Huyện Cai Lậy:Sáng tạo trong làm đồ dùng dạy học từ lòng yêu nghề,mến trẻ
Những năm gần đây, phong trào làm đồ dùng dạy học ở huyện Cai Lậy đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Những tiết học trở nên sinh động, dễ hiểu, hấp dẫn học sinh khi được minh họa bằng đồ dùng trực quan. Các đồ dùng, đồ chơi, sản phẩm dạy học tự làm thể hiện lòng yêu nghề, mến trẻ của các thầy giáo, cô giáo.
Hơn 20 năm giảng dạy tại Trường THCS Tân Phong, cô Tạ Thị Thi được nhắc đến như một tấm gương tâm huyết với nghề và sáng tạo trong phong trào làm đồ dùng dạy học. Dạy môn Sinh học - môn học giúp học sinh khám phá vẻ đẹp, những giá trị và góc nhìn mới đối với thế giới tự nhiên được cô Thi luôn tìm cách dạy dễ hiểu để các em tiếp thu bài ngay tại lớp.
Các đồ dùng dạy học do cô Thi tự làm đều hướng đến mục tiêu giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức, hứng thú trong học tập. Điển hình như sơ đồ minh họa cho bài Đại não trong chương trình Sinh học lớp 8. Bằng hệ thống đèn, học sinh dễ dàng hình dung cấu tạo của đại não, sự phân vùng chức năng của vỏ não…
Một tiết học được minh họa bằng đồ dùng dạy học tự làm của cô Tạ Thị Thi, giáo viên Trường THCS Tân Phong. |
Có ý tưởng thôi chưa đủ, cô Thi còn dành thời gian trao đổi với đồng nghiệp, tìm chất liệu bền, dễ vận chuyển và chỉnh sửa nhiều lần để tiết giảm những chi tiết rườm rà. Cô Thi cho biết: “Với môn học khoa học thực nghiệm như Sinh học, đồ dùng dạy học giúp học sinh dễ tiếp thu hơn hình vẽ minh họa. Ý tưởng để tôi và các giáo viên trong tổ thực hiện đồ dùng dạy học là hình tượng hóa hình vẽ trong sách giáo khoa hoặc thể hiện các sơ đồ một cách đơn giản, dễ hiểu bằng hệ thống đèn, màu sắc...”.
Với lòng tận tụy và sự khéo léo, 17 năm gắn bó với nghề cũng là thời gian thầy Phan Văn Ruộng, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Thành Bắc 1 luôn dành tâm huyết cho những bài giảng. Để học sinh tiếp thu bài học dễ dàng, thầy Ruộng tận dụng vật liệu sẵn có như ống tre, trúc, giấy vụn, thùng mì… để sáng tạo những đồ dùng minh họa cho bài học như mô hình nhà sàn, vó bè, đàn T’rưng…
Những vật liệu tưởng bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của thầy trở thành hình ảnh trực quan sinh động. Nhìn khuôn mặt thích thú của các em học sinh mỗi buổi lên lớp, những cố gắng của thầy như đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Thầy Ruộng chia sẻ: “Ở lứa tuổi học sinh bậc tiểu học, không ít em khó có thể hình dung và hứng thú với bài học khi nhìn hình vẽ trong sách giáo khoa. Để các em tiếp thu hiệu quả, tôi nghĩ cần minh họa bằng đồ dùng dạy học. Tốn chút thời gian, công sức nhưng khi học sinh tiếp thu bài học tốt hơn chính là niềm vui của nghề”.
Ngoài những đồ dùng dạy học được trang bị, lâu nay hầu hết các trường học ở huyện Cai Lậy đều phát động giáo viên tự làm thêm đồ dùng dạy học. Các đồ dùng, đồ chơi, sản phẩm dạy học do giáo viên tự làm đều có sự đầu tư, thể hiện tính sáng tạo của thầy giáo, cô giáo và xuất phát từ thực tế giảng dạy nên gần gũi, thiết thực, có thể phổ biến rộng rãi cho các trường khác.
Năm học 2013 - 2014, “Hội thi đồ dùng dạy học, đồ chơi, sản phẩm quá trình dạy học” do Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy tổ chức đã nhận 510 sản phẩm dự thi, trong đó có 22 sản phẩm đạt giải A, 38 sản phẩm đạt giải B, 225 sản phẩm đạt giải C.
Qua nhiều năm tổ chức, giáo viên các trường đã dành nhiều thời gian, công sức và sự sáng tạo để các đồ dùng, đồ chơi, sản phẩm quá trình dạy học có tính thực tế, hiệu quả, phổ biến khi áp dụng vào giảng dạy.
Phong trào tự làm đồ dùng dạy học giúp các trường khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu khi chưa có điều kiện mua sắm bổ sung, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và qua đó còn thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của những người thầy.
TRƯỜNG GIANG