Thứ Tư, 11/06/2014, 12:15 (GMT+7)
.

Giáo dục học sinh, sinh viên tham gia giao thông an toàn trong dịp hè

Phần lớn học sinh, sinh viên (HS, SV) các trường học trên cả nước đã kết thúc năm học 2013 - 2014, bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Thời gian nghỉ hè HS, SV ít chịu sự quản lý của nhà trường, cho nên tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) diễn ra phức tạp.

Nghỉ hè, đa số học sinh có tâm lý “xả hơi” sau 1 năm học tập. Thời điểm này, muốn con được thoải mái nên một số cha mẹ giao xe gắn máy cho con đi chơi. Do vậy, tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50cc khi chưa đủ tuổi, chở quá số người quy định, không đội nón bảo hiểm, đánh võng, vượt đèn đỏ… thường tăng cao. Một hộ dân sống ở nội ô thị xã Cai Lậy cho biết: “Mấy ngày gần đây, tôi thấy học sinh đi xe máy khá phổ biến dù các em chưa đủ tuổi. Các em thường xuống khu dân cư mới, đoạn trước Trường Trung cấp Nghề rồi phóng nhanh vượt ẩu; mỗi xe thường chở tới 3, 4 người”.

Học sinh là đối tượng có nguy cơ vi phạm ATGT cao (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Đoàn Phong
Học sinh là đối tượng có nguy cơ vi phạm ATGT cao (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Đoàn Phong

Theo thống kê về trật tự ATGT của Bộ Giao thông - Vận tải trong các năm trước, vào khoảng thời gian tháng 6, 7, 8 hiện tượng HS, SV vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT diễn ra rất phức tạp. Chính vì vậy, ngày 6-5-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 2245/BGDĐT-CTHSSV gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; các học viện; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp về việc “đảm bảo trật tự ATGT cho HS,SV trong đợt cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8-2014”.

Tuy nhiên, không phải đợi đến cuối năm học, nắm bắt thực trạng vi phạm ATGT của HS, SV trong các kỳ nghỉ hè, ngay trong năm học, ngành Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai nội dung giáo dục pháp luật khi tham gia giao thông, ý thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trong HS, SV; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ tai nạn và hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm...

Giao cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, có hình thức kiểm tra, giám sát hàng ngày đối với HS. Ðưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học... Thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp HS, SV vi phạm Luật Giao thông bị các cơ quan chức năng xử lý thông báo về nhà trường; đồng thời nhà trường thông báo cho các cơ quan chức năng về quyết định xử lý của mình.

Trong hội thảo khoa học “Xây dựng ý thức và thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ của HS, SV - những khó khăn và biện pháp” do Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Tiền Giang tổ chức ngày 6-5-2014, nhiều trường như: Tiểu học B An Hữu, Mỹ Lợi A, THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Vĩnh Bình, Đại học Tiền Giang… chia sẻ những phương thức, hình thức thực hiện các biện pháp giáo dục pháp luật giao thông cho HS, SV ở đơn vị mình để góp phần giảm thiểu tình trạng HS, SV vi phạm ATGT, nhất là trong dịp hè.

Theo đó, giáo viên chủ nhiệm phải nhắc nhở các em thực hiện tốt pháp luật về giao thông. Giáo viên cũng cần đưa ra các trường hợp, tình huống nguy hiểm dễ gặp phải khi tham gia giao thông để HS biết cách xử lý và phòng tránh. Trong thời gian nghỉ hè, các trường phối hợp với các ban, ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh tình trạng HS vi phạm trật tự ATGT. Những trường hợp HS vi phạm, bị cơ quan chức năng thông báo về nhà trường, sẽ bị xử lý nghiêm, hạ bậc hạnh kiểm, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của năm học tới.

Một trong những hoạt động thường xuyên của HS trong dịp hè là sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú. Chính vì thế, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của HS sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục, tuyên truyền của Đoàn cơ sở. Trong dịp hè, các cở sở Đoàn nên phối hợp với Xã đoàn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho các em sinh hoạt, trong đó sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền ATGT. Đoàn nên tổ chức buổi sinh hoạt điểm tại 1 ấp trong xã để lực lượng Cảnh sát giao thông đến trực tiếp tuyên truyền.

Ngoài ra, Đoàn cơ sở nên kết hợp ngành chức năng cử đoàn viên đứng tại chốt đèn tín hiệu giao thông để điều tiết giao thông. Đây là một hành động thiết thực nhằm nâng cao ý thức của các em trong việc chấp hành pháp luật về giao thông. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phối hợp nhà trường và chính quyền địa phương trong việc giáo dục HS, SV chấp hành luật giao thông, không giao xe gắn máy cho HS khi chưa có giấy phép lái xe; giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội nón bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, không điều khiển mô-tô khi chưa đủ tuổi...

Thông thường, thời điểm HS, SV nghỉ hè, nhu cầu đi lại tham quan, nghỉ mát tăng. Vì vậy, tình hình trật tự ATGT cũng có những diễn biến phức tạp. Để hạn chế các vi phạm ATGT, bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và địa phương giáo dục các em tham gia giao thông an toàn.

LÊ QUANG HUY

.
.
.