Trường ĐHTG: Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại
Thời gian qua, Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG) từng bước nâng chất đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy và học…, qua đó nâng chất lượng đào tạo qua từng năm học.
TỪNG BƯỚC ĐỔI MỚI, NÂNG CHẤT ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN
Tiếp thu chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW Hội nghị Trung ương 8 - Khóa XI, Trường ĐHTG đã xem đổi mới hoạt động đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu và đã có những định hướng đổi mới mạnh mẽ để phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển. Những năm qua, trường không ngừng nâng chất đội ngũ giảng viên, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp.
Theo đó, chương trình đào tạo đã có nhiều cải tiến, đổi mới cách dạy, cách học và đổi mới kỹ thuật kiểm tra, đánh giá quá trình học tập theo học chế tín chỉ. Song song đó, cơ sở vật chất được đầu tư trang thiết bị ngày một tốt hơn; đội ngũ cán bộ quản lý phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên được ưu tiên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, cơ bản đảm bảo công tác giảng dạy, không còn tình trạng giảng viên trình độ đại học dạy đại học.
Đến nay, Trường ĐHTG đã đạt 85% tiêu chí kiểm định chất lượng, bình quân hàng năm có 2.500 sinh viên tốt nghiệp, bồi dưỡng nâng cao tay nghề và nghiệp vụ chuyên môn cho gần 2.000 lao động ở thành thị và nông thôn. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2011 là 75,2% và năm 2012 tăng lên 76,76%. 3 năm qua, trường đã tập trung thực hiện đổi mới hoạt động đào tạo và quản lý sinh viên…
Sinh viên Trường ĐHTG trong giờ thực hành. (Ảnh do nhà trường cung cấp). |
Tuy nhiên, Trường ĐHTG vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo Tiến sĩ Phan Văn Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường, chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa bắt kịp yêu cầu tái cấu trúc và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng ĐBSCL. Hình thức đào tạo liên thông vừa làm vừa học đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại nên chưa thu hút được nhiều học viên theo học.
Chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Cơ cấu giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu mở ngành đào tạo mới; một bộ phận giảng viên chưa thể hiện tâm huyết trong đổi mới.
Phần lớn chế độ làm việc của giảng viên được xây dựng từ những năm 70 của thể kỷ XX, trong khi đó nhà trường đã chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Cũng cần nói thêm, Trường ĐHTG là trường đại học địa phương mới thành lập 8 năm nên chưa hội đủ điều kiện để huy động tối đa các nguồn lực cần thiết cho đổi mới và phát triển…
Những hạn chế trên do cơ chế, chính sách trong đào tạo và quản lý đào tạo còn nhiều trói buộc, chưa thực sự đảm bảo quyền tự chủ của nhà trường trong thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
TIẾP TỤC CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI ĐỒNG BỘ
Theo Tiến sĩ Phan Văn Nhẫn, năm 2015 trường phải có được đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới theo học chế tín chỉ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo.
Để làm được điều này, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục nâng cao chất lượng giảng viên và cán bộ quản lý. Đây là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo. Theo đó, trường sẽ xây dựng kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Từng cán bộ, giảng viên phải nghiêm túc, tích cực thực hiện đồng bộ cả về trình độ, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy mới và về tư tưởng, phẩm chất đạo đức...
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của giảng viên trong giảng dạy theo học chế tín chỉ, đảm bảo đạt chuẩn đầu ra.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu có ít nhất 70% sinh viên tốt nghiệp được các nhà tuyển dụng hài lòng và 5% sinh viên có khả năng làm việc chuyên môn trong môi trường hội nhập quốc tế; đồng thời, từ thực tiễn đổi mới thời gian qua, trường nghiên cứu thực hiện “Bốn trụ cột đổi mới” (đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới cách dạy, cách học; đổi mới kỹ thuật kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo học chế tín chỉ và đổi mới quản lý đào tạo) gắn với việc xác lập 4 giềng mối trong quản lý (quản lý sinh viên; quản lý giảng viên; quản lý chất lượng đào tạo và quản lý các nguồn lực phát triển) của nhà trường thời gian tới.
Lãnh đạo nhà trường cũng sẽ có chính sách vừa động viên, khuyến khích vừa bắt buộc giảng viên học tập nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế. Đến năm 2015, tất cả giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Khuyến khích học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước đối với giảng viên các ngành Khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn, đặc thù. Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở trong nước cùng tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ tại trường.
Trao đổi với chúng tôi trong những ngày cuối năm, lãnh đạo nhà trường phấn khởi về những kết quả bước đầu thực hiện đổi mới. Đây là cơ sở thực tiễn để thời gian tới trường tiếp tục thực hiện quá trình đổi mới, phát huy tối đa vai trò là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực ĐBSCL.
HOÀI THU