Dạy học theo nhóm bộ môn:Phát huy sở trường giáo viên, năng khiếu học sinh
Bắt đầu từ năm học 2008 - 2009, một số trường tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện mô hình dạy theo nhóm môn, với hình thức nhiều giáo viên/lớp (thay cho hình thức 1 giáo viên/lớp trước đây). Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, thực hiện mô hình này, kết quả học tập của học sinh (HS) tốt hơn, tỷ lệ HS giỏi Tiếng Việt, Toán ngày càng cao. Các em còn có điều kiện phát huy năng lực của mình ở các bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục…
Học sinh Trường Tiểu học Tân Phong (huyện Cai Lậy) được học theo mô hình dạy nhóm môn. |
HIỆU QUẢ
Đến nay, có gần 100% trường tiểu học trong tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình này. Đây là mô hình chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trong Thông tư 41 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường TH, Bộ có quy định “mỗi lớp học có 1 giáo viên (GV) chủ nhiệm phụ trách giảng dạy 1 hoặc nhiều môn học”. Đây được xem là “tín hiệu mở” cho các trường TH trong việc thực hiện dạy học theo nhóm môn.
Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục TH (Sở GD-ĐT) chia sẻ: “Từ trước đến nay, các trường TH thường dạy theo kiểu 1 GV/lớp, tức là 1 GV sẽ dạy tất cả các môn (kể cả các môn năng khiếu) và kiêm thêm công tác chủ nhiệm. Trong khi thực tế hiếm có GV giỏi hết các môn. Hơn nữa, GV thường chỉ chú trọng 2 môn Toán và Tiếng Việt nên thường dùng phần lớn thời gian để dạy 2 môn này; dạy ít (thậm chí bỏ qua) những môn khác, nhất là các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật…
Mô hình mới không những đã khắc phục được những nhược điểm kể trên, mà còn có nhiều ưu điểm. Cụ thể, với cách bố trí dạy theo nhóm môn đã giúp GV giảm áp lực về giáo án, từ đó có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu và nâng cao chất lượng bộ môn mình phụ trách; GV được dạy học dựa trên sở trường và năng khiếu của mình, giúp GV hứng thú hơn trong việc giảng dạy. Việc bố trí nhiều GV/lớp sẽ tránh được tình trạng GV có thiện cảm (hoặc ngược lại) đối với HS nào đó mà có đánh giá sai lệch...”.
Nhiều cán bộ quản lý cũng cho rằng, đây là 1 mô hình hiệu quả, góp phần phát huy năng lực HS. Tại hội thảo “Đánh giá chương trình giáo dục bậc TH tại Tiền Giang” do Sở GD-ĐT phối hợp với Viện Nghiên cứu giáo dục và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Huyền Thơ, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Chợ Gạo chia sẻ:
Khi dạy theo nhóm môn, GV có điều kiện nghiên cứu sâu môn dạy, có thể điều chỉnh nội dung và phương pháp cho phù hợp (ở tiết sau), từ đó từng bước nâng cao hiệu quả tiết dạy. HS được tiếp xúc với nhiều GV, giúp các em hứng thú hơn trong học tập...”.
Đối với HS, việc học theo nhóm môn giúp các em dần làm quen với cách học ở bậc THCS sau này. Đặc biệt, việc phân công nhiều GV đứng lớp sẽ tạo điều kiện cho các em có thể phát huy sở trường, năng khiếu của mình.
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
Thực tế, mô hình còn gặp không ít khó khăn như: Không thể sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với điều kiện từng GV, nhất là đối với các trường có nhiều điểm trường; GV ngại dạy nhóm môn xã hội (gồm Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...) hơn nhóm môn tự nhiên (gồm Toán, Công nghệ...); nền nếp lớp bị ảnh hưởng do tâm lý HS (chỉ “sợ” GV chủ nhiệm, chứ không “sợ” các GV khác); GV chủ nhiệm không có nhiều thời gian để quản lý HS của mình; GV dạy môn chính (Văn, Toán) sẽ có tâm lý “coi thường” các GV dạy môn phụ...
Với những khó khăn trên, Sở GD-ĐT đã từng bước có giải pháp khắc phục để duy trì và giữ vững hiệu quả của mô hình. Cụ thể, Sở đã ban hành Công văn 1478/SGD&ĐT-TH về việc tổ chức dạy học theo nhóm môn, hướng dẫn cụ thể cho từng trường về cách phân chia GV dạy nhóm môn, cách phân công GV chủ nhiệm, cách sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý, bảo đảm thực hiện yêu cầu dạy học theo nhóm môn cũng như cách tổ chức chuyên môn...
Quy định chung của Sở là vậy, mỗi trường sẽ tùy vào hoàn cảnh, chất lượng GV, HS mà sắp xếp cho hợp lý. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành nhận xét: Huyện Châu Thành triển khai việc dạy theo nhóm môn ở tất cả các lớp 2 buổi/ngày. Riêng các trường có nhiều điểm lẻ (cách khá xa điểm chính), việc đi lại của GV sẽ khó khăn nên lãnh đạo Phòng GD-ĐT giao hiệu trưởng nhà trường quyết định có triển khai thực hiện mô hình này tại các điểm lẻ hay không. Thực tế, một số trường triển khai thực hiện ở điểm chính và một số điểm lẻ…
Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn, khi sắp xếp thời khóa biểu, Ban Giám hiệu các trường đều tham khảo ý kiến của tổ trưởng chuyên môn và GV, bảo đảm sao cho phù hợp với hoàn cảnh của trường và GV. Các trường cũng hạn chế việc sắp xếp GV theo kiểu GV chỉ dạy môn chính hay dạy môn phụ, mà bố trí đồng đều theo nhóm GV dạy các môn tự nhiên, các môn xã hội và các môn năng khiếu.
Được biết, hiện hầu hết các trường đều có GV dạy các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học); các GV đều có trình độ chuẩn và trên chuẩn nên việc bố trí dạy theo nhóm môn ngày càng thuận lợi.
Ngày 28-11-2013, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nghiệm thu và xếp loại A “Đánh giá hiệu quả Chương trình giáo dục bậc TH tỉnh Tiền Giang”. Chương trình do Sở GD-ĐT Tiền Giang chủ trì; TS. Trần Thanh Đức (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và TS. Trần Kim Dung (Viện Nghiên cứu giáo dục TP. Hồ Chí Minh) đồng chủ nhiệm. Chương trình gồm 3 đề tài nhánh: “Đánh giá hiệu quả giáo dục việc dạy và học 2 buổi/ngày ở bậc TH tại tỉnh Tiền Giang”; “Đánh giá hiệu quả việc dạy Tiếng Anh ở bậc TH tại tỉnh Tiền Giang” và “Đánh giá hiệu quả giáo dục của mô hình dạy học theo nhóm môn ở bậc TH tại tỉnh Tiền Giang”. Ở nhánh đề tài “Đánh giá hiệu quả giáo dục của mô hình dạy học theo nhóm môn ở bậc TH tại tỉnh Tiền Giang”, kết quả nghiên cứu đã cho thấy, chỉ có 43% phụ huynh và 29% GV cho rằng HS sẽ học tốt với hình thức 1 GV/lớp và không có cán bộ quản lý đồng tình với hình thức này. Thế nhưng, với mô hình 1 GV/môn học ở 1 trong những nơi đang thí điểm thì có tới 83% phụ huynh và 76% GV đồng tình. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, mô hình đã phát huy năng lực HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. |
MINH CHÂU