Kỳ thi quốc gia duy nhất sẽ là kỳ thi 2 trong 1
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kiểm tra hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT A Duy Tiên. Ảnh: VGP Nguyệt Hà |
Bộ GDĐT khẳng định sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng sẽ nỗ lực đổi mới kỳ thi này để phản ánh chất lượng sát với thực tế.
Tổ chức kỳ thi không phải để đánh trượt thí sinh
Cho đến 14 giờ chiều 18-6, theo kết quả báo cáo của 64 sở GDĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,02%, không còn những hình ảnh phao thi trắng sân trường gây phản cảm. Tình trạng cả tập thể, hội đồng thi dung túng cho tiêu cực, sai phạm năm nay không có.
Tất nhiên vẫn có những sai phạm, song chỉ nằm ở phạm vi cá nhân, và đơn vị để xảy ra sai phạm như Hà Nội đã xử lý rất nghiêm túc. Còn lại một số sai phạm khác như ở Hòa Bình, Hưng Yên do không đủ căn cứ nên không xử lý.
Nhận định về những tiến bộ này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Rõ ràng, việc tăng cường giáo dục ý thức kỷ luật cho học sinh, thầy cô vừa đưa các kỳ thi vào kỷ cương, góp phần làm cho xã hội ngày càng nghiêm túc hơn. Ra đề ít học thuộc sẽ hạn chế tối đa tình trạng phao thi. Cho học sinh tự chọn môn thi sẽ hỗ trợ việc định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai”.
Cả nước có 17.586 thí sinh (bao gồm 8.043 thí sinh giáo dục THPT và 9.543 thí sinh GDTX) không đỗ tốt nghiệp. |
Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận, “kết quả này chưa sát 100% so với thực tế, vẫn còn nhiều việc phải làm để kỳ thi nghiêm túc hơn. Bộ sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, tiếp tục phân tích để đưa ra giải pháp phản ánh đúng thực tế hơn cho kỳ thi năm sau”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao (99,89%) như năm nay thì có cần thiết phải tổ chức 1 kỳ thi quy mô và tốn kém như thi tốt nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, tổ chức thi tốt nghiệp THPT không nhằm đánh trượt học trò, mà để đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu của cấp học phổ thông của các em đến mức nào. Từ đó Bộ đưa ra giải pháp tác động đến việc dạy và học.
Ông Hiển ví von, “việc thi tốt nghiệp để kiểm tra phân loại thí sinh cũng như cơ sở sản xuất sản phẩm tiêu dùng sản xuất sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng nhưng sản phẩm vẫn phải qua khâu kiểm định chất lượng, giảm phế phẩm và xem chất lượng đến đâu để tăng dần và tăng mãi chất lượng sản phẩm.”
Bằng chứng là các nước phát triển vẫn tổ chức thi tốt nghiệp, nhiều nước trước đã bỏ thi nay tổ chức thi lại như Philippines.
Hơn nữa, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đã đúng dự đoán của Bộ, kết quả bài thi của thí sinh đã phản ánh thực chất việc đánh giá học sinh. “Tôi thấy kỳ thi năm nay đã tiến tới ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sát với thực tế, phân hóa tốt, giỏi, điểm cao, điểm thấp. Đề thi năm sau sẽ khó hơn, áp lực chắc chắn sẽ lớn hơn, nhưng áp lực này là cần thiết để các em không ngừng phấn đấu”, ông Hiển cho hay.
Kỳ thi tốt nghiệp đã “chạm” vào đổi mới giáo dục
Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 18-6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã đánh giá “những đổi mới trong tổ chức, ra đề thi tốt nghiệp năm nay đã “chạm” vào đổi mới”.
Theo ông Trinh, không phải đến lúc thi tốt nghiệp thì những đổi mới trong giáo dục mới chạm vào việc dạy-học-thi của thầy và trò, mà trước thi đã “chạm rồi”. Đầu năm Bộ đã đưa những đổi mới dạy-học-thi vào trong hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ năm học. Rồi trước kỳ thi 3 tháng, Bộ đã công bố phương án thi tốt nghiệp năm nay cùng với những đổi mới, ban hành hướng dẫn để các trường và học sinh vào cuộc.
Ông Trinh cho rằng, mặc dù trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra, không ít nhà trường, học sinh, phụ huynh, thậm chí ngay cả cán bộ ngành Giáo dục, cũng tỏ ra lo lắng trước những đổi mới của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, sau khi kỳ thi diễn ra thì phản ứng học sinh, thầy cô giáo rất tích cực.
Các trường, thầy cô và ngành Giáo dục đã phải vất vả hơn, nhưng các em học sinh thì rất thoải mái. “Như vậy có thể thấy là những đổi mới về thi cử năm nay đã “chạm” vào việc đổi mới dạy-học, còn mức độ chạm như thế nào, chúng ta cần chờ thêm”, ông Trinh chia sẻ.
Cái đích của sự “chạm” như ông Trinh nói có thể hiểu, ngoài tác động của kỳ thi đến đổi mới cách dạy và học, sự thay đổi trong dạy và học này sẽ tác động trở lại chính kỳ thi để nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp.
Có thể thấy, với việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GDĐT đang đi đúng hướng trong lộ trình tiến tới 1 kỳ thi quốc gia chung. Theo đó, kết quả của kỳ thi này sẽ vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa làm tư liệu, căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ. Trên cơ sở kết quả của kỳ thi này, các trường sử dụng làm căn cứ tuyển sinh một phần hoặc toàn bộ.
Từ nay cho tới năm 2016, khi chấm dứt tổ chức kỳ thi chung, chúng ta có quyền kỳ vọng về 1 kỳ thi tốt nghiệp đủ lực, đủ uy tín để trở thành 1 kỳ thi quốc gia duy nhất.
(Theo chinhphu.vn)