Trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng: Khó khăn từ phía gia đình
Can thiệp sớm (CTS) và giáo dục hòa nhập (GDHN) là những bước rất quan trọng giúp trẻ khuyết tật có thể phục hồi chức năng và hòa nhập với cộng đồng. Tuy thời gian qua vấn đề CTS và GDHN cho trẻ được các trường, trung tâm thực hiện khá tốt, thế nhưng vẫn còn nhiều điều đáng bàn, trong đó sự thiếu quan tâm và mặc cảm của phụ huynh là điều khiến các trường, trung tâm và những người tâm huyết với Dự án GDHN vô cùng trăn trở…
GIAN NAN GIÚP TRẺ HÒA NHẬP
Một người mẹ (xin giấu tên) chia sẻ: “Con tôi khi sinh ra bị ngạt, phải cách ly mẹ trong 1 tuần. Sau đó cháu bị bệnh, phải nằm viện hơn 1 tháng. Cháu 25 tháng tuổi mà chưa biết đi, chỉ nói được các từ đơn như “ba”, “bà”, “cha”…
Gia đình có đưa cháu đi khám bệnh, tham gia phục hồi chức năng. Giờ cháu có thể đi được vài bước và chỉ nói được vài từ đơn giản”. Người mẹ này còn cho biết thêm, do bậc cha mẹ đi làm cả ngày để kiếm sống nên ít có thời gian chăm sóc cháu.
Phụ huynh cùng hỗ trợ giáo viên chăm sóc trẻ. Ảnh: M.C |
Bà Đặng Thị Thu Hà công tác ở Trung tâm Giáo dục hòa nhập và Người khuyết tật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Can thiệp càng sớm thì khả năng trẻ phục hồi khuyết tật và hòa nhập cộng đồng càng cao, trong đó 3 năm đầu đời rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng của trẻ. Vì vậy bậc cha mẹ cần theo dõi con mình thật kỹ, nếu có biểu hiện lạ thì đưa con đi kiểm tra, nếu có vấn đề thì can thiệp ngay, cơ hội trẻ phục hồi khuyết tật sẽ cao hơn”.
Bà Đặng Thị Thu Hà khẳng định: “Trong quá trình giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, bậc cha mẹ có vai trò rất quan trọng. Khi trẻ có vấn đề khiếm khuyết, cha mẹ sẽ là người phát hiện đầu tiên và là thường xuyên tiếp cận hỗ trợ trẻ…”.
Tuy nhiên, để giúp các em được CTS và sớm hòa nhập cộng đồng không phải là một vấn đề đơn giản. Chẳng hạn như ở Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (phường 3, TP. Mỹ Tho) có 14 em khuyết tật học hòa nhập thì chỉ có 5 em được phụ huynh chấp nhận các dạng tật của con mình và sẵn sàng hỗ trợ với nhà trường. Phải sau một thời gian thuyết phục, 9 phụ huynh mới “đồng hành” cùng nhà trường (còn 1 phụ huynh chưa chấp nhận dạng tật của cháu mà trường đã xác định, cũng chưa hỗ trợ nhà trường).
Cô Nguyễn Thị Bạch Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: Phụ huynh thường không đồng tình dạng tật của con mình mà trường xác định. Nhà trường phải mời cả cán bộ y tế tư vấn nhưng phụ huynh vẫn không chấp nhận, vì cho rằng trẻ khuyết tật là phải khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể.
Hầu như các phụ huynh chưa biết rằng có những dạng tật rất khó xác định như tự kỷ, khó khăn về học, trầm cảm... và những dạng tật này càng khó để giúp trẻ hòa nhập hơn. Nhiều phụ huynh không chấp nhận con em mình bị khuyết tật vì tự ti, mặc cảm; một số khác do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên không quan tâm đến các em, khi biết các em khuyết tật không đưa đi CTS, phục hồi chức năng hoặc điều trị…
TỪNG BƯỚC KHẮC PHỤC
Giúp phụ huynh gạt bỏ mặc cảm, giảm khó khăn, hiểu rõ về các dạng tật, biết cần phải đến nơi nào để trẻ được khám, được tư vấn, điều trị, can thiệp sớm ở đâu, hòa nhập như thế nào… là những vấn đề đang được ngành Giáo dục và những người có trách nhiệm với GDHN quan tâm. Tuy cách thức từng nơi khác nhau, nhưng bước đầu đã giải quyết những khó khăn mà công tác này đang gặp phải.
Chẳng hạn như ở Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, để phụ huynh chấp nhận các dạng tật mà trường xác định, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải nhiều lần mời phụ huynh đến, hướng dẫn quan sát, theo dõi trẻ...
Sau một thời gian, phụ huynh mới đồng ý và chịu hỗ trợ theo yêu cầu của nhà trường. Đối với những phụ huynh còn mặc cảm vì có con khuyết tật, trường đã nhờ Nhóm “Hỗ trợ cộng đồng” của phường 3 cùng tư vấn, khuyên nhủ.
Ngoài ra, trường còn phối hợp cơ sở, địa phương mời cơ quan BHXH, Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ... hỗ trợ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em, sau khi nắm bắt tình hình thực tế mới trợ vốn giúp gia đình làm ăn để có điều kiện chăm sóc trẻ…
Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng vấn đề GDHN cho trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có không ít khó khăn đến từ phía gia đình, cha mẹ, người bảo hộ đứa trẻ. Để khắc phục vấn đề này, ngành đã thực hiện một số chiến lược, chủ trương để phát triển GDHN.
Theo đó, các nơi sẽ tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp phụ huynh có kiến thức cơ bản về các dạng tật và cách hỗ trợ các em khắc phục; tiếp tục tư vấn, khuyến khích phụ huynh sớm vượt qua mặc cảm, đưa các em đến tham gia và hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục hòa nhập; giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn đúng về GDHN.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tiến hành thành lập trung tâm nguồn, với những chuyên gia có năng lực thực hiện các việc như: Tư vấn, bồi dưỡng cho các giáo viên, giúp họ bồi dưỡng trẻ ở những dạng tật khác nhau; nắm bắt yêu cầu thực tế về nhu cầu CTS và hòa nhập cộng đồng của trẻ; thành lập mạng lưới chuyên môn có tay nghề để giúp Sở GD-ĐT trong khâu thăm lớp, dự giờ, tư vấn gia đình và tham mưu trong công tác GDHN giai đoạn tới; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của công tác GDHN…
MINH CHÂU