Khó khăn nhất khi đổi mới thi cử là thay đổi tư duy
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, Bộ GD-ĐT đang tiến hành đổi mới giảng dạy, học tập và thi cử theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học theo chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới. Để thực hiện tốt những đổi mới này rất cần sự đồng thuận, thay đổi tư duy, suy nghĩ của toàn xã hội đối với những chủ trương của ngành Giáo dục, Chính phủ và Quốc hội đề ra.
Nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ, trao đổi về những thay đổi lớn trong giảng dạy, học tập và thi cử, đặc biệt là khi kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần.
* Phóng viên (PV): Trong năm 2014, ngành Giáo dục đã triển khai được nhiều công việc mà Quốc hội và Chính phủ giao phó. Xin Bộ trưởng cho biết, những điểm sáng nổi bật đã đạt được của ngành Giáo dục trong năm qua?
* Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nhìn lại năm 2014, ngành Giáo dục và toàn xã hội đã làm được nhiều việc cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Đứng ở góc độ là tư lệnh ngành, tôi nhận thấy toàn xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên đã có nhiều thay đổi về tư duy, nhận thức và cách tiếp cận với giáo dục.
Những nội dung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo đều đã được quán triệt, triển khai, học tập ở nhiều cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, trường học…
Đã có bản khởi thảo đầu tiên về chương trình giáo dục phổ thông.
* PV: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo phương hướng sẽ có nhiều bộ SGK dựa trên 1 chương trình học. Bộ GD-ĐT chỉ đạo xây dựng 1 bộ SGK song hành cùng với nhiều bộ SGK khác do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Vậy công đoạn xây dựng hành lang pháp lý để biên soạn SGK mới nhằm mang lại niềm tin cho cả xã hội, đặc biệt là đối với người học đang được ngành Giáo dục triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?
* Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai Nghị quyết về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Quốc hội. Trước hết, Bộ GD-ĐT cho rằng, cần ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm những nội dung liên quan đến quy chế lựa chọn các thành viên tham gia soạn thảo chương trình SGK; quy chế hoạt động của các Hội đồng biên soạn SGK; quy chế tài chính, chi tiêu; quy chế kiểm soát, thẩm định, phát hành SGK… Đây là những văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để biên soạn những bộ SGK chất lượng, đảm bảo theo đúng pháp luật và đạt được yêu cầu do Quốc hội đề ra.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng chương trình, đề xuất thẩm định SGK mới. Trong khoảng 3 năm nay, cùng với việc xây dựng Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, Bộ GD-ĐT đã triệu tập các chuyên gia, nhà giáo có kinh nghiệm, hiểu biết về phương thức giáo dục mới theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh, sinh viên để tổng kết, đánh giá lại chương trình SGK hiện hành cũng như tìm hiểu kinh nghiệm biên soạn SGK của các nước có nền kinh tế phát triển. Đồng thời, Bộ cũng tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các Bộ GD-ĐT ở các nước trên thế giới trong việc cung cấp tài liệu, chuyên gia, thông tin để biên soạn SGK mới.
Cho đến nay, Bộ GD-ĐT đã có bản khởi thảo đầu tiên của chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. Sau Tết Nguyên đán 2015, Bộ sẽ triệu tập các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo một cách rộng rãi hơn để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện chương trình. Tiếp theo đó, Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội để hoàn thiện chương trình SGK mới.
Thay đổi tư duy, nhận thức của toàn xã hội là khâu đột phá để đổi mới thi cử. Ảnh: Vân Anh |
Học hành, thi cử theo phương pháp mới cần sự thay đổi tư duy.
* PV: Bên cạnh việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì vấn đề đổi mới thi cử cũng được dư luận xã hội quan tâm. Trong năm 2015, chúng ta sẽ có 1 kỳ thi THPT quốc gia. Xin Bộ trưởng cho biết khó khăn, áp lực lớn nhất đối với đổi mới thi cử là gì và đâu là những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đó?
* Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đổi mới thi cử là một việc làm tác động lớn đến toàn xã hội, đặc biệt là với giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ nhiều năm nay, cách thức học hành, thi cử theo kiểu cũ đã tồn tại như ăn sâu vào máu thịt, trở thành hơi thở của người dân. Vì vậy, khó khăn và áp lực lớn nhất là cách thức để người dân thay đổi thói quen, tư duy, suy nghĩ về chuyện học hành, thi cử theo phương pháp cũ sang phương pháp mới.
Trong Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo” coi thay đổi tư duy, nhận thức của toàn xã hội là khâu đột phá để đổi mới thi cử. Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các cơ sở giáo dục tiến hành triển khai truyền thụ kiến thức 1 chiều sang phát huy năng lực và phẩm chất của người học.
Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, trải nghiệm trên thực tế để tổ chức dạy học, thi cử theo phương pháp mới còn rất hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải triển khai theo hướng các giáo viên phải tự học hỏi, bồi dưỡng, đào tạo cũng như tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để nhanh chóng có kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tiễn đối với phương pháp dạy học phát huy năng lực và phẩm chất của người học trên chương trình SGK mới.
Những khó khăn, thách thức đối với với việc giảng dạy, học tập thi cử theo phương pháp mới có thể vượt qua được khi toàn xã hội có nhận thức, tư duy cập nhật, đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 29 -NQ/TW về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo”.
* PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng và chúc ngành Giáo dục có được những thành công lớn trong năm 2015!
(Theo vov.vn)