Thứ Tư, 02/07/2014, 15:26 (GMT+7)
.

Xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia: Nhiều trường gặp khó

Tính đến thời điểm cuối năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh chỉ có 3/36 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia (Trường THPT Trương Định, Trường THPT Chợ Gạo và Trường THPT Đốc Binh Kiều), con số quá ít so với mục tiêu của ngành GD&ĐT đã đặt ra. Để nâng số trường đạt chuẩn Quốc gia không phải là việc dễ dàng, vì nhiều trường đang đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) cho biết, tuy nhà trường có truyền thống dạy tốt - học tốt từ lâu đời nhưng chưa thể đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia do vướng nhiều tiêu chí.

Cụ thể như, nhiều năm qua số lượng học sinh (HS) của trường quá đông, có năm học lên đến 60 lớp và mỗi lớp có khoảng 50 HS, trong khi đó một trong những tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia thì không quá 45 lớp và có không quá 45 em/lớp. Ngoài ra, cơ sở vật chất nhà trường cũng còn thiếu nhiều so với quy định như: Chưa có khu tập luyện thể thao riêng và chưa có các phòng học bộ môn đạt tiêu chuẩn…

Những năm gần đây, trường đã rút gọn số lượng HS lại, quy mô chỉ 45 lớp và 45 em/lớp. Hiện tại, trường đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Sau khi hoàn thiện, trường sẽ đăng ký để được xét công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia (dự kiến năm 2016).

Trường THPT Chuyên Tiền Giang nhiều năm nay chỉ mở khoảng 30 lớp/năm và sĩ số HS cũng chỉ ở mức 30 em/lớp (đối với lớp chuyên) và 40 em/lớp (đối với lớp không chuyên), thế nhưng trường có diện tích quá nhỏ, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì đạt theo quy định, từ sân chơi, bãi tập cho đến phòng học bộ môn, nhà truyền thống, nhà đa năng...

Trường THPT Trương Định.  Ảnh: Thái Thiện
Trường THPT Trương Định. Ảnh: Thái Thiện

Theo ông Phạm Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Công Đông, mặc dù chất lượng dạy và học ở trường ngày càng nâng lên theo từng năm; đa số cán bộ quản lý và giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng tự xét thấy còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, từ cơ sở vật chất đến tỷ lệ học sinh khá, giỏi/năm học.

Trong năm nay, tự đánh giá trường đã cơ bản đạt các chỉ tiêu nên mạnh dạn đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và chờ kiểm tra. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn rất lo lắng, bởi có một số tiêu chí trường phải tiếp tục phấn đấu mới đạt được.

Từ đầu năm 2013, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế công nhận trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn Quốc gia. Quy chế này thay thế cho quy chế cũ đã ban hành vào năm 2010.

Theo đó, để đạt chuẩn Quốc gia các trường THPT cần đáp ứng 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Cụ thể, mỗi trường phải đảm bảo đủ các khối lớp của cấp học, có tối đa không quá 45 lớp, số lượng HS/lớp tối đa không quá 45 em; có các tổ chuyên môn, tổ văn phòng, hội đồng trường, các hội đồng khác, tổ chức Đảng và các đoàn thể.

1 năm trước khi được đề nghị công nhận và trong thời gian 5 năm được công nhận trường trung học đạt chuẩn Quốc gia, tối thiểu trường phải đạt các chỉ tiêu:

Tỷ lệ HS bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 5% (trong đó tỷ lệ HS bỏ học không quá 1%); số HS xếp loại giỏi đạt từ 3% trở lên, số HS xếp loại khá đạt từ 35% trở lên và số HS xếp loại yếu, kém không quá 5%.

Bên cạnh đó, việc xếp loại hạnh kiểm như: Số HS có hạnh kiểm loại khá, tốt đạt từ 80% trở lên và số HS có hạnh kiểm loại yếu không quá 2%.

Ngoài ra, các trường còn phải đảm bảo nhiều quy định khác như: Đảm bảo thời gian tổ chức, nội dung các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ lên lớp; hoàn thành nhiệm vụ được giao trong kế hoạch phổ cập giáo dục của địa phương; sử dụng công nghệ thông tin trong nhà trường; khuôn viên nhà trường, diện tích sử dụng mặt bằng của mỗi học sinh…

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bình thì chia sẻ:

Khó kể hết những khó khăn mà nhà trường gặp phải trong quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia như: Tỷ lệ HS bỏ học còn cao; chất lượng giáo dục là một trong những cái khó mà các trường THPT vùng ven, vùng sâu phải đối mặt.

Nhà trường đã cố gắng rất nhiều mới duy trì được tỷ lệ học sinh giỏi và khá đúng theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia…

Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: 2 chuẩn khó nhất mà các trường THPT đang gặp phải trong quá trình phấn đấu để đạt chuẩn Quốc gia là chuẩn 3 (chất lượng giáo dục) và chuẩn 4 (tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học).

Bà chia sẻ: Một số trường duy trì được sĩ số và đảm bảo tỷ lệ học sinh khá, giỏi thì lại “vướng” phải cơ sở vật chất, bởi theo quy định, trường muốn đạt chuẩn thì phải xây dựng nhiều hạng mục như: Nhà đa năng, phòng truyền thống, phòng học bộ môn, sân thể thao, sân chơi…

Những hạng mục này đòi hỏi đầu tư rất nhiều kinh phí nên các trường khó có thể đạt được  trong “một sớm, một chiều”. Thậm chí có nhiều trường đã được cấp vốn để xây dựng các hạng mục theo quy định trường chuẩn Quốc gia nhưng cũng chưa thể xây được vì thiếu đất.

Theo ông Nguyễn Văn Kỷ, Trưởng phòng THPT (Sở GD&ĐT), muốn đạt được tất cả các chuẩn không phải là việc dễ dàng. Bởi có nhiều chuẩn trường có thể tự chủ động phấn đấu như chất lượng dạy học; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên...; thế nhưng có những tiêu chí trường có muốn cũng khó mà chủ động thực hiện được như cơ sở vật chất, tỷ lệ HS bỏ học, sự phối hợp của gia đình HS. Thậm chí, với quy định không quá 45 HS/lớp và không quá 45 lớp/trường, nhiều trường cũng bị “vướng”. 

Ngoài ra, còn có tiêu chí rất khó, rất mơ hồ mà các trường muốn phấn đấu cũng không biết dựa vào đâu như ở chuẩn 5 (quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội) có quy định: Mối quan hệ và thông tin giữa nhà trường, gia đình và xã hội được duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh…”.

Thế nào là duy trì thường xuyên mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; còn thế nào là không và làm sao để thẩm định việc này? Hay như việc “Huy động hợp lý và có hiệu quả sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào các hoạt động giáo dục, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường” thì đâu phải trường nào cũng làm được, nhất là các trường ở vùng khó khăn.

MINH CHÂU

.
.
.