Thứ Năm, 31/07/2014, 12:49 (GMT+7)
.

Trang bị máy chiếu ở trường học: Những bất cập gây lãng phí

Những năm trước, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh ta được trang bị máy chiếu (projector) một cách ồ ạt để làm trang thiết bị dạy học. Ở các trường THPT, gần như máy chiếu được lắp hầu hết ở các phòng học, phòng bộ môn.

Ở các trường THCS, tỷ lệ các phòng học có máy chiếu cũng rất cao. Lúc ấy, giá thành của 1 bộ máy chiếu gồm có máy tính, đầu chiếu, màn ảnh… không rẻ chút nào. Hiệu quả của việc sử dụng máy chiếu trong dạy học rất lớn nhưng bên cạnh đó vẫn còn những bất cập, gây lãng phí.

Ở các trường học trong tỉnh ta, máy chiếu thường được “treo” ở phía trên, giữa lớp học, còn màn ảnh thì “treo” phía trên bảng đen để khi kéo màn ảnh xuống, màn ảnh sẽ thay thế bảng đen. Phòng học được thiết kế thoáng mát, sáng sủa, có lam cửa, có cửa sổ, do đó không ngăn được bụi bặm bên ngoài thổi vào.

Máy chiếu ở trên trần lớp học, ngày này qua tháng nọ không thể dùng bất cứ khăn, màn nào để che đậy được nên chẳng mấy chốc máy bị phủ đầy bụi, giảm ngay tuổi thọ của chúng. Chưa kể mùa mưa gió, phòng học không thể ngăn được hơi ẩm của mưa nên linh kiện điện tử trong máy hỏng liên tục. Máy chiếu chỉ thích hợp cho loại phòng kín, được lắp đặt điều hòa nhiệt độ thì càng tốt.

Có những trường, 24 phòng học nhưng được cấp 27 bộ máy chiếu, không biết treo vào đâu cho hết, nhưng thời gian sau hư hỏng rất nhiều (như trường trước đây tôi làm phó hiệu trưởng).

Hiện nay, tỉnh ta cấp kinh phí cho ngành Giáo dục rất hạn chế. Ngành Giáo dục chỉ đạo cho các trường phải tự giải quyết “cục nợ” máy chiếu này.

Có trường thì kiếm nguồn kinh phí để sữa chữa, trang bị lại, nhưng phần lớn các trường không thể kiếm đâu ra tiền nên bỏ luôn.

Những trường mới thành lập sau này, như trường của chúng tôi, 3 năm học rồi mà không có 1 cái máy tính nào để dạy học. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cũng phải “bó tay” vì Sở Tài chính không thề phân bổ kinh phí nhiều hơn cho ngành Giáo dục - Đào tạo được.

Khi sử dụng máy chiếu trong phòng học như hiện nay, học sinh phải dùng các loại màn màu sẫm để che ánh sáng từ ngoài chiếu vào, nếu không sẽ rất khó quan sát rõ chữ, hình ảnh trên màn chiếu.

Phòng học mà phải thiết kế thêm màn che như vậy sẽ tốn kém, bất tiện và phản khoa học. Học sinh phải đóng tiền để mua màn. Mỗi tiết học phải phân công học sinh vén màn, kéo màn.

Lãnh đạo nhà trường muốn kiểm tra, quan sát học sinh trong giờ học cũng phải vén màn mà nhìn vào. Rồi phải thiết kế, đóng mới các loại bàn để chứa máy tính, chi phí cũng không ít.

Máy chiếu ở các phòng học mỗi buổi học cũng phải mở, tắt vài lần. Màn chiếu cũng phải kéo, thả vài lần. Thao tác liên tục như vậy, máy chiếu và màn chiếu cũng rất chóng hỏng.

Giáo viên nào từng dạy học ở phòng có máy chiếu chắc chắn thấm thía cảnh dở khóc dở cười khi máy chiếu bấm mãi mà không khởi động hoặc chiếc màn chiếu kẹt lại nửa chừng, lôi tiếp ra cũng không được mà thả cho chúng thụt vào cũng không xong.

Về bóng đèn chiếu (bộ phận quan trọng nhất của máy chiếu) có tuổi thọ khoảng 2.000 giờ nếu sử dụng đúng cách, có bảo dưỡng thường xuyên. Sau thời gian này, đèn chiếu rất mờ, khó đọc được chữ và máy chiếu cũng sẽ xuống cấp toàn bộ, đồng loạt.

Kinh phí nhà trường hoàn toàn không thể đảm đương được việc mua mới hay bảo trì những loại máy đắt tiền này, trong khi kinh phí từ Sở Giáo dục - Đào tạo rót về thì hạn chế, do đó một số trường có máy chiếu hư không sử dụng được mà vẫn treo trong phòng học.

Mấy năm trước, khi Sở Giáo dục -  Đào tạo trang bị máy chiếu cho các trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, phong trào thật rầm rộ. Tất cả giáo viên phải có chứng chỉ A Tin học trở lên và soạn giảng bằng giáo án điện tử.

Mỗi năm học phải sử dụng máy chiếu để dạy học ở một tỷ lệ nhất định, đưa vào quy chế thi đua hẳn hoi. Có trường quy định giáo viên phải có ít nhất 40% tiết dạy có sử dụng máy chiếu. Tiết dạy tốt, tiêu chuẩn đầu tiên là có sử dụng máy chiếu hay không (!).

Giáo viên chia sẻ cho nhau những giáo án điện tử hay, đi đâu cũng bỏ cái USB lưu trữ giáo án điện tử, vì lên lớp mà quên cái thẻ nhớ này là không thể dạy được… Dần dần, máy móc ở các phòng học lần lượt hư hỏng, phong trào dạy học bằng giáo án điện tử ít ai bàn đến nữa.

Hiện nay máy chiếu đã hư hỏng rất nhiều, nhưng không tiền bảo trì, mua sắm mới, cứ treo trong lớp hoặc xếp vào kho. Trong khi đó 2 năm học gần đây có những trường mới thành lập hoàn toàn không có chiếc máy tính nào để cho học sinh thực hành bộ môn Tin học.               

NG.KH.

.
.
.