Thứ Năm, 24/04/2014, 09:20 (GMT+7)
.

Tôn vinh học sinh học giỏi Lịch sử

Ngày 23-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng cho các em học sinh THPT đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Tham dự có GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển sử học Việt Nam; ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học này, tính trên toàn quốc, bộ môn Lịch sử có 217 học sinh đoạt giải, trong đó có 6 giải nhất, 51 giải nhì, 73 giải ba, 87 giải khuyến khích.

Các đại biểu trao thưởng cho 6 nữ sinh đoạt giải nhất.
Các đại biểu trao thưởng cho 6 nữ sinh đoạt giải nhất.

Trong đó, Nam Định và Vĩnh Phúc là hai tỉnh có nhiều nhất học sinh đoạt giải nhất - 2 giải. Còn lại Hà Nam và Hà Nội một giải nhất. Đây là lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội có học sinh giành được giải thưởng cao quý này.

Điều đặc biệt nhất là năm nay cả 6 học sinh đoạt giải nhất đều là nữ sinh. Bên cạnh đó, có một số tỉnh tuy không có giải nhất nhưng đoạt được nhiều giải nhất như: Nghệ An (7 giải nhì), Thái Bình (6 giải nhì)…

Vinh dự là một trong 6 nữ sinh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, em Trần Thị Thu Thủy - Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - phát biểu:

“Trong buổi lễ tuyên dương và khen thưởng hôm nay, em rất vinh dự và tự hào đại diện cho các bạn học sinh cả nước tụ hội về đây - ngôi trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam ngàn năm văn hiến để bày tỏ, tâm tư, tình cảm của mình về môn Lịch sử.

Học Sử là để ôn cố tri tân, để biết quá khứ, hiểu hiện tại và hướng đến tương lai. Không một dân tộc nào khi lớn lên mà lại không mang quá khứ của mình. Bản sắc dân tộc là niềm tự hào lớn, là yếu tố quyết định đến sự thành vinh của một dân tộc.

Khi học Lịch sử chúng ta sẽ rự rút ra cho mình những bài học về sự thành công và thất bại. Học Lịch sử còn là để tự hoàn thiện nhân cách của bản thân.

Trong những năm vừa qua, môn Lịch sử đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, phát triển, đào tạo trong các trường. Tuy nhiên, để học tốt môn Lịch sử không phải là điều dễ dàng.

Bởi lẽ yêu cầu của môn học đòi hỏi HS phải tiếp thu nhanh vấn đề, phải có chí hướng, có óc tư duy, biết tìm ra qui luật, bản chất của vấn đề.

Đặc biệt người học phải có niềm say mê với môn học, có ý chí vươn lên để hoàn thiện bản thân mình… Có được thành công ngày hôm nay là do chúng em có được sự giúp đỡ của thầy cô giáo”.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.NGND Phan Huy Lê cho rằng: Muốn khắc phục những hạn chế, khôi phục vị thế và chức năng môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông, tạo nên sự hứng thú và say mê thực sự trong học tập của học sinh thì chũng ta phải đặt nó trong yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, phải cải cách từ chương trình SGK đến đào tạo đội ngũ giáo viên.

Trong lúc chờ đợi phục vụ cải cách căn bản và toàn diện như vậy, tổ chức trao thưởng cho Học sinh giỏi là giải pháp cổ vũ tinh thần các em nhìn nhận những tấm gương sáng trong học tập và sáng tạo.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng tuyên dương và trao giải học sinh giỏi sử thành ngày hội để cổ vũ, động viên các tâm gương học sinh trong xã hội, tạo nên một khuynh hướng mới đối với môn Sử”.

Đánh giá cao kết quả các em HS đã đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết:

“Các em HS đoạt giải cao trong kỳ thi HSG và có mặt tại buổi lễ ngày hôm nay là những em HS yêu thích, đam mê, có phương pháp học tập hiệu quả môn Lịch sử.

Các em thật xứng đáng được biểu dương. Thành tích học tập của các em là kết quả quá trình đổi mới dạy học lịch sử đang bắt đầu trong các nhà trường phổ thông”.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Kết quả học tập của các em cũng như giá trị lịch sử đã được tiếp thu và hình thành trong các thế hệ phải nhắc đến công lao của các thầy cô giáo dạy sử.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô vẫn miệt mài với sự nghiệp trồng người, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đem đến những tiết giảng hay, tổ chức những hoạt động giáo dục sáng tạo, sinh động, kích thích đam mê, khơi dậy tinh thần hiếu học, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam.

Buổi lễ trang trọng này sẽ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn thầy cô và các em học sinh, giúp có thêm động lực tiếp tục phát huy những giá trị đã đạt được. Các em sẽ phát huy những kiến thức lịch sử hôm nay trong hành trang vào đời”.

(Theo gdtd.vn)

.
.
.