Thứ Hai, 05/01/2015, 12:13 (GMT+7)
.

Những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục năm học 2013 - 2014

Năm học 2013 - 2014 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong điều kiện còn khó khăn, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo với những bước đi vững chắc.

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Dưới đây là những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm học qua:

Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) năm 2014 theo hướng đổi mới và công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2015

Kỳ thi THPT và thi tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy năm 2014 được dư luận xã hội đồng tình đánh giá cao, bước đầu cho thấy ngành Giáo dục đã có những giải pháp tích cực, khẩn trương để đưa Nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống; tạo tiền đề cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Áp dụng thành công một số mô hình giáo dục tiên tiến

Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã đổi mới căn bản hoạt động giáo dục trong nhà trường tiểu học. Giáo viên đã giảm việc giảng giải, thuyết trình, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ học sinh, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh; học sinh tự tin, chủ động, giao tiếp tích cực, hào hứng học tập và sinh hoạt tập thể, bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, phát triển được năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá…

Việc dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục đã làm thay đổi toàn bộ phương pháp dạy học của giáo viên và phương pháp học của học sinh. Học sinh nắm chắc kiến thức ngữ âm tiếng Việt, luật, chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ và hình thành các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tương ứng.

Đề án “Triển khai phương pháp bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011 - 2012” đã tạo tính tò mò, ham khám phá, yêu thích và say mê khoa học của học sinh; đồng thời rèn kỹ năng diễn đạt, phát triển ngôn ngữ khoa học cũng như các kỹ năng phản hồi, hình thành năng lực ứng xử thông qua ngôn ngữ giao tiếp của học sinh.

Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 về quy định đánh giá học sinh tiểu học theo nguyên tắc đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh, giúp phát huy nội lực, tiềm năng của mình, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh; đồng thời đánh giá toàn diện quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Cách đánh giá thường xuyên trong quá trình học là chỉ nhận xét, không dùng điểm số và đánh giá định kỳ cuối kỳ I và năm học là dùng cả điểm số và nhận xét.

Đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và tổ chức thành công Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 tại Việt Nam

Kết quả tham dự Olympic khu vực và quốc tế năm 2014 không những giữ vừng được tỷ lệ 100% thí sinh đoạt giải của 2 năm gần đây mà còn vượt bậc về số lượng và chất lượng huy chương, cao nhất từ trước đến nay. Tính chung các đoàn có 12 Huy chương vàng, 21 Huy chương bạc. Tổng số học sinh đoạt Huy chương Vàng và Bạc là 33/42 chiếm 78,57%.

Cũng trong năm 2014, Bộ GD&ĐT đã cùng bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (IChO) tại Việt Nam với 77 nước và vùng lãnh thổ tham gia, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bề quốc tế.

Các cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ nhiều hơn

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 777/NQ-CP ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 nhằm tạo động lực cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững, góp phần đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

Thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc độc lập, khách quan, công khai, minh bạch. Hai trung tâm này đã tuyển chọn và đào tạo được 55 kiểm định viên và đang tiến hành tổ chức đánh giá, công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Ba trường Đại học lớn của Việt Nam đã được xếp hạng ở Châu Á

Theo Bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symond) công bố kết quả xếp hạng các trường đại học Châu Á năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục ĐH được lọt vào danh sách năm nay gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, (thuộc nhóm 161 - 170); Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (thuộc nhóm 191 - 200) và Đại học Bách khoa Hà Nội (thuộc nhóm 251-300). Hai năm trước đây, Việt Nam chỉ mới có Đại học Quốc gia Hà Nội xếp trong nhóm 201 - 250.

Tổ chức thành công Đại hội thể thao học sinh khu vực Đông Nam Á lần thứ 5

Đại hội thể thao học sinh khu vực Đông Nam Á lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 8 nước, tranh tài ở 9 môn thi đấu. Đoàn thể thao học sinh Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với 100 huy chương (50 Huy chương Vàng, 27 Huy chương Bạc và 23 Huy chương Đồng). Đây là một kỳ Đại hội thành công, có ý nghĩa động viên phong trào rèn luyện sức khỏe, thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh, đồng thời cũng nâng cao vị thế của ngành Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.