố gắng thì đường vào đại học không phải quá xa vời. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều lời cô nói. Rồi những đêm thao thức nằm nghe tiếng sóng ầm ào ở cồn Gầm, ước mơ về nghề dạy học lại trở về và thôi thúc mãi trong tôi. Phải học lại! Nếu không ngày qua ngày chữ nghĩa rồi cũng sẽ nhạt nhòa, trôi tuột theo con nước lớn ròng và tương lai chắc chắn sẽ ảo não như tiếng bìm bịp kêu giữa đồng hoang, sông vắng” - TS Nở nhớ lại.
Vậy là, sau một ngày lao động vất vả, anh em trong nông trường lăn ra ngủ lấy sức, nhưng hình ảnh cô giáo chủ nhiệm với 2 ngọn nến ngày nào vẫn cháy lung linh trong ký ức Nở. Đêm đêm Nở miệt mài bên ngọn đèn tự chế, đặt trong mùng chống muỗi để gạo bài cho kỳ thi đại học. Nở phải học lén. Ngọn đèn dầu tù mù tỏa khói làm chiếc mùng đen xỉn nhưng Nở không dám giặt, phần vì lo ánh sáng lọt ra ngoài ảnh hưởng tới giấc ngủ của người khác, phần sợ lãnh đạo nông trường phát hiện.
Rồi Nở tìm cách bắn tin cho người nhà làm giúp cho mình hồ sơ thi vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ. Tới ngày đi thi, Nở giả bộ xin phép về nhà dự lễ giỗ ông bà. Chừng trúng tuyển, nhận giấy gọi nhập học, năn nỉ mãi, lãnh đạo nông trường mới duyệt cho đi. Khi tới nơi đã trễ mất 2 tháng, may là trường thông cảm vẫn tiếp nhận. Đó là vào năm 1981.
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn, thầy Nở được giữ lại trường giảng dạy và công tác cho đến nay. Năm 1997, thầy được phân công làm Tổ trưởng chuyên ngành Ngôn ngữ thuộc Bộ môn Ngữ văn. Năm 2007, thầy được đề bạt làm Trưởng Bộ môn Ngữ văn. Tháng 2-2008, thầy lấy bằng Tiến sĩ Ngữ văn và vào tháng 11-2011, thầy được phong hàm Phó Giáo sư Ngôn ngữ học đầu tiên của ĐBSCL.
Đầu tháng 5-2012, thầy được đề bạt làm Phó Trưởng khoa Sư phạm. Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu, thầy đã hướng dẫn hơn 20 luận văn thạc sĩ, đa phần đề tài đều liên quan đến việc giảng dạy tiếng Việt, văn học ở trường THPT và tìm hiểu nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm văn chương, lĩnh vực mà mấy chục năm qua thầy dốc hết tâm sức theo đuổi.
Thạc sĩ Nguyễn Thụy Thùy Dương, giảng viên Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, nói rằng: “Thầy luôn quan tâm, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để nhiều sinh viên, học viên, giảng viên trẻ tiến bộ và phát triển nghề nghiệp. Thầy rất say mê công việc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tục ngữ, ngôn ngữ, văn học dân gian. Trước khi quyết định bất cứ việc gì liên quan đến tập thể, thầy thường tham khảo ý kiến đồng nghiệp nên tạo được sự đồng thuận, đoàn kết cao ở bộ môn”.
THẾ ANH - K.CHINH