Thứ Sáu, 13/06/2014, 14:06 (GMT+7)
.
Báo động tình trạng cử nhân thất nghiệp

Bài cuối: Giải pháp nào để cung và cầu gặp nhau?

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) xã hội... Bên cạnh đó, cần siết chặt chất lượng đào tạo và có dự báo nguồn nhân lực trong 5 - 10 năm. Ngoài ra, bản thân người tìm việc cũng cần đổi mới tư duy. Chỉ dựa vào tấm bằng, lại thiếu kỹ năng hoặc thái độ chưa tốt thì hành trình tìm việc sẽ rất dài…

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ ĐÀO TẠO

Theo phân tích của TS. Ngô Tấn Lực, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, trong nền kinh tế thị trường cung phải dư so với cầu. Như thế mới tốt cho nhà tuyển dụng chọn lựa và để người giỏi hơn có việc làm sớm hơn, lương cao hơn.

Nhưng dư thừa với một lượng lớn như hiện nay (khoảng 72.000 cử nhân, kỹ sư trong cả nước) là điều hết sức bất bình thường. Chúng ta cần có sự thông cảm cho các em sinh viên tốt nghiệp đã vất vả trong chuyện tìm việc làm.

“Cùng thì tất biến” buộc một số em phải làm những công việc trái ngành hoặc không phù hợp với trình độ chuyên môn. Song cần phải có giải pháp mạnh trong việc đào tạo sao cho đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhu cầu nhân lực của xã hội vẫn là “hình nón đỉnh nằm trên”, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có cấu trúc hình nón như thế, lớn hơn đôi chút, nhưng không thể đưa ra hình nón lật ngược được. Điều này đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu rồi.

Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng tăng cường đổi mới giáo trình, áp dụng lý thuyết vào thực hành  và mở thêm nhiều buổi học rèn kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo (Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Tiền Giang).
Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng tăng cường đổi mới giáo trình, áp dụng lý thuyết vào thực hành và mở thêm nhiều buổi học rèn kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo (Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Tiền Giang).

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu về nguồn nhân lực trong những năm qua là do sự phát triển quá nhanh của các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2013 cả nước có 338 trường công lập và 83 trường ngoài công lập, thậm chí trên địa bàn 1 tỉnh có 3 - 4 trường. Trong khi đó cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm thiếu thốn, đội ngũ giảng viên và quản lý giáo dục trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đảm bảo, thiếu cả về số lượng và chất lượng; giáo trình giảng dạy xơ cứng, chủ yếu là lý thuyết, chưa gắn liền với nghiên cứu và thực hành ở các phòng thí nghiệm và ở các doanh nghiệp; nhà trường thiếu thông tin về thị trường lao động, chưa nắm bắt được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các ngành nghề trong cả nước.

Chưa kể hệ thống trung học chuyên nghiệp và trung học nghề cũng đang èo uột. Do đó các ngành học chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì vậy, một trong những việc quan trọng cần làm hiện nay là siết chặt quy mô giáo dục - đào tạo, không để phát triển ồ ạt không đảm bảo điều kiện chất lượng nhằm tránh xảy ra thực trạng “bằng cấp cao nhưng năng lực thấp”. Đó là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng tăng cao.

TS. Ngô Tấn Lực cho rằng, ngành chức năng, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm hơn nữa đối với việc dự báo nguồn nhân lực trong tương lai, để công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sao cho hiệu quả. 

Việc dự báo thị trường lao động có ý nghĩa rất quan trọng, từ dự báo này gia đình và các trường THPT tư vấn cho học sinh nên chọn học ngành gì phù hợp với nhu cầu xã hội. Công tác này trước nay còn rất yếu, cần khẩn trương cải thiện.

Đối với các trường đại học, cần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là 2 nhóm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, làm sao để các em rời giảng đường đại học phải tự tin khi đi tìm việc. Tuy nhiên, bản thân sinh viên phải tự biết nâng cao kỹ năng sống.

Bởi vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp phụ thuộc nhiều ở sinh viên, tấm bằng chỉ là khởi đầu - TS. Ngô Tấn Lực nhận định. Thực tế cho thấy, những em khá 2 nhóm kỹ năng này dễ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

TS. Phan Văn Nhẫn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang mong mỏi trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh chủ trì để nhà trường và các ngành hữu quan cùng thống nhất xác định chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo theo địa chỉ.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tăng cường đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các ngành hữu quan và xã hội tham gia đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo; đồng thời bố trí sử dụng nhân lực của trường vừa tốt nghiệp...

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ, HỢP TÁC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ…

Theo TS. Ngô Tấn Lực, nhìn ở một khía cạnh khác thì tình trạng thất nghiệp tràn lan của các cử nhân, thạc sĩ là do ảnh hưởng tình hình khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, nước ta số lượng doanh nghiệp (DN) lớn còn quá ít, chủ yếu là các DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ, nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, nhất là các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế. Khảo sát một vòng tại các KCN Tiền Giang, dễ dàng nhận thấy điều này.

Ở nhiều KCN, có DN có đến cả chục ngàn lao động, do công nghệ thấp, thiết bị máy móc còn lạc hậu, do đó DN chủ yếu tuyển lao động phổ thông, nên người có tay nghề trình độ cao đẳng, đại học khó tìm được việc làm thích hợp. Chúng ta mãi mê đào tạo cử nhân mà không được sử dụng dẫn đến lãng phí.

Vì vậy, cần có chính sách thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; cần có chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI để tăng nhu cầu sử dụng nguồn lao động chuyên môn cao. Bên cạnh đó, mở ra một triển vọng hợp tác quốc tế trong lao động, nghiên cứu hỗ trợ các em ra nước ngoài làm việc, tiếp thu công nghệ mới và văn hóa của họ…

Giải pháp này sẽ khai thác được một lượng lớn lao động có trình độ chuyên môn. Trường Đại học Tiền Giang đã làm việc này hơn 4 năm qua. Thực tế những em sang hợp tác lao động ở Nhật Bản đều có thu nhập khá cao và khi về Việt Nam đều có việc làm, lương cao ngay tại DN trong nước cũng như nước ngoài.

Ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Tiền Giang cho rằng: Nhà trường, DN, các cơ quan nghiên cứu và những nơi có nhu cầu lao động phải luôn đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau để đôi bên cùng có lợi, tạo điều kiện cho nhà trường trở thành nơi cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho DN trong nước và DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Đây là biện pháp hữu hiệu để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm, giảm thời gian đào tạo lại.

Nhà nước từ cấp Trung ương và địa phương tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp xã hội... Đây chính là nơi để tiếp nhận một phần số sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm.

TS. Phan Văn Nhẫn cho rằng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ làm phát sinh công ăn việc làm, phát triển ngành nghề để thu hút nhân lực. Trước mắt, UBND tỉnh triển khai đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông sản và du lịch sinh thái.

Thực tế đã chứng minh, nơi nào có nguồn nhân lực chất lượng cao (trình độ đại học, cao đẳng) thì ở đó phát triển và ngược lại. Mô hình Cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh An Giang là một điển hình trong sử dụng nhân lực qua đào tạo.

Và nói như TS. Phan Văn Nhẫn “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”. Vì vậy, song song với đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, cần tập trung đổi mới giáo dục đại học nhằm hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển Quốc gia như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã đề ra.

  HOÀI THU

.
.
.