Chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ": Nuôi ước mơ bằng con chữ
Mỗi em tuy có hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em đều có chung ước mơ là mong sao có cuộc sống tốt đẹp. Không cách nào khác, các em muốn thực hiện được ước mơ của mình chỉ có thể bằng con đường học tập. Đó là ước mơ, ý chí, nghị lực của 3 sinh viên Trường Đại học Tiền Giang.
Nhịn đói đến giảng đường
Sinh ra đã không có ba, mẹ một mình nuôi Yến Nhi khôn lớn. Vì thế, cô sinh viên năm nhất Nguyễn Thị Yến Nhi, Khoa Giáo dục Tiểu học luôn tự nhủ phải cố gắng học thật tốt, để sau này có điều kiện chăm sóc mẹ.
Cuộc sống của 2 mẹ con khá vất vả khi không có người đàn ông trụ cột trong gia đình. Mẹ một mình đi làm mướn nuôi Yến Nhi khôn lớn.
Với khuôn mặt đượm buồn, Yến Nhi tâm sự: “Mẹ em bị bệnh suốt, thần kinh của mẹ yếu, nên hay bị nhức đầu, chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Tới mùa thì mẹ đi hái ớt, còn bình thường thì mẹ đi xin lá dừa về róc rồi chuốt ngoe”.
Càng lớn, Yến Nhi đã làm được nhiều việc giúp mẹ. Ngoài giờ học, Yến nhi phụ mẹ róc lá dừa, chuốt ngoe, chăm sóc khi mẹ bị bệnh. Thu nhập hàng ngày của 2 mẹ con cũng đủ trang trải sinh hoạt trong nhà. Còn việc học hành, Yến Nhi phải nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người. Yến Nhi chia sẻ: “Em thi đậu đại học mẹ mừng lắm, nhưng mẹ cũng lo nhiều vì sợ không có điều kiện lo cho em đi học”.
Được biết, hàng ngày Yến Nhi phải nhịn đói đi học. Yến nhi hầu như không biết đến bữa ăn sáng. Mỗi ngày mẹ Nhi chỉ cho em tiền đi xe buýt. Hôm nào Yến Nhi học 1 buổi thì trưa về ăn cơm với mẹ. Còn học nguyên ngày thì em nhịn đói cho đến chiều.
Yến Nhi cho biết, em không ở trọ để đi học mà hàng ngày phải về nhà tận xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo vì mẹ ở nhà có một mình, sợ khi mẹ bệnh không ai bên cạnh. Yến Nhi tâm sự: “Em sẽ cố gắng làm việc nhà giúp mẹ và học thật tốt để khi ra trường có việc làm, có điều kiện chăm sóc mẹ”.
Học để thoát nghèo
Không giấu được vẻ mặt lo lắng, em Lê Ngọc Sơn, sinh viên năm 3 Khoa Xây dựng cho biết: “Được Đài Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ, mẹ em vừa lên ca mổ tim, chưa biết kết quả ra sao.
Mẹ em bị bệnh tim lâu lắm rồi, nhưng vì không có điều kiện mà bệnh của mẹ ngày càng nặng”. Không đất đai, ruộng vườn, nhà lại thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình của Sơn phụ thuộc vào nghề phụ hồ của ba.
Khó khăn là vậy, nhưng ba mẹ Sơn quyết không cho 2 con nghỉ học. Sơn thi đậu vào Trường Đại học Tiền Giang, còn đứa em đang học lớp 8. Gánh nặng đang đè lên vai của ba Sơn. Không còn sức để đi làm phụ hồ, ba Sơn phải mướn ruộng để trồng hoa màu. Đồng tiền kiếm được đánh đổi bằng những buổi phơi lưng ngoài nắng của ba.
Sơn xúc động: “Em thương ba mẹ lắm, nhưng không biết cách nào để phụ giúp. Mấy ngày nay, mẹ nằm bệnh viện. Chiều đi học về nhà ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, em chăm sóc ruộng bắp phụ ba và lo cho đứa em”.
Những trở ngại từ cuộc sống chật vật của gia đình chưa bao giờ làm Sơn nản lòng. Có thể nhịn ăn bữa sáng hay nhịn luôn cả bữa trưa những khi nhà hết gạo, nhưng học thì Sơn chưa vắng buổi nào. Tinh thần vượt khó và sự say mê học tập của em được nhà trường ghi nhận và quan tâm hỗ trợ bằng những phần quà, những suất học bổng trao tặng qua các năm học. Sơn luôn tin tưởng và cố gắng học để sau này khi ra trường sẽ có việc làm tốt, có điều kiện lo cho ba mẹ.
Đi làm để có điều kiện đến trường
Nghĩ về những nhọc nhằn của mẹ, về cảnh thiếu thốn của gia đình, về những tấm lòng đã yêu thương, san sẻ cùng em, Tuyết Vân càng thêm quyết tâm với chuyện học hành. Hồ Thị Tuyết Vân, hiện là sinh viên năm 4 Khoa Quản trị Kinh doanh. Với sự cởi mở, chân thành, Tuyết Vân đã tạo được thiện cảm trong buổi trò chuyện.
Tuyết Vân tâm sự về chuyện gia đình: “Mẹ em năm nay đã hơn 60 tuổi, là cán bộ về hưu sớm. Vì kinh tế gia đình, hiện mẹ em phải đi phụ rửa chén tại các quán ăn ở TP. Mỹ Tho.
Trong một lần bị tai nạn ba em đã bị hư 1 con mắt, sức khỏe kém nên không thể làm được việc gì. Từ chuyện sinh hoạt trong gia đình, đến việc lo cho 2 chị em đi học đều một mình mẹ gánh vác”.
Thấy được gánh nặng trên vai mẹ, sức khỏe yếu ớt của ba, nên ngay từ nhỏ Tuyết Vân đã phụ giúp ba mẹ nhiều việc. Vào đại học, Tuyết Vân đi làm thêm để lo tiền sách vở, nhà trọ. Tuyết Vân cho biết: “Mấy năm trước em làm thêm nhiều việc như bán hàng qua mạng, phụ quán, dạy kèm…
Năm nay là năm học cuối nên em làm ít lại, có tháng chỉ đủ tiền thuê nhà trọ”. Dẫu còn nhiều gian nan trên con đường đã chọn, nhưng Tuyết Vân vẫn tin rằng, thành công sẽ đến với những người biết nỗ lực và dám ước mơ.
P. MAI