Thứ Năm, 09/10/2014, 07:43 (GMT+7)
.

Trường THPT Chợ Gạo: Hiệu quả từ việc "dạy thêm, học thêm" trong trường học

Ở Trường THPT Chợ Gạo từ nhiều năm nay việc “dạy thêm, học thêm” được quản lý khá chặt chẽ. Nhà trường đã đưa việc “dạy thêm, học thêm” vào dạy “phụ đạo” trong trường, được phụ huynh, học sinh đồng thuận cao. Từ đó tránh việc dạy thêm tràn lan bên ngoài.

HỢP LÝ TỪ CÁCH DẠY, CÁCH HỌC

Tuân thủ theo các công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD-ĐT, Ban Giám hiệu Trường THPT Chợ Gạo đã có sự sắp xếp thời khóa biểu hợp lý từ giờ dạy chính khóa đến giờ dạy phụ đạo. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ban hành nội quy, quy định chặt chẽ đối với giờ học chính khóa, từ giờ giấc đến lớp, trang phục, đạo đức học sinh…

Đối với giờ học phụ đạo trong trường, vào đầu năm học, nhà trường đã họp phụ huynh học sinh để xin ý kiến và được phụ huynh đồng thuận cao. Thầy Nguyễn Phú Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc học thêm trước hết phải do các em học sinh và phụ huynh quyết định. Nhà trường đã bố trí dạy phụ đạo theo nhu cầu và theo năng lực học sinh…”.

“Dạy thêm, học thêm” trong Trường THPT Chợ Gạo.
“Dạy thêm, học thêm” trong Trường THPT Chợ Gạo.

Được biết, tất cả các lớp đều học chính khóa vào buổi sáng. Nhà trường bố trí giờ dạy phụ đạo cho các em vào các buổi chiều, từ 14 giờ đến 17 giờ 30 phút. Không tập trung dạy hết các buổi chiều trong tuần, tùy theo từng khối lớp bố trí giờ học thích hợp, các em chỉ học phụ đạo 3 - 4 buổi/tuần.

Riêng chiều thứ 7 và chủ nhật các em được nghỉ. Nhiều phụ huynh cho biết, việc nhà trường bố trí “dạy thêm, học thêm” tại trường giúp phụ huynh rất yên tâm, tránh việc các em tự đi học nhiều nơi khó quản lý.

Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Không thể phủ nhận việc “dạy thêm, học thêm” đã và đang tồn tại là từ nhu cầu thực tế của người học. Việc “dạy thêm, học thêm” trong trường học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh áp lực thi cử khá lớn.

Các em chỉ nên đi học thêm những môn học còn yếu hoặc cần rèn luyện thêm để đi thi. Nếu học thêm nhiều môn, mất quá nhiều thời gian, không còn thời gian tự học ở nhà thì việc học thêm không đem lại kết quả như mong muốn. Đối với học sinh lớp 12 cũng vậy, việc dạy phụ đạo chỉ tăng buổi, tăng giờ khi các em chuẩn bị thi học kỳ, thi tốt nghiệp và thi vào trường đại học...”.

Việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu là việc làm thường xuyên của giáo viên. Giáo viên phân loại đối tượng học sinh để dạy phụ đạo. Học sinh yếu môn gì thì dạy phụ đạo môn đó, không dạy tràn lan cho tất cả học sinh để thu tiền. Về tiền bồi dưỡng cho giáo viên dạy thêm và bồi dưỡng học sinh yếu, nhà trường đều có sự thống nhất với phụ huynh, mức bồi dưỡng luôn nằm trong khung của ngành Giáo dục quy định.

Đối với việc quản lý giáo viên dạy thêm ở nhà, nhà trường luôn tuân thủ theo quy định của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT. Đối với giáo viên đang dạy thì không được dạy thêm ở nhà. Đối với giáo viên nghỉ hưu, nếu muốn dạy thì phải xin phép và tránh cho giáo viên khác mượn giấy phép. Nếu phát hiện giáo viên vi phạm, nhà trường và chính quyền địa phương sẽ có biện pháp xử lý.  

KHẲNG ĐỊNH BẰNG CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC

Trở về trường trong những ngày đầu năm học mới, không khí vừa khẩn trương vừa trang nghiêm. Thầy cô quan tâm, học sinh thì nỗ lực học tập, đúng như Điều 8, nội quy nhà trường ghi rõ:

Tại lớp phải ngồi đúng sơ đồ lớp, chăm chú nghe giảng bài, tham gia phát biểu, ghi chép bài cẩn thận. Không được làm việc riêng, nói chuyện, sử dụng điện thoại, mang tai nghe, ăn vụng, ngậm kẹo. Phải đem theo đầy đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập; sử dụng thành thạo máy tính bỏ túi.

Phải noi theo gương học tốt của thế hệ đàn anh để lúc nào cũng kiên trì, nỗ lực học tốt. Luôn tuân theo phương châm học tập: “Học phải dấn thân, nhập cuộc, tạo ra thay đổi riêng biệt. Không học chỉ ghi nhớ kiến thức, thâu thập sự kiện”.

Nhắc đến Trường THPT Chợ Gạo, mọi người dành cho nhà trường những nhận xét tốt đẹp về truyền thống “Dạy tốt, học tốt”. Đã có bao lớp học trò trưởng thành, thành đạt, hàng trăm cựu học sinh là giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, giảng viên… Tiêu biểu như: PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Trưởng khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; TS-Bác sĩ Ngô Quốc Hùng, Trưởng khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP. Hồ Chí Minh…

Đội ngũ giáo viên nhà trường luôn đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng tư duy độc lập; phát huy tinh thần hợp tác, tự học, ý thức sáng tạo, rèn luyện tư duy phản biện của học sinh. Đẩy mạnh việc vận dụng quan điểm “dạy học giải quyết vấn đề”, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Không chỉ chú trọng việc giảng dạy cho học sinh đậu tốt nghiệp THPT, nhà trường luôn hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ đậu đại học hàng năm. 6 năm liền học sinh của trường đỗ tốt nghiệp 100%; tỷ lệ đậu đại học, kể cả nguyện vọng 2 trên 75% mỗi năm.

Điển hình như năm học vừa qua nhà trường có 4 em Á khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; em Nguyễn Thị Kim Châu đỗ Thủ khoa Khoa Xây dựng của Trường Đại học Cửu Long; em Hồ Lê Anh Phương đã vào vòng chung kết năm Chương trình “Đường đến vinh quang”…

Kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, Trường THPT Chợ Gạo tiếp tục phấn đấu gặt hái những “mùa vàng bội thu” trong sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.

P. MAI

.
.
.