Thứ Tư, 07/01/2015, 17:22 (GMT+7)
.

Tư vấn tâm lý học đường: Cần được quan tâm đúng mức

Vừa qua, một trường THPT trên địa bàn huyện Cái Bè có 2 học sinh lớp 12 tự tử cách nhau 1 tuần. 2 nam sinh này cùng học một lớp, đều là học sinh ngoan, hiền, học khá giỏi.

Cách đây vài năm, 1 nam sinh lớp 10 của một trường THPT cũng thuộc huyện Cái Bè tự tử chết sau vài tháng nhập học. Và có nhiều trường hơp khác các em chưa đến nỗi bế tắc để tìm đến cái chết nhưng bị trầm cảm, buồn chán, có những hành vi tiêu cực. Tuổi các em chỉ 15 - 17, tương lai tươi đẹp đang chờ đón phía trước. Vậy mà, thương thay,  cuộc sống sớm kết thúc!

Các em gặp phải bi kịch này, trách nhiệm nặng nhất là gia đình các em, nhưng nhà trường cũng có phần không nhỏ. Cha mẹ, anh chị… phải là chỗ dựa về tinh thần cho các em, là những người tin cậy để các em chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, vui - buồn trong cuộc sống, trong học tập.

Thầy cô trong trường phải như là những người cha, người mẹ, anh chị để các em bày tỏ nỗi niềm. Nếu trong nhà trường nào cũng có trung tâm tư vấn tâm lý học đường, là địa chỉ tin cậy để tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc của các em trong quá trình sống, học tập thì chắc chắn các em không bế tắc phải tự tử hoặc có những cơn sang chấn tâm lý kéo dài.

Thành lập trung tâm tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường không phải là điều gì khó khăn, phức tạp, chỉ cần vài thầy cô có uy tín, có kinh nghiệm sống, có khả năng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn, dễ gần gũi với học sinh; một góc phòng yên tĩnh, kín đáo, ngăn ra từ văn phòng Đoàn cũng được; một cái bàn, vài cái ghế, bày trí giản đơn nhưng cần tạo được sự tin tưởng, bình yên cho người được tư vấn.

Tổ chức nhiều hình thức tư vấn như qua hộp thư, email, mạng xã hội, điện thoại, tư vấn trực tiếp. Nội dung tư vấn về bệnh tật, phương pháp học tập, tình yêu, giới tính, tình cảm gia đình, nghề nghiệp tương lai…

Trở lại trường hợp 3 học sinh tự tử vừa nêu, có 2 em học sinh lớp 12 tự tử do đau buồn về tình cảm yêu đương, em học sinh lớp 10 tự tử vì bị “sốc” trong học tập. Về em học sinh lớp 10, những năm THCS học giỏi, thường xếp hạng nhất lớp. Lên lớp 10, nhiều bạn ở trường khác tụ họp lại, giỏi hơn em. Điểm số 2 tháng đầu năm của em không cao lắm, em buồn một thời gian, sau đó trầm cảm nặng, rồi thắt cổ chết.

Nếu có thầy cô nào đó an ủi, động viên, chỉ vài lời thôi, rằng “chương trình lớp 10 khá nặng, khác nhiều với lớp 9, em học được như vậy là khá tốt rồi, từ từ sẽ bắt nhịp được thôi…” hoặc “lớp mình tuyển chọn học sinh từ 12 - 13 trường THCS, các em trước đây chỉ đứng đầu học sinh một xã, bây giờ phải cọ xát với rất nhiều học sinh giỏi của nhiều xã nên các em cảm thấy mình bỗng học yếu đi là chuyện bình thường, phải học theo phương pháp thế này, thế này…” thì chắc chắn các em không rơi vào tình trạng mất phương hướng, hoảng loạn rồi tự kết thúc cuộc đời mình.

Tôi biết có một người thầy, trong những năm đi dạy đã giúp nhiều học sinh vượt qua những bế tắc tinh thần bằng việc tư vấn tâm lý cho các em. Tôi từng nghe những học sinh này của thầy, năm nay họ đã hơn 40 tuổi, những lần gặp lại thầy đã xúc động nói: “Ngày ấy, nếu thầy không là chỗ dựa tinh thần cho em thì giờ đây chắc em không còn đứng trước mặt thầy mà trò chuyện nữa!…”.

Thiết nghĩ, tư vấn tâm lý học đường là việc quan trọng, cần được những nhà trường quan tâm đúng mức.

NGỌC KHUÊ

.
.
.