Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về ôn thi tốt nghiệp THPT 2014
Bộ GD&ĐT đã có những yêu cầu cụ thể gửi các Sở GD&ĐT nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Tuyệt đối không được cắt xén chương trình
Một trong những nội dung nhấn mạnh của Bộ GD&ĐT là yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2013 - 2014 và Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã qui định.
Ảnh: Như Lam |
Bên cạnh đó, tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Chủ động triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trong đó chú ý đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập và thi cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Bộ cũng đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Tập trung vào chuẩn kiến thức, kỹ năng
Về việc tổ chức ôn tập, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.
Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2013 - 2014; trong đó, với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội
Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.
Trong việc tổ chức ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Phân nhóm học sinh
Giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức.
Báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập, ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.
Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
(Theo gdtd.vn)