Gương sáng 1 gia đình hiếu học
Vợ chồng chú Tư luôn tự hào về thành tích học tập của các con. |
Định cư ở 1 trong những xã vùng sâu nhất của huyện Tân Phước, kinh tế khó khăn, thiếu thốn từ những ngày đầu khai hoang lập nghiệp, nhưng vợ chồng chú Trần Văn Tư (ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ) luôn nỗ lực vượt khó để nuôi dạy 6 người con học hành thành tài. Gia đình chú thật sự là tấm gương gia đình hiếu học tiêu biểu cho nhiều gia đình khác ở địa phương noi theo.
Sinh trưởng trong 1 gia đình nông dân nghèo, lớn lên chú Tư tham gia cách mạng và lập gia đình với cô Nguyễn Thị Xinh. Cuộc sống nơi quê nghèo càng khó khăn khi những đứa con lần lượt chào đời. Vì lẽ đó, năm 1989 gia đình chú quyết định khăn gói vào vùng đất mới huyện Tân Phước khẩn đất khai hoang, lập nghiệp.
Trên 2 ha đất được Nhà nước cấp, chú dựng tạm căn nhà đơn sơ với mái lợp đưng để cả gia đình tá túc. Với mảnh đất hoang hóa nhiễm phèn nặng và thời tiết vô cùng khắc nghiệt, cả gia đình chú hàng ngày phải vật lộn với cái ăn, cái mặc. Tuy vậy, chú vẫn chăm lo việc học hành của các con.
Thấm thía cái nghèo, cái khổ với cuộc sống quanh năm chân lấm tay bùn, chú càng hạ quyết tâm cho các con đi học để sau này có nghề nghiệp ổn định, không như đời chú phải vất vả, long đong.
Vào thời điểm đó, xã Thạnh Mỹ chưa có trường học, muốn đến điểm trường học gần nhất cũng phải đi bộ hơn 10 cây số trong điều kiện đường sá ngăn rừng, cách sông.
Cực chẳng đã, chú phải cho người con trai lớn tạm nghỉ học, còn 2 người con kế tiếp phải tạm gởi về quê cũ trọ học. Định cư được 2 năm, khi những luống khoai mì, khoai mỡ xanh tốt, trong nhà cũng xoay xở đủ hạt gạo để sống qua ngày, lòng chú lại thôi thúc ý nghĩ làm sao phải cho đứa con trai đầu đi học lại.
Nghĩ là làm, chú khăn gói dẫn người con trai lớn lên tận Trường Mỹ Phước Tây, cách nhà hơn 20 km để xin cho con đi học trở lại. Thấy con phải lội bộ hàng chục cây số, chú thương lắm, nhưng nghĩ đến cuộc đời của chú rồi tương lai của con, chú chỉ biết động viên con cố gắng vượt qua khó khăn mà vững bước đến trường.
Đến năm 1994, trường học xã Thạnh Mỹ được thành lập, chú rước 2 người con về học cho gần nhà và cũng để anh chị lớn có điều kiện bảo ban những đứa em tiếp theo cùng cắp sách đến trường. Hàng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên từng luống khoai mì, khoai mỡ, đôi khi phải ngâm mình hàng giờ dưới nước kiếm con cá, con cua để lo cái ăn hàng ngày nhưng vợ chồng chú không nản chí, vẫn hạ quyết tâm không để cho người con nào phải bỏ học giữa chừng.
Vợ chồng chú tự vạch ra kế hoạch 20 năm cho gia đình nhỏ của mình với niềm mong mỏi là cả nhà chỉ phải cực khổ trong thời gian 20 năm thôi. May mắn là những người con chú đều có ý thức học tập rất tốt, tự học là chính, đứa lớn chỉ bảo đứa nhỏ.
Ngoài giờ học, các con chú đều tham gia lao động phụ giúp cha mẹ để hiểu hơn giá trị của đồng tiền kiếm được. Khi những người con của chú lần lượt vào đại học, gánh nặng kinh tế lại đè lên đôi vai của vợ chồng chú, quãng đường giăng lưới, giăng câu, đặt lợp, đặt lờ lại cứ phải dài ra hơn, cảnh làm đồng “một nắng, hai sương” cứ lặp đi lặp lại…
20 năm cơ cực, chú nói vui là đã hoàn thành cơ bản kế hoạch mà vợ chồng chú đã đặt ra, đó là ổn định kinh tế và ổn định sự nghiệp “Trồng người”.
Những người con của chú đều đã nỗ lực hết mình và đã đạt được những thành quả tốt đẹp trên con đường học vấn: Con trai lớn là Trần Quang Phục, hiện là kỹ sư nông nghiệp, đang công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước; con trai kế Trần Quang Khôi, nghiên cứu sinh, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang; con trai Trần Quang Vũ, thạc sĩ, bác sĩ, hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh; con trai kế út tốt nghiệp kỹ sư thiết kế thủy lợi, hiện đang công tác tại Sở NN&PTNT Tiền Giang; con gái Trần Thành Nghiệp tốt nghiệp cao học kinh tế, đang công tác tại Eximbank tỉnh Cần Thơ.
Mỗi năm, các con đều sum vầy tổ chức lễ mừng thọ cho cô chú. Chú cho rằng, niềm vui lớn nhất trong đời chú đó là việc các con học hành đỗ đạt, mang vốn tri thức của mình phục vụ xã hội và sống tốt, sống có ích…
Ghi nhận truyền thống hiếu học của gia đình chú Trần Văn Tư, Hội Khuyến học tỉnh đã chọn gia đình chú tham dự Liên hoan Gia đình hiếu học toàn quốc tại thủ đô Hà Nội năm 2013.
Xin mượn câu nói của chú Tư để thay lời kết: “Con đường ngắn nhất để xóa đói giảm nghèo là cố gắng học tập”. Những gì mà gia đình chú đã và đang thực hiện đã minh chứng cho câu nói vô cùng ý nghĩa của chú.
BẢO TRÂN