Vượt khó khăn, quyết tâm thực hiện ước mơ
Sinh ra trong gia đình nghèo, bản thân hoặc ba mẹ bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng các em vẫn cố gắng đến giảng đường với một ước mơ: “Có thể lo cho ba mẹ, giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn”.
“Học để có thể tự lo cho bản thân và giúp đỡ ba mẹ”
Đầu năm học lớp 9, chân trái của Trần Thị Phúc Trân (lớp Kế toán 13C, Trường Đại học Tiền Giang) đột nhiên bị đau không đi được. Bác sĩ phát hiện chân Trân có một khối u ở màng xương chài buộc phải mổ. Chưa đầy 3 tháng, Trân phải mổ lần nữa.
Trân xúc động: “Lúc đó, em khóc mấy ngày liền, chân của em phải cưa tận phía trên đầu gối. Sau lần phẫu thuật ấy, em còn phải chịu 6 lần vào hóa chất.
Sức khỏe của em giảm sút nghiêm trọng, trọng lượng cơ thể giảm hơn 20kg. Sau khi cưa chân, em mặc cảm với bạn bè và không chịu đi học”.
Vậy là năm học lớp 9 phải dở dang. Trân phải nghỉ học 6 tháng để điều trị bệnh cũng như tập đi. Từ đó em luôn mặc cảm với bạn bè về khuyết tật của mình và có ý định nghỉ học.
Trân tâm sự: “Thấy em mặc cảm, không chịu đến lớp, thầy Lê Văn Tư, giáo viên dạy hóa đã an ủi, động viên em trở lại học tập. Sợ em mặc cảm với bạn bè, chính thầy đã làm công tác tư tưởng đối với học sinh của trường và thường xuyên đưa rước em đi học”.
Mất một chân, con đường đến trường của Trân càng chông chênh, gập ghềnh. Trân cho biết, chi phí chữa trị chân cho em hơn 70 triệu đồng. Nhà nghèo, ba mẹ phải đi vay mượn khắp nơi. Ba mẹ em phải làm mướn nuôi 2 anh em ăn học.
Trân nghĩ nếu mình buồn thì ba mẹ sẽ buồn theo, mà ba mẹ đã khổ cực quá nhiều rồi. Từ đó, Trân tự động viên mình phải sống lạc quan, học thật giỏi để không phụ lòng tin của mọi người. Sau đó, Trân được Hội Chữ thập đỏ huyện Cai Lậy tặng chiếc chân giả nên việc đi lại dễ dàng hơn.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, Trân đã thi đậu ngành Đại học Kế toán của Trường Đại học Tiền Giang. Trân chia sẻ: “Em hy vọng khi ra trường sẽ tìm được công việc phù hợp, tự lo cho mình và có điều kiện chăm sóc ba mẹ”.
“Mong ba mẹ có cuộc sống tốt”
Cha là thương binh (bị nhiễm chất độc hóa học, tỷ lệ mất sức 40%), mẹ bị suy nhược thần kinh nên gia đình luôn ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Từ nhỏ, hai anh em Nguyễn Hoàng Thiện (lớp Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí 13, Trường Đại học Tiền Giang) đã luôn tự ý thức là phải vượt qua mọi khó khăn, cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống sau này.
Hoàng Thiện kể: “Mẹ bị bệnh nên dù không khỏe, ba vẫn phải là lao động chính trong gia đình. Nhà chỉ có 2 công đất trồng mận, ba mẹ phải quần quật suốt ngày nhưng cũng không đủ ăn. Em và em gái còn nhỏ nên không phụ giúp được gì cho ba mẹ”.
Dù khó khăn thế nhưng ba mẹ Thiện chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cho 2 con nghỉ học. Kết thúc 12 năm phổ thông, anh em Thiện đều được ba mẹ động viên đi học tiếp. Hiện Thiện đang là sinh viên đại học và em gái của Thiện cũng là sinh viên trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang.
Biết được hoàn cảnh gia đình, ngay từ ngày đầu tiên đến giảng đường, Thiện đã tìm việc làm thêm để bớt đi phần nào gánh nặng của ba mẹ. Thu nhập 500.000 đồng/tháng không nhiều, nhưng Thiện đã tự trang trải được chi phí cho bản thân trong những ngày tháng xa nhà.
Điều Thiện lo lắng là bắt đầu từ năm sau, chương trình học nặng hơn, em sẽ không còn nhiều thời gian để làm thêm. Như vậy, ba mẹ Thiện sẽ lại vất vả. Tuy nhiên, Thiện vẫn quyết tâm: “Em sẽ cố gắng hết sức mình. Từ bây giờ, em sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn để có thể để dành cho năm học sau. Em nhất định phải học thật tốt vì kết quả học tập của tụi em chính là niềm vui của ba mẹ”.
Nhận được học bổng lần này, Thiện rất vui. Thiện chia sẻ: “Em sẽ cố gắng sử dụng số tiền này một cách hợp lý. Ngoài trang trải việc học, em sẽ gửi về nhà một ít để phụ giúp cho ba mẹ”. Thiện mong sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm thích hợp, có thu nhập ổn định để có thể chăm lo cho gia đình.
MINH CHÂU - P. MAI