Thứ Tư, 11/06/2014, 21:26 (GMT+7)
.
Báo động tình trạng cử nhân thất nghiệp

Bài 2: Chênh lệch giữa cung và cầu

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng các cử nhân, kỹ sư… khó tìm việc hoặc làm chưa đúng với chuyên ngành được đào tạo. Có lẽ chính sự không gặp nhau giữa cung và cầu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng thừa “thầy” thiếu “thợ” như hiện nay.

Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp “mọc” lên ngày càng nhiều, kéo theo đó là lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng tăng cao, trong khi nhu cầu sử dụng đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn của xã hội lại không tỷ lệ thuận với số sinh viên ra trường. Sự bất cập này đã và đang diễn ra không chỉ ở Tiền Giang.

CHÊNH LỆCH GIỮA ĐÀO TẠO VÀ NHU CẦU

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, năm 2013 có 378 hồ sơ đăng ký ứng tuyển, trong đó ngạch giáo viên 260 hồ sơ và nhân viên 118 hồ sơ (chỉ tính ở bậc THPT). Kết quả tuyển dụng 2 đợt có 95 hồ sơ trúng tuyển (trong đó 68 giáo viên và 27 nhân viên).

Còn theo thống kê của Sở Nội vụ Tiền Giang, trong năm 2013 Sở Nội vụ nhận 732 hồ sơ, trong đó trình độ đại học 712 hồ sơ, trung cấp 20 hồ sơ, nhưng kết quả chỉ tuyển 45 hồ sơ (43 đại học và 2 trung cấp). Như vậy, nhu cầu tuyển dụng trong khối Nhà nước ở Tiền Giang trong năm qua chỉ có 140  hồ sơ, trong khi có đến 1.110 hồ sơ ứng tuyển. Theo Sở Nội vụ, nhiều sinh viên tốt nghiệp nộp hồ sơ nhưng gần đến ngày thi công chức thì không đến thi, vì thấy nhu cầu tuyển quá ít trong khi số hồ sơ ứng tuyển vào vị trí tương đương quá nhiều.

Về nhu cầu tuyển dụng ở khối doanh nghiệp (gọi chung là nhu cầu của xã hội), theo  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, con số cũng khiến người ta lo lắng về lượng người thất nghiệp. Năm 2013, có 9.113 người đăng ký thất nghiệp, trong đó số người đăng ký thất nghiệp trong tỉnh là 6.310 người; tiếp nhận hồ sơ của tỉnh khác chuyển đến là 2.803 người.

Trong quý I-2014, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tiếp nhận nhiều hồ sơ và có 1.346 người đăng ký thất nghiệp, trong đó số người đăng ký thất nghiệp trong tỉnh là 975 người và tiếp nhận hồ sơ của tỉnh khác chuyển đến là 371 người. Trong quý I-2014, có 387 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (có 329 DN trong tỉnh và 58 DN ngoài tỉnh), với nhu cầu tuyển dụng 12.387 lao động, trong đó lao động phổ thông (LĐPT) là 11.426 người và lao động có trình độ chuyên môn là 961 người. Các DN phần lớn tuyển LĐPT ở các ngành may mặc, bán hàng, cơ khí, điện - điện tử, lái xe…

Có thể nói, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn ít và chưa đa dạng về ngành nghề. Vì vậy, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Từ đó, thị trường lao động vẫn tiếp tục trong tình trạng mất cân đối như hiện nay.

VÌ SAO CUNG VÀ CẦU CHƯA GẶP NHAU?

Theo số liệu thống kê của Trường Đại học Tiền Giang, mỗi năm trường này tuyển sinh (hệ cao đẳng và đại học) khoảng 2.500 sinh viên (riêng năm 2013 là 2.385 sinh viên). Từ năm 2010 đến năm 2013 có khoảng 9.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Mỗi năm trường đều có chỉ đạo tổ chức khảo sát trên 50% số sinh viên tốt nghiệp. Năm 2010, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 88,9%, năm 2011 đạt 75,2% và năm 2012 đạt 76,76%. Tuy nhiên, khi lấy con số sinh viên tốt nghiệp hàng năm đem so với nhu cầu tuyển dụng thì có sự chênh lệch khá lớn.

Nhu cầu tuyển dụng trong khối Nhà nước tại tỉnh Tiền Giang mỗi năm chỉ vài chục cán bộ, công chức, viên chức; trong khi số sinh viên tốt nghiệp hằng năm lên đến con số vài ngàn. Cụ thể, trong năm 2013, Sở Nội vụ nhận 732 hồ sơ (gồm sinh viên Trường Đại học Tiền Giang và các trường đại học của tỉnh, thành khác như: Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…), trong đó trình độ đại học là 712 hồ sơ; thế nhưng chỉ tiêu tuyển dụng có 45 hồ sơ.

Còn đối với doanh nghiệp, nhìn vào con số nhu cầu tuyển dụng của DN tưởng như rất lớn, trong quý I-2014 DN đăng ký tuyển 12.387 lao động. Tuy nhiên, LĐPT đã chiếm 11.426, số có trình độ chuyên môn cao (đại học, cao đẳng) chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Qua phân tích cho thấy, chính sự chênh lệch giữa cung và cầu đã dẫn đến tình trạng thừa “thầy” nhưng thiếu “thợ”.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề “thầy” nhiều hơn “thợ” được đặt ra khá bức xúc từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng, bởi thiếu hẳn chiến lược giáo dục bài bản, có tính toán hợp lý. Mỗi năm số sinh viên ra trường thì nhiều, trong khi công nhân có tay nghề luôn thiếu thì đào tạo quá ít.

Nhận định về con số 72.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp, TS. Phan Văn Nhẫn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho rằng: Con số 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thật sự khiến người ta trăn trở. So với nhiều tỉnh, thành khác thì Tiền Giang tỷ lệ thất nghiệp được đánh giá thấp hơn. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần có chiến lược cụ thể đối với tình trạng cử nhân thất nghiệp hoặc làm chưa đúng ngành được đào tạo.

Theo phân tích của TS. Phan Văn Nhẫn, thất nghiệp là do nhiều nguyên nhân như: Hậu quả của khủng hoảng kinh tế làm hàng chục ngàn DN phá sản và như một số chuyên gia kinh tế nhận định: Kinh tế nước ta đang “mắc bẫy thu nhập trung bình” nên sinh viên tốt nghiệp đang khó tìm việc làm. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về giáo dục còn nhiều yếu kém và có biểu hiện lợi ích cục bộ. Đó là hậu quả của cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo, mở trường đại học, cao đẳng tràn lan.

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường hầu như không gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực trên cả nước, từng vùng, từng địa phương. Có địa phương quá nhiều trường, vượt quá nhu cầu xã hội. Thêm vào đó, các trường đại học tự phát, chạy theo cơ chế thị trường trong đào tạo. Nhiều năm nay, các truờng thi nhau đào tạo cái mình có, không đào tạo ngành nghề xã hội cần.

Một số trường thuộc khối kỹ thuật công nghệ cũng đào tạo kế toán, quản trị kinh doanh; ngược lại, khối kinh tế - xã hội cũng đào tạo khối ngành kỹ thuật. Một số trường “lai tạo” những ngành nghề mới để thu hút thí sinh, làm mất đi tính khoa học trong giáo dục - đào tạo. Thực tế còn có tình trạng liên kết đào tạo tràn lan, không đúng quy định, đào tạo theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng.

Ngoài ra, thiếu hẳn sự gắn kết giữa nhà trường với nhà tuyển dụng sử dụng lao động nên nguồn nhân lực được đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Nhiều DN sử dụng lao động giản đơn nên không có nhu cầu lao động trình độ đại học. Chất lượng đào tạo kém, sinh viên tốt nghiệp khó khăn khi tìm việc làm. Rất nhiều trường không có đủ giảng viên có đủ trình độ, năng lực giảng dạy và điều kiện vật chất đảm bảo chất lượng đào tạo…

Ngoài ra, nhìn ở một khía cạnh khác, cũng không thể đổ lỗi hết cho ngành Giáo dục và Đào tạo, mà phải nói đến trách nhiệm gia đình, các trường THPT trong tư vấn hướng nghiệp. Có thể nói, việc hàng ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thất nghiệp là hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh kém hiệu quả.      

HOÀI THU

Bài cuối: Giải pháp nào để cung và cầu gặp nhau?

.
.
.