Thứ Tư, 15/10/2014, 15:25 (GMT+7)
.

Nhân rộng mô hình trường tiểu học mới

Từ năm học 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Trường tiểu học mới Việt Nam” (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Tiền Giang, mô hình được thực hiện thí điểm tại Trường Tiểu học Thái Sanh Hạnh (TP. Mỹ Tho). Từ năm học 2014 - 2015, mô hình được nhân rộng tại 11 trường của 10 huyện, thành, thị (trừ huyện Tân Phú Đông).

MÔ HÌNH HAY

Trường Tiểu học (TH) Bình Phan (huyện Chợ Gạo) là 1 trong 11 trường được chọn thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2014 - 2015. Mô hình được triển khai ở 4 lớp (2 lớp 2 và 2 lớp 3), với 143 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình VNEN có nhiều điểm khác so với mô hình nhà trường truyền thống. Hay nhất là sự đổi mới về phương pháp dạy và học, với  mục tiêu “lấy học sinh (HS) làm trung tâm”, giúp các em HS năng động hơn. Cụ thể là giáo trình các môn: Tiếng Việt, Toán và Tự nhiên xã hội sẽ được xây dựng lại với 3 hoạt động: Hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng.

Với 3 hoạt động này, các em không chỉ tiếp thu được nội dung bài học mà còn có thể thực hành và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, sẽ vô cùng bổ ích với các em. Với mô hình này, HS hoàn toàn tự chủ, GV chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Mỗi tiết học các em sẽ ngồi theo nhóm (mỗi nhóm từ 6 - 8 em), cử 1 trưởng nhóm điều động hoạt động.

Nếu gặp vướng mắc, trưởng nhóm sẽ thông báo đến GV để nhờ sự trợ giúp. Khi thực hiện xong một hoạt động, các em sẽ giơ bảng thông báo để GV đến kiểm tra. Các hoạt động được tổ chức liên tục, vì thế trong lớp học sẽ không có “thời gian chết”.

Một giờ học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Bình Phan, huyện Chợ Gạo.
Một giờ học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Bình Phan, huyện Chợ Gạo.

Ngoài thay đổi cách học, Ban cán sự lớp cũng sẽ được bố trí lại theo tiêu chí “HS là đối tượng trung tâm của quá trình dạy và học”. Theo đó, Ban cán sự lớp sẽ được thay thế bằng Hội đồng tự quản (HĐTQ) lớp gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và các ban gồm: Ban học tập, thư viện, đối ngoại, tư vấn, văn nghệ - thể dục  thể thao, sức khỏe - vệ sinh. 

HĐTQ lớp và các ban sẽ đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động của lớp và chỉ nhờ GV hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. GV cũng sẽ không can thiệp vào hoạt động của HĐTQ và các ban trừ khi các em xin ý kiến.

Bên cạnh đó, mỗi phòng học được sắp xếp lại nhằm tạo hứng thú cho HS. Trong mỗi lớp sẽ có: Sơ đồ cộng đồng (đây là một “bản đồ định vị” thu nhỏ nhằm giúp các em biết được nhà các em ở khu vực nào, trường học ở đâu, nhà cách trường bao xa, nhà gần nhà các bạn nào...); hộp thư lớp để các em đề xuất ý kiến với trường và giáo viên; thư viện “thu nhỏ” với sách vở, tài liệu tham khảo để khi cần có thể tự lấy và sử dụng mà không phải lên thư viện trường... Với phòng học này, không gian xung quanh các em luôn sinh động, hấp dẫn, giúp các em gắn bó với nhau hơn.

NHÂN RỘNG HIỆU QUẢ

Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT nhận xét: “Với mô hình VNEN, HS sẽ đựợc rèn luyện nhiều kỹ năng như: Giao tiếp, ứng xử, điều hành nhóm, làm việc tập thể... Qua các hoạt động, các em có thể chủ động tìm đến kiến thức và có thể ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống. Ngoài ra, các phương pháp học mới sẽ giúp các em tự tin, sáng tạo và dễ tiếp thu kiến thức.

Các em còn có thể chủ động tổ chức các hoạt động tập thể, phát huy vai trò và khả năng thủ lĩnh của mình. Có thể nói, mô hình trường học này sẽ giúp các em rèn luyện năng lực sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, trong giờ học các em phải làm việc nhiều nhưng giờ học vẫn diễn ra nhẹ nhàng và sôi động, tạo hứng thú, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn”.

Chính vì tính hiệu quả của mô hình, Sở GD-ĐT đã xem xét và quyết định nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh. Trong năm nay, mô hình này sẽ được nhân rộng ra ở 11 trường TH của 10 huyện, thành, thị (trừ huyện Tân Phú Đông). Các trường được chọn xây dựng mô hình VNEN trong năm học 2014 - 2015 là:

Trường TH Nguyễn Huệ và TH Lê Quý Đôn (TP. Mỹ Tho); TH Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè); TH  Mỹ Thành Bắc 1 (huyện Cai Lậy); TH Nhị Mỹ (TX. Cai Lậy); TH thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước); TH Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành); TH Bình Phan (huyện Chợ Gao); TH Bình Nhì 2 (huyện Gò Công Tây); TH Long Thuận (TX. Gò Công) và TH Tân Tây 1 (huyện Gò Công Đông).

Do còn quá mới mẻ, nên khi triển khai rộng, mô hình còn gặp phải không ít khó khăn. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Thuận, chuyên viên Phòng GĐ-ĐT huyện Chợ Gạo cho biết: VNEN là mô hình cần sự phối hợp từ 3 phía: Nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do phụ huynh chưa hiểu với cách học mới nên lo lắng và chưa chủ động phối hợp với nhà trường.

Nhiều phụ huynh (nhất là các trường vùng sâu) chưa chú trọng đến việc học của các em, nên hầu hết mọi việc đều do GV đảm nhận khiến mô hình không thể phát huy hết hiệu quả. Mặt khác, một số GV chỉ làm đúng những gì được tập huấn, chưa thể hiện sự chủ động, sáng tạo nên đôi khi phương pháp dạy còn cứng nhắc, chưa tạo được hứng thú thật sự cho HS...

“Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các trường đều tích cực, chủ động thực hiện mô hình nhằm đạt kết quả tốt nhất. Sau hơn 2 tháng triển khai, các em quen với cách học mới, tích cực và dạn dĩ hơn. Nhiều phụ huynh cũng đã có cái nhìn mới hơn về mô hình này và sẵn sàng phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện các hoạt động của mô hình VNEN. Đây cũng là động lực để mô hình này phát huy trong thời gian tới” - ông Huỳnh Văn Thuận chia sẻ.

MINH CHÂU

.
.
.