Thứ Năm, 18/12/2014, 06:14 (GMT+7)
.

Trường THCS Long Trung: Chất lượng dạy và học là mục tiêu hàng đầu

Trường THCS Long Trung (huyện Cai Lậy) đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học qua từng năm học. Ngay từ đầu năm học, nhà trường có kế hoạch xây dựng nền nếp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học bằng nhiều cách…

Xác định phương châm “Thầy giỏi thì trò mới giỏi”, đội ngũ sư phạm của trường luôn chú ý đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận với các phương pháp khoa học hiện đại, phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm phát huy năng lực học tập của học sinh.

Đặc biệt, số lượng giáo viên sử dụng giáo án điện tử vào giảng dạy đạt hiệu quả cao và tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp tăng dần theo từng năm, đến nay 100% giáo viên đạt chuẩn và trên 50% giáo viên trên chuẩn.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh, từ đó đề ra kế hoạch giảng dạy và chỉ tiêu phấn đấu của từng lớp với nhiều giải pháp như: Dạy tốt - học tốt tại lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu… nhằm thu ngắn khoảng cách về học lực của học sinh.

Học sinh đọc sách tại thư viện của trường.
Học sinh đọc sách tại thư viện của trường.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đều có phẩm chất đạo đức tốt, yêu ngành, yêu nghề, có tinh thần đoàn kết, gương mẫu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phong trào tự học, tự bồi dưỡng được cán bộ, giáo viên sôi nổi hưởng ứng thông qua các hoạt động chuyên đề, hội thảo, sinh hoạt tổ chuyên môn.

Phần đông giáo viên đã sử dụng thành thạo các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin, có sự hỗ trợ của phương tiện giảng dạy hiện đại bằng máy chiếu và đồ dùng học tập phù hợp với điều kiện thực tế của trường.

Cô Nguyễn Thị Kim Nga, giáo viên dạy Tiếng Anh cho biết: “Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cụ thể như môn Tiếng Anh, những đoạn thoại hay cách phát âm đều được lồng ghép vào chương trình giảng dạy, giúp các em dễ nhớ, dễ tiếp thu bài và khả năng nghe, hiểu của các em cũng chuẩn hơn”.

Thầy Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên dạy môn Sử tâm đắc: “Để nâng cao chất lượng dạy và học thì bản thân mỗi thầy giáo, cô giáo phải không ngừng lao động sáng tạo, học sinh chăm ngoan. Đặc biệt, trong giảng dạy môn Sử, giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, làm sao truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh một cách dễ hiểu nhất. Ví dụ như: Giáo viên tự trang bị đồ dùng dạy học là những đoạn video clip tái hiện những sự kiện lịch sử, những mẩu chuyện lịch sử…”.

Thầy Phan Ngọc Nha, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: “Năm 2008, trường được đầu tư xây mới với 22 phòng học và các phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đây là một trong những điều kiện để đội ngũ giáo viên, học sinh nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học.

Cụ thể, nếu như những năm mới thành lập tỷ lệ học sinh tốt nghiệp từ 30 - 40%, thì nay đã tăng lên trên 99%; tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia ngày càng nhiều (chỉ tính năm học qua trường có 2 em học sinh lãnh giải Khuyến khích tại Cuộc thi Tiếng Anh Quốc gia là Nguyễn Minh Đức và Phạm Nhựt Tân…”.

Để nâng cánh ước mơ tuổi thơ, các thầy giáo, cô giáo nơi đây ngoài truyền thụ kiến thức văn hóa cho học sinh, còn thường xuyên chú trọng rèn giũa, hoàn thiện nhân cách cho các em bằng cách quan tâm nâng chất hoạt động Đoàn, Đội, tạo nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh để thu hút học sinh tham gia.

Đặc biệt là nhà trường đã nỗ lực thực hiện tốt Cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, kết hợp với Hội Cha mẹ học sinh, chính quyền và các đoàn thể xã cùng thực hiện. Qua đó, học sinh chăm ngoan hơn, biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, tự tin hơn trong giao tiếp, có ý thức bảo vệ của công, xây dựng nhà trường văn hóa, thân thiện…

Thầy Phan Ngọc Nha khẳng định: “Để có được thành tích đã khó, giữ vững và nâng thành tích càng khó hơn. Tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục nỗ lực thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt các phong trào thi đua của ngành phát động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường trong năm học 2014 - 2015 và những năm học tiếp theo”.

P. MAI

.
.
.