Thứ Sáu, 30/05/2014, 17:52 (GMT+7)
.

Xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông cho HS-SV

“Xây dựng ý thức và thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh - sinh viên (HS - SV) là một việc làm thiết thực, ý nghĩa nhưng không phải là việc dễ dàng. Chính vì thế, các ngành, các cấp, đặc biệt là các đơn vị trường phải có những biện pháp thích hợp, hiệu quả để từng bước xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông cho các em”- Đó là nhìn nhận của hầu hết các đại biểu trong Hội thảo xây dựng ý thức và thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ của HS - SV được Sở Giáo dục - Đào tạo và Hội Khoa học, Tâm lý và Giáo dục tỉnh phối hợp tổ chức vừa qua…

Cũng tại hội thảo này, nhiều giải pháp để xây dựng ý thức và thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ của HS-SV đã được các đại biểu đưa ra.

Tạo thói quen cho trẻ đội nón bảo hiểm từ khi còn là học sinh. 					         Ảnh: HỮU CHÍ
Tạo thói quen cho trẻ đội nón bảo hiểm từ khi còn là học sinh. Ảnh: Hữu Chí

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Thoa, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Tiền Giang) cho rằng: Một bộ phận không nhỏ HS - SV điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi ngược chiều, không có giấy phép lái xe. Một số không nhỏ khác cũng vi phạm những lỗi như: Đi xe máy, xe đạp điện không đội nón bảo hiểm; đi xe dàn hàng hai, hàng ba...

Chính những thói quen này đã góp phần gây nên những vụ va chạm, cũng như nhiều vụ tai nạn thương tâm. Từ đó, Thượng tá Nguyễn Anh Thoa đề xuất những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong giới HS - SV như:

Nhà trường cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục cho HS nắm bắt được các kỹ năng sống, kỹ năng về ATGT, gương mẫu chấp hành Luật Giao thông đường bộ; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho HS, nhất là HS phổ thông trung học, SV các trường cao đẳng, đại học; đảm bảo trật tự, ATGT không những ở đường phố, mà còn ở ngay trường học.

Nhà trường cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng phát động phong trào thi đua về giữ gìn trật tự, phong trào ATGT, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để HS tự ý thức bảo vệ mình và những người cùng tham gia giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc…

Các ban, ngành, đoàn thể tùy theo trách nhiệm của mình cũng đã đề xuất những giải pháp riêng. Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Để giáo dục ý thức cho các em, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các “Ngày hội tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”; tổ chức cho HS - SV xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, hậu quả các vụ tai nạn giao thông; phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền; tổ chức hội thi lái xe an toàn cho HS - SV.

Đặc biệt, các tổ chức Đoàn trong trường học sẽ chủ động phối hợp với các bộ phận trong nhà trường, công an địa phương tổ chức kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý tình trạng HS đã ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT nhưng vi phạm; các cấp bộ Đoàn cơ sở nhắc nhở HS - SV vi phạm trật tự ATGT do cơ quan công an thông báo về trường học; nâng cao ATGT tại các cổng trường học thông qua xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường trong tỉnh…

Với những giải pháp nhằm xây dựng ý thức, thói quen chấp hành luật giao thông, đảm bảo ATGT cho các em, nhiều đại biểu cho rằng chúng ta cần hết sức kiên trì. Và trên hết, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học và gia đình.

Cô Lê Thị Huỳnh Hoa, Trường Tiểu học B An Hữu (huyện Cái Bè) đề xuất: Cần xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông cho các em ngay từ nhỏ; phát huy vai trò của nhà trường, kết hợp với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục an toàn giao thông; nhà trường cần coi trọng việc xây dựng văn hóa giao thông gắn với văn hóa học đường để giáo dục các em, có nhiều mô hình giáo dục xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông của HS; lồng ghép giáo dục ATGT vào các môn học của các em.

Cô cũng cho rằng, phương pháp giáo dục ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông cho các em hay nhất là: “Cha mẹ, thầy cô hãy là những người bạn, người hướng dẫn giúp các em có những suy nghĩ, hành vi đúng về ý thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật về ATGT. Mỗi việc làm chuẩn mực của người lớn là cách giáo dục hiệu quả nhất, tạo thành ý thức cho các em”.

Cũng như cô Lê Thị Huỳnh Hoa, nhiều đại biểu cho rằng gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong vấn đề xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông của HS - SV. Vì vậy, nhiều giải pháp được đưa ra đều gắn liền với vai trò của nhà trường và gia đình.

Đại biểu Nguyễn Minh Phụng, trường THPT Vĩnh Bình chia sẻ: Phụ huynh kiên quyết không mua xe cho con khi con chưa đủ 18 tuổi; không cho phép con sử dụng xe máy khi chưa có giấy phép lái xe; nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông để làm gương cho con.

Bên cạnh gia đình, nhà trường cũng cần có nhiều biện pháp phối hợp như: Thực hiện tốt chương trình giáo dục ATGT trong trường học, giúp HS có kiến thức về ATGT và có những kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông.

Các trường có số lượng HS đông cần lập Ban ATGT trường (nòng cốt là tổ chức Đoàn, Đội) để tuyên truyền và xây dựng ý thức, thói quen chấp hành luật giao thông của HS-SV… Thầy Lê Quang Huy, trường THCS Trừ Văn Thố (TX. Cai Lậy) cũng đề ra nhiều giải pháp thiết thực gắn với nhà trường và gia đình như: Khi chở các em, phụ huynh cần tuân thủ đúng các nguyên tắc giao thông để các em noi theo; liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm rõ giờ giấc đi lại, học tập của các em, xem các em có chấp hành tốt quy định về ATGT không để kịp thời uốn nắn.

Khi cho con tham gia giao thông, gia đình cần thường xuyên nhắc các con chấp hành nghiên chỉnh các quy định về ATGT (đội nón bảo hiểm theo quy định, không lạng lách, dừng khi đèn đỏ, không đi hàng hai, hàng ba...).

MINH CHÂU

.
.
.