Kỳ thi ĐH 2014: Đề thi đa dạng, thí sinh khối B, D1 phấn khởi
Hôm qua (10-7), tại Trường Đại học Tiền Giang, các thí sinh (TS) tham dự Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 (đợt 2) đã tham dự buổi thi cuối. Đây là đợt thi có nhiều khối thi (khối B, khối C và khối D1) với nhiều môn thi nhất (9 môn cho 3 khối) được tổ chức tại trường. Kết thúc môn thi cuối cùng, TS các khối bước ra khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau.
Kiểm tra hồ sơ thí sinh trước khi bắt đầu buổi thi. |
KHỐI B, D1 PHẤN KHỞI
Ở khối B, kết thúc môn Hóa, nhiều TS bước ra khỏi cổng trường với tâm trạng khá vui vẻ. TS Nguyễn Thị Tuyết Linh (Trường THPT Thiên Hộ Dương) chia sẻ: “Đề Hóa có 50 câu, dài nhưng không khó lắm. Em nghĩ mình làm được khoảng 60%”.
Nhiều TS khác cho rằng đề thi môn Hóa năm nay dễ hơn đề thi của những năm trước. Hầu hết các câu hỏi đều bám sát chương trình học, những em học trung bình cũng có thể làm được 50%. Riêng môn Sinh và Toán cũng được các TS đánh giá là vừa sức, trong đó môn Sinh được các em đánh giá là dễ nhất trong 3 môn thi.
Ở khối D1, hầu hết TS đều phấn khởi vì cho rằng các môn thi “dễ thở” hơn dự kiến, trong đó đề thi Tiếng Anh dễ hơn nhiều so với đề Toán. Riêng môn Văn, nhiều TS cho rằng với lực học trung bình thì TS cũng có thể làm được 50 - 60%.
THÍ SINH KHỐI C LO LẮNG
Riêng các TS thi khối C thì khá lo lắng với đề thi năm nay, vì các câu hỏi trong cả 3 đề thi môn Địa lý, Lịch sử và Ngữ văn đều đòi hỏi phải biết tổng hợp kiến thức, tư duy và suy luận mới mong làm hết bài. Tuy nhiên, nhiều TS tỏ vẻ thích thú với một số câu hỏi liên quan đến vấn đề “nóng” nhất hiện nay về tình hình Biển Đông và tình trạng thiếu việc làm.
Ở môn Sử, nhiều TS cho rằng đề quá khó, đặc biệt là câu 4 “nêu các chuyển biến của khu vực Đông Nam Á qua các thời kỳ và đặt ra vấn đề các nước ASEAN phải làm gì để bảo vệ an ninh khu vực” và kiến thức cho dàn suốt năm học, liên quan đến những vấn đề lớn và quan trọng của lịch sử nước nhà nên khó nhớ hết, điểm sẽ không cao.
Ở môn Văn, nhiều TS “đau đầu” với câu 1 phân tích 1 tác phẩm không mấy quen thuộc và câu 3 bình luận các ý kiến nhận xét về hình tượng sông Hương trong bút ký Ai đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Tuy nhiên, nhiều TS tỏ ra thích thú được trình bày suy nghĩ về “điều làm nên sức mạnh chân chính của con người và Quốc gia” dựa trên câu nói “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình” (được trích trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao)…
MINH CHÂU
Trong buổi thi đầu tiên (sáng 9-7), tại Hội đồng thi Trường Đại học Tiền Giang có 1.186/1.464 TS dự thi (tỷ lệ 81,01%), trong đó khối B có 755/930 TS dự thi (tỷ lệ 81,18%), khối C có 94/115 TS dự thi (tỷ lệ 81,74%) và khối D1 có 337/419 TS dự thi (tỷ lệ 80,43%). Trong buổi thi thứ 2 (chiều 9-7), có 1.186/1.464 TS dự thi (tỷ lệ 81,01%), trong đó khối B có 755/930 TS dự thi (tỷ lệ 81,18%), khối C có 94/115 TS dự thi (tỷ lệ 81,74%) và khối D1 có 337/419 TS dự thi (tỷ lệ 80,43%). Trong buổi thi thứ 3 (sáng 10-7), có 1.184/1.464 TS dự thi (tỷ lệ 80,87%), trong đó khối B có 754/930 TS dự thi (tỷ lệ 81,08%), khối C có 93/115 TS dự thi (tỷ lệ 80,87%) và khối D1 có 337/419 TS dự thi (tỷ lệ 80,43%). |