Cần chú trọng hơn trong công tác PCCC ở các trường học
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường học ở các cấp: từ nhà trẻ, mẫu giáo đến các trường trung học, trung tâm giáo dục, đại học… Trong xây dựng và phát triển các trường học, cơ quan chức năng đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô các trang thiết bị học tập tiện nghi, sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện.
Tại một số trường học còn có khu vui chơi, giải trí, phòng học, khu vực căn-tin, thư viện, nhà để xe, ký túc xá… trong mỗi khu vực đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Những nơi này thường xuyên tập trung đông sinh viên, học sinh nên công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế hàng năm, Đại úy Lê Thanh Nhàn, Đội trưởng Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC cho biết, công tác PCCC ở các trường học còn nhiều hạn chế như:
- Hệ thống điện tại trường học đa số được lắp đặt cơ bản, nhưng trong quá trình sử dụng dễ phát sinh sơ suất gây sự cố.
- Nhiều trường học tại cầu thang bố trí cửa đi có khóa nên khi sự cố xảy ra sẽ gây khó cho việc thoát nạn.
- Lãnh đạo nhà trường chưa quan tâm thành lập đội PCCC cơ sở, chưa lập phương án chữa cháy tại chỗ. Có nơi có đội PCCC cơ sở nhưng chưa duy trì hoạt động thường xuyên, chưa qua bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy.
- Thiếu kinh phí trang bị, bảo dưỡng phương tiện PCCC theo quy định…
Vì vậy, để tổ chức công tác PCCC, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, tránh gây cháy trong các trường học, cần chú trọng các biện pháp cụ thể như:
- Khi xây dựng mới phải thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, bảo đảm an toàn PCCC về lối thoát nạn, trang bị các phương tiện PCCC cần thiết ngay từ ban đầu trước khi đưa công trình vào sử dụng.
- Lãnh đạo nhà trường cần quan tâm xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ, thành lập đội phòng cháy cơ sở và bồi dưỡng, huấn luyện PCCC cho giáo viên nhà trường. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nội quy PCCC nhằm giúp học sinh nâng cao ý thức PCCC.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC định kỳ theo quy định; phối hợp chặt chẽ với cơ quan PCCC để được hướng dẫn trong công tác phòng cháy.
- Trước khi ra về cần tắt hết hệ thống điện không cần thiết hoặc khi hết giờ học, hết giờ làm việc.
- Bố trí lực lượng PCCC tại chỗ thường trực, tuần tra vào ban đêm để kịp thời phát hiện và chữa cháy khi có sự cố cháy xảy ra.
- Trong hội trường, phòng học, giảng đường phải bố trí hệ thống điện hợp lý, có thiết bị bảo vệ, tránh việc sử dụng quá tải gây cháy và phải trang bị bình chữa cháy khí CO2, bình bột chữa cháy.
- Đối với thư viện, phòng máy tính, phòng thí nghiệm: các thiết bị phải sắp xếp gọn gàng, cách xa bóng đèn điện 0,6m; nghiêm cấm việc đun nấu, hút thuốc hoặc sử dụng lửa.
- Tại khu vực nhà xe, căn-tin, bếp ăn: phải có nội quy, quy định về PCCC; hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng đun nấu phải được tính toán kỹ, có thiết bị bảo vệ; các chất khí hóa lỏng phải thông thoáng, cao hơn khu vực xung quanh, có tường bảo vệ.
THANH VIỆT