Tăng cường giáo dục ATGT cho học sinh
Năm học mới đã bắt đầu. Đây cũng là thời điểm mà số lượng lớn học sinh tham gia giao thông. Bên cạnh số đông chấp hành tốt quy định của pháp luật thì vẫn còn một bộ phận ý thức chấp hành luật pháp, cũng như nếp sống văn hoá của người tham gia giao thông còn kém. Nhiều người phản ánh vào các giờ cao điểm, lúc học sinh đến trường hay tan trường, các em thường chạy xe dàn hàng ngang trên đường, lấn chiếm hết một làn đường.
Việc đùa giỡn trên đường, chạy xe lạng lách, đánh võng cũng thường xảy ra trong học sinh và đã có những tai nạn giao thông thật đau lòng. Đặc biệt, nhiều học sinh trung học phổ thông không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Thực trạng trên đang đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm từ nhiều phía, đặc biệt là việc tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông cho học sinh.
Hiện tượng học sinh vi phạm ATGT vẫn còn xảy ra. Ảnh: Đoàn Phong |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các em đều đã nghe nhà trường, cảnh sát giao thông tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, nhắc nhở những nghị định, chỉ thị của Chính phủ, bản thân vẫn ý thức được những việc làm trên là rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng khi tham gia giao thông các em lại bất chấp tất cả và cho rằng tai nạn giao thông sẽ không xảy ra với mình (!?).
Những câu khẩu hiệu đã được học trên ghế nhà trường, những pano được treo đầy trên đường phố như “An toàn là bạn, tai nạn là thù” hay “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà” không được các bạn trẻ lưu tâm và Luật Giao thông đường bộ vẫn bị coi nhẹ.
Bên cạnh đó, một số gia đình khá giả đã trang bị xe gắn máy cho các em đi học. Bất chấp nguy hiểm, các em điều khiển xe máy một cách tự do và thoải mái đến trường với những hình ảnh phản cảm như chở 3, không đội nón bảo hiểm; tại các ngã ba, ngã tư, trong khi tất cả mọi người đang dừng xe chờ đèn đỏ thì một vài nam, nữ sinh áo trắng lại ngang nhiên phóng vụt lên, lạng lách điệu nghệ qua những hàng xe đang được phép qua đường, gây bức xúc trong dư luận.
Do tuổi trẻ bồng bột, một phút thiếu tự chủ, nhiều em đã tụ tập đua xe gây rối trật tự công cộng, không những gây thương tích cho mình để cha mẹ buồn mà còn phải đền bù hậu quả tai nạn cho người khác hoặc phải nuôi họ suốt đời. Nhiều tai nạn đã xảy ra chỉ vì một phút nông nổi khiến cho có bạn trẻ đã phải ra đi ngay ở độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để giảm thiểu tai nan giao thông, các ngành chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động để giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về luật giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành luật. Hướng dẫn sử dụng nón bảo hiểm, đặc biệt nón bảo hiểm cho trẻ; thực hiện chương trình giáo dục phòng, chống thương tích trong trường học giúp học sinh có kỹ năng về giao thông để phòng tránh tai nạn khi đi bộ, đi xe đạp hay xe máy.
Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhà trường cần đa dạng hóa các sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông.
Cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh. Nhà trường nên thường xuyên vận động cha mẹ học sinh tham gia giáo dục con em chấp hành an toàn giao thông. Giao thông học đường đang rất cần cả xã hội chung tay.
LÊ QUANG HUY