Thiếu nhân lực ở trường mầm non: Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Tính đến tháng 10-2014, toàn tỉnh có 53.060 trẻ (trong đó có 4.640 trẻ ở độ tuổi Nhà trẻ và 48.420 trẻ tuổi Mẫu giáo, riêng Mẫu giáo 5 tuổi có 28.522 cháu). Để đáp ứng nhu cầu công tác chăm sóc và giáo dục trẻ theo đúng quy định, tỉnh còn thiếu khoảng 400 cán bộ quản lý và giáo viên. Đây là một trong những khó khăn của ngành GD-ĐT trong thời gian qua.
KHÓ TUYỂN ĐỦ
Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên bậc học Mầm non hiện có trên địa bàn tỉnh là 3.761 người (trong đó có 183 hiệu trưởng, 140 phó hiệu trưởng và 2.482 giáo viên). Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận: “Chỉ tiêu biên chế giáo viên bậc học Mầm non được giao hàng năm chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường Mầm non trên địa bàn tỉnh.
Rất nhiều trường còn thiếu phó hiệu trưởng, thiếu giáo viên lớp bán trú, trong khi sĩ số trẻ ở lớp quá đông cần thêm giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ. Nếu xét theo chỉ tiêu biên chế được quy định tại Thông tư 71/2007/TTLB-BGDĐT-BNV ngày 28-11-2007 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục Mầm non công lập thì toàn tỉnh còn thiếu khoảng 90 phó hiệu trưởng và 306 giáo viên. Ngoài ra, đa số trường còn thiếu nhân viên y tế học đường và các trường hạng I vẫn chưa tuyển đủ văn thư…
Sĩ số trẻ quá đông, cần thêm giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ. |
“Không có biên chế hoặc có biên chế nhưng không có nguồn tuyển chính là 2 khó khăn của ngành trong việc đảm bảo số lượng giáo viên, trong đó đáng lo nhất là không có nguồn tuyển” - bà Trương Thị Bạch Phi Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết.
Thời gian qua, không ít đơn vị ra thông báo tuyển nhưng số hồ sơ xin dự tuyển luôn ít hơn con số các địa phương (huyện, thị, thành) đang cần. Cụ thể như, ở huyện Châu Thành, trong năm học 2013 - 2014 chỉ tuyển được 26/38 người; năm học 2014 - 2015 huyện cần 35 giáo viên nhưng chỉ có 18 người nộp hồ sơ.
Mặt khác, từ năm học 2014 - 2015, hình thức tuyển đổi sang thi tuyển, nghĩa là sau khi nộp hồ sơ, các giáo viên sẽ phải trải qua 1 vòng thi để được tuyển chọn chính thức, mà không phải ai thi cũng đậu. Đơn cử như ở huyện Tân Phú Đông có 12 hồ sơ dự thi, đều không vượt qua được vòng thi này.
Về việc bố trí cán bộ quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường Mầm non hiện thiếu phó hiệu trưởng nhưng không bố trí được do những người có năng lực để đề bạt thì không thể bổ nhiệm do là “giáo viên hợp đồng trong biên chế”, bởi đó là quy định của cấp trên. Chính vì thế, các trường đều lâm vào hoàn cảnh cần người, có nguồn nhưng không thể bổ nhiệm làm cán bộ được.
CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Theo ngành GD-ĐT, việc không tuyển được hoặc tuyển được giáo viên bậc Mầm non nhưng các cô lại không thể “bám trụ” với nghề là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là áp lực công việc và chưa có chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25-10-2011 của Bộ GD-ĐT quy định: “Chế độ làm việc của giáo viên Mầm non là 6 giờ/ngày đối với lớp học 2 buổi/ngày và 4 giờ dạy/ngày đối với lớp học 1 buổi. Ngoài ra, giáo viên phải thực hiện các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần”.
Về vấn đề này, một cán bộ quản lý phân tích: “Xét về lý thuyết, quy định này nhằm giảm tải áp lực công việc cho giáo viên Mầm non, song trên thực tế lại không khả thi, do công việc thường ngày của giáo viên Mầm non bắt đầu từ 6 giờ đến 17 giờ. Mỗi lớp trung bình khoảng 40 trẻ/2 giáo viên.
Do đặc thù công việc, giờ sinh hoạt nào của các cháu cũng phải có giáo viên trông coi, kể cả giờ trẻ ngủ. Vì thế, nếu các cô phân công dạy 6 giờ/ngày sẽ có thời gian lớp chỉ có 1 giáo viên trông coi thì làm sao đảm bảo việc trông trẻ được tốt.
Chính vì thế các cô thường làm việc quá giờ quy định mà không hề có thêm chính sách hỗ trợ nào. Ngoài ra, chưa có quy định hỗ trợ cho giáo viên dạy lớp 2 buổi/ngày, trong khi các cô dạy lớp 2 buổi/ngày có khoảng thời gian ở trường và số công việc không kém các giáo viên dạy bán trú”.
Để giải quyết được bài toán “có người nhưng không thể bổ nhiệm”, ngành GD-ĐT đã đề xuất Trung ương sớm ban hành văn bản thay thế, vì một số quy định trong Thông tư 71 chưa phù hợp với thực tế địa phương, khiến địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện tuyển dụng giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT đề xuất UBND tỉnh xem xét cho phép giáo viên hợp đồng trong biên chế được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý bậc Mầm non; có những chủ trương cụ thể về việc cho phép xã hội hóa giáo dục bậc Mầm non tuyển dụng nhân sự ngoài khung biên chế quy định để giảm áp lực cho các cô...
MINH CHÂU