Thứ Hai, 17/03/2014, 10:04 (GMT+7)
.

Cô Thái Thị Nhụy: Giỏi việc nước chưa đủ, còn phải giỏi việc nhà

Cô Thái Thị Nhụy, Hiệu trưởng Trường  Mẫu Giáo xã Đăng Hưng Phước.
Cô Thái Thị Nhụy, Hiệu trưởng Trường Mẫu Giáo xã Đăng Hưng Phước.

Đã gần 17 giờ, nhưng một số giáo viên cùng Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo  xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo) vẫn chưa về nhà. Cô Hiệu trưởng Thái Thị Nhụy cho biết: “Các cô ở lại hỗ trợ cho bạn, chuẩn bị các thứ cần thiết… vì ngày mai trường có giáo viên thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.”

Gần 30 năm sống với nghề giáo viên mầm non, nên cô Nhụy đã trải qua nhiều “nỗi niềm trong nghề nuôi dạy trẻ”. Ngày mới ra trường, cô dạy ở điểm trường ấp của xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo; trường chỉ có mái che chưa có bàn ghế, cô và trò phải ngồi trên chiếc đệm trải trên nền đất mà học, thời gian sau trường mới mua được ghế xếp.

Kinh phí eo hẹp nên chỉ mua loại ghế rẻ tiền, không bao lâu sứt đinh, tuột ốc… cho nên ngoài đồ dùng dạy học, cô giáo còn mang theo kìm, búa để kiêm thêm việc sửa chữa ghế cho trò.

Những năm ấy mẹ cô mất, cha già trên 80 tuổi, một em trai bị bệnh tâm thần, đứa em kế đang tuổi ăn tuổi học, lương giáo viên mẫu giáo chẳng được bao nhiêu mà phải nuôi từng ấy miệng ăn và quán xuyến, trụ cột gia đình.

Ngoài giờ đến lớp, cô giáo phải trồng thêm khoai lang, cứ mỗi chiều trồng, tưới cắt khoai lang, tối cột từng lọn, khuya dậy sớm gánh ra chợ bán xong về nhà tất bật lo cho cha ăn uống rồi mới an tâm hối hả đến lớp.

Càng vất vả hơn khi cô được tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ tổ trưởng tổ chuyên môn, lại phải học hỏi bạn bè và phấn đấu sao cho hoàn thành việc trường và chu toàn việc nhà, đó là một sự phấn đấu rất cao.

Luân chuyển dạy ở một số trường ấp, xã ở địa bàn Đăng Hưng Phước, dù ở đâu, khó khăn nào cô cũng cố gắng vượt qua và luôn giúp đỡ, động viên đồng nghiệp bám trụ với nghề, phấn đấu dạy tốt.

Tháng 11-1999 cô được giao nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đăng Hưng Phước. Thời gian này, trường mở thêm bán trú nhưng chưa đủ lớp nên chưa có hiệu phó chuyên trách, cô Nhụy phải nỗ lực hơn trong công việc kiêm nhiệm.

Cô tâm sự: “Từng là giáo viên dạy lớp, mình hiểu và rất cảm thông cho những em mới ra trường nên thường quan tâm, hướng dẫn. Công việc của giáo viên mầm non đầy áp lực nhưng không phải ai cũng hiểu cho mình. Ngoài công tác chuyên môn trong giảng dạy, các cô giáo còn phải tham gia phong trào thi đua, sáng tạo và làm đồ dùng dạy học, chăm sóc gia đình. Từ tháng 8-2012, mình đảm nhiệm vai trò của một hiệu trưởng, trách nhiệm càng cao, càng phải nỗ lực hơn trong phong trào 2 giỏi.”

Mục tiêu yêu cầu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của một người quản lý, đòi hỏi bản thân phải luôn phấn đấu, nêu cao ý thức trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình. Việc đăng ký tham gia phong trào “2 giỏi” không phải giáo viên nào cũng ý thức tham gia, có người cho rằng làm tốt nhiệm vụ của giáo viên ở lớp là đủ.

Chính vì vậy mà cô Nhụy cùng Ban giám hiệu phải vận động, phân tích để các cô thông suốt mà đăng ký tham gia và tất cả đều thấm nhuần phương châm: “Mỗi cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Trong những năm qua, giáo viên đã linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức các hoạt động, tạo điều kiện cho trẻ tìm tòi, khám phá, kích thích trẻ tích cực tham gia hoạt động…

Cô Lê Thị Thanh Thảo đã phát biểu: “Có thời gian em làm kế toán, sau đó trở lại dạy lớp, chuyên môn của giáo viên mầm non luôn đổi mới, giáo viên luôn phải cập nhật, học hỏi và sáng tạo. Cô Nhụy đã tận tình giúp đỡ em trong chuyên môn và tạo cơ hội cho em tham gia các phong trào. Từ đó em đủ tự tin để giảng dạy và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Có gần gũi mới hiểu được cô hiệu trưởng của mình, ngoài việc ở trường cô phải chăm sóc cha già và quán xuyến gia đình bên chồng.”

Giáo viên trẻ Đỗ Thị Kim Tuyến thì chia sẻ: “ Hồi mới vào trường em còn rất yếu trong chuyên môn, cô Nhụy đã nhắc nhở từng chút, từ cách nói chuyện và  xưng hô với trẻ, thân thiện với trẻ như thế nào, tôn trọng trẻ và nhất là phải dịu dàng với các bé. Những lần dự giờ cô Nhụy tận tình góp ý, chỉnh sửa. Nhiều khi thứ bảy, chủ nhật cô vẫn đến trường để giải quyết công việc còn tồn đọng trong tuần…”

Sau tai nạn giao thông, cô Nhụy phải băng bột tay phải, nhưng cô vẫn theo học hoàn thành lớp Trung cấp chính trị, phải luyện viết bằng tay trái để ghi bài vở…

Gần 30 năm làm giáo viên ngành Mầm non, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được các cấp của ngành Giáo dục & Đào tạo khen thưởng, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Liên đoàn LĐ tỉnh khen thưởng về thành tích thi đua “2 giỏi”.

ÁI QUỲNH

.
.
.