Thứ Bảy, 12/04/2014, 14:08 (GMT+7)
.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Sáng 11-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV).

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, hầu hết HSSV có tinh thần yêu quê hương đất nước, tin tưởng và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hầu hết HSSV có trách nhiệm với gia đình, với việc học tập rèn luyện và bản thân.

Ngoài ra, hầu hết HSSV có lối sống lành mạnh, biết chia sẻ, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai; phần lớn HSSV có lối sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú và phê phán với những tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi trái thuần phong mỹ tục dân tộc.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Bên cạnh những biểu hiện tích cực, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ HSSV có ý thức phấn đấu chưa cao, thờ ơ với các vấn đề chính trị - xã hội, mơ hồ về lý tưởng cách mạng, không xác định được mục tiêu, lý tưởng cuộc sống.

Một số HSSV đề cao lối sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần, bị đồng tiền tha hóa ngày càng rõ. Họ ít quan tâm đến cộng đồng và người xung quanh và rất ít tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội. Họ sống khép mình, coi trọng chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể, thiếu trách nhiệm chung.

Tình trạng chơi lô đề, cá độ, cờ bạc, uống rượu bia, vay nợ để tiêu xài dẫn đến mâu thuẫn, va chạm, xung đột, đánh nhau vẫn còn trong một số HSSV. Số HSSV này tuy ít nhưng có ảnh hưởng lớn tới môi trường học tập, rèn luyện của nhà trường.

Nhiều HSSV nói tục, chửi thề, dùng những câu thiếu văn hóa ngay cả ở trong trường khi nói chuyện với bạn bè. Ở một số trường, tình trạng HSSV xả rác không đúng nơi quy định, hút thuốc lá trong trường vẫn còn phổ biến…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống của HSSV; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

TS. Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nêu nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến đạo đức, lối sống HSSV xuống cấp. Đó là do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường làm cho môi trường văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi, thậm chí làm cho nhiều thang giá trị đảo lộn, lấy giá trị vật chất làm thước đo; toàn cầu hóa và hội nhập, mặt trái của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kéo theo sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa đồi trụy, bạo lực, của chủ nghĩa thực dụng, hiện sinh; sự yếu kém của nền kinh tế làm cho không gian vật chất của học đường hạn chế...

Thêm nữa, sự quan tâm, nhận thức của các cơ quan liên quan trong quản lý giáo dục còn thiếu nhất quán, đồng bộ; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng "khoán trắng" cho nhà trường; một bộ phận giáo viên chỉ lo "dạy chữ" chưa quan tâm "dạy người"; một bộ phận thầy cô giáo chưa thật sự là tấm gương đạo đức; hoạt động của các tổ đoàn thể trong nhà trường còn hình thức. 

Cùng với đó, một bộ phận phụ huynh không có thời gian chăm lo cho các con; một bộ phận cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng giáo dục đạo đức cho con em mình…

TS. Chu Văn Yêm đề xuất: Cần thống nhất nhận thức coi môn Đạo đức/Giáo dục công dân là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất đặc biệt của môn học trong việc góp phần giáo dục, đào tạo con người; từ đó có chính sách phù hợp dành cho môn Đạo đức/Giáo dục công dân cũng như hỗ trợ đời sống giáo viên.

Nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy môn giáo dục công dân cho phù hợp với thực tiễn và tâm lý từng lứa tuổi, từng cấp học; tăng thời lượng môn học một cách hợp lý (thông qua hoạt động ngoại khóa, hoạt động từ thiện, xã hội, áp dụng mô hình tư vấn tâm lý học đường...); chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên, nhất là kỹ năng giảng dạy, tổ chức hoạt động thực hành đạo đức và kiến thức pháp luật; coi trọng việc nêu gương đạo đức, người tốt, việc tốt...

TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu quan điểm, từ bức tranh về thực trạng đạo đức, lối sống của HSSV và những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về những giá trị trong xã hội rất cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

Cụ thể: tăng cường mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội; tạo môi trường tốt ở gia đình, nhà trường và xã hội; những người làm công tác giáo dục phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải thường xuyên; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền; nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.