Thứ Hai, 09/06/2014, 09:24 (GMT+7)
.

Cử nhân nhọc nhằn trên đường tìm việc

Theo kết quả thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổng cục Thống kê, tính đến quý IV-2013 cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ, chưa kể những cử nhân có việc làm nhưng làm công nhân hay những công việc không thuộc chuyên môn. Con số này đã khiến dư luận không khỏi hoang mang về tình trạng thất nghiệp của “ông cử bà cử”.

Tại Tiền Giang cũng không ngoại lệ, tình trạng học xong cử nhân tiếp tục học thạc sĩ, văn bằng 2 hoặc làm công nhân, đi bán hàng, làm tiếp thị… được coi là cách “chữa cháy” vì không tìm được việc của không ít người. Đây là vấn đề khá nhức nhối hiện nay, cần có giải pháp căn cơ, dài hơi để “cung và cầu” gặp nhau.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường rất khó xin việc, đành chấp nhận làm công nhân. Ảnh: Duy Sơn
Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường rất khó xin việc, đành chấp nhận làm công nhân. Ảnh: Duy Sơn

Tình trạng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ra trường mòn mỏi chờ việc khá phổ biến hiện nay. Nhọc nhằn trên đường tìm việc, nhiều tân cử nhân đành chọn con đường tiếp tục học lên cao học, văn bằng 2 hoặc làm những việc trái chuyên ngành và cũng có người về quê phụ gia đình.... Gần như đa phần những trường hợp này đều ngậm ngùi với công sức, tiền bạc của những năm đèn sách. Thực trạng này không những làm các tân cử nhân hụt hẫng mà gia đình cũng thất vọng không kém.

TÂN CỬ NHÂN LOAY HOAY TÌM VIỆC

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ba mẹ em Nguyễn Thúy Hằng ở TP. Mỹ Tho phải vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để lo cho em ăn học. Học xong đại học nợ ngân hàng 20 triệu đồng, nhưng ra trường 1 năm mà em vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. 20 triệu đồng là nỗi lo lắng thường trực của gia đình.

Thúy Hằng mở lòng: “Hồi còn học đại học, em cứ mong đến ngày ra trường để được đi làm kiếm tiền phụ gia đình và trả dần nợ ngân hàng. Nhưng khi ra trường, con đường tìm việc quá gian nan. Vừa hoàn thành chương trình học là em làm cả chục hồ sơ xin việc, nộp nhiều nơi, từ doanh nghiệp (DN) đến các cơ quan Nhà nước, nhưng chưa thấy tin tức gì. Nóng lòng tìm việc, em liên lạc những nơi nộp hồ sơ hỏi thăm thì các đơn vị này bảo khi nào cần sẽ gọi điện thoại phỏng vấn...”.

Em Ngọc Hân ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành là cử nhân kế toán, tìm việc làm chưa được. Vì là con gia đình khá giả nên em được tạo điều kiện để học tiếp cao học. Ngọc Hân chia sẻ: “Sau vài tháng nộp hồ sơ xin việc, không thấy tin tức gì từ những nhà tuyển dụng. Rảnh rỗi không biết làm gì, bạn bè rủ học tiếp cao học biết đâu sẽ xin việc dễ dàng hơn. Thế là em quyết định học tiếp thạc sĩ, rồi mới tính tiếp…” .

Một trường hợp khác, em Dương Trường An, Cử nhân Quản trị kinh doanh Trường Đại học Tiền Giang cũng gian nan tìm việc. Em kể: “Sau khi tốt nghiệp, em theo dõi nhiều trang web tuyển dụng và nộp hồ sơ xin việc không chỉ ở Tiền Giang, mà còn nộp ở quê hương em (tỉnh Bến Tre) hơn 10 hồ sơ xin việc. Em còn thường xuyên đến các trung tâm giới thiệu việc làm xem thông tin tuyển dụng và gửi hồ sơ. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bến Tre trả lời ngành của em học hiện tỉnh Bến Tre không tuyển nữa. Vậy là em qua Tiền Giang, với hy vọng tìm được việc".

Tại Tiền Giang, em cũng nộp hồ sơ ở nhiều nơi, có mấy công ty gọi phỏng vấn, có công ty yêu cầu phải có 1 năm kinh nghiệm. Do em mới ra trường, chưa được đi làm ngày nào nên không được công ty tuyển dụng. Một công ty khác thì hỏi có quen ai trong công ty không, em trả lời không… Phỏng vấn xong cũng không thấy gọi đi làm...”.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, trong năm 2013 có 9.113 người đăng ký thất nghiệp. Trong đó, số người đăng ký thất nghiệp trong tỉnh là 6.310 người; tiếp nhận hồ sơ của tỉnh khác chuyển đến 2.803 người. Trong quý I-2014, có 1.266 lao động đăng ký tìm việc làm (trực tiếp là 665 lao động, gián tiếp là 486 lao động và lao động thất nghiệp là 115 người). So với nhiều tỉnh, thành khác thì số người thất nghiệp ở Tiền Giang ít hơn, tuy nhiên con số này cũng rất đáng báo động.

MUÔN NGẢ RẼ MƯU SINH

Một số tân cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn. (ảnh chụp Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong lễ tốt nghiệp). 		                    (Ảnh: NC)
Một số tân cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn. (ảnh chụp Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong lễ tốt nghiệp). (Ảnh: NC)

Vì chưa tìm được việc làm nên sinh viên sau khi tốt nghiệp đã đi làm đủ mọi việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả nợ ngân hàng. Một số em phải đi xa để tìm việc, với mức lương thấp cũng chấp nhận làm. Có em tiếp tục học lên cao học để mong có bằng thạc sĩ sẽ dễ xin được việc…

Bản thân sinh viên và gia đình thất vọng vì đầu tư nhiều tiền bạc, công sức cho việc học hành nhưng khó tìm được việc làm. Em Dương Trường An chia sẻ:

“Không xin được việc làm ở tỉnh Bến Tre, em qua Tiền Giang nhưng vẫn chưa có chỗ làm đúng ngành nghề được đào tạo. Bạn bè giới thiệu em nộp hồ sơ vô một số công ty ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang làm công nhân. Ra trường rồi, em không muốn tiếp tục phụ thuộc gia đình, vì vậy em quyết định đi làm công nhân, chí ít là lo cho bản thân…”.

Hiện Trường An làm công nhân cho một công ty may mặc ở KCN Tân Hương, huyện Châu Thành. Em cho biết, vẫn thường xuyên theo dõi thông tin trên các trang web tuyển dụng, hy vọng sẽ có công việc phù hợp với chuyên ngành đã học.

Em Nguyễn Thúy Hằng cũng tỏ ra ngán ngại và thất vọng khi con đường tìm việc làm lắm gian nan. Em tâm sự “Vì chưa tìm được việc làm nên một bộ phận sinh viên tụi em sau khi tốt nghiệp phải đi làm đủ mọi việc để không là gánh nặng của gia đình. Đứa thì làm việc bán thời gian, đứa làm công nhân, đứa đi bán hàng, đứa làm tiếp thị, đứa thì dạy kèm hay phụ quán cà phê…

Nhiều đứa bạn em đôi khi buồn vì gia đình, cha mẹ hay so sánh con mình với con người khác đã vô tình gây áp lực cho tụi em. Có đứa tỏ ra thất vọng và nói: Biết vậy không học đại học làm gì… Hiện Thúy Hằng đi làm công nhân cho một công ty thủy sản tại KCN Mỹ Tho.

Theo nhiều cử nhân, hiện nay tình trạng cử nhân ra làm công nhân hoặc làm những công việc không phù hợp với chuyên môn khá phổ biến. Thực tế này không những khiến các cử nhân thất vọng mà gia đình cũng không khỏi than phiền.

Em Trường An chia sẻ: “Ban đầu cảm thấy buồn, nhưng vô làm mới thấy bây giờ học cao đẳng, đại học xong làm công nhân nhiều lắm. Tại chỗ em đang làm có một số anh chị làm công nhân đã 3 năm mà chưa xin được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo.

Em có người anh bà con, học xong đại học, xin việc chưa được, về quê mở tiệm Internet. Lúc đầu anh cảm thấy hụt hẫng vì không ngờ xin việc làm quá khó khăn, cha mẹ cũng buồn theo, nhưng phải cố gắng làm những việc trái ngành để tự bươn chải kiếm sống, chờ tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành...”.

HOÀI THU

.
.
.