Thứ Năm, 12/03/2015, 15:51 (GMT+7)
.

Đừng khen học sinh kiểu "một tấc lên trời"

Trước nay, công luận cứ hay lên án ban giám hiệu hay giáo viên có hành vi chê trách học sinh quá đáng trước những sai phạm của các em trong quá trình học tập và rèn luyện, nhưng hình như chưa bao giờ phê phán việc khen học sinh quá đáng.

“Em… đã xuất sắc đánh bại mọi đối thủ nặng ký nhất trong các vòng thi đấu, đặc biệt là ở trận chung kết với đối thủ đến từ trường A của tỉnh để giành chiến thắng vang dội. Em… thật tuyệt vời, thi đấu đầy trí tuệ, bản lĩnh và đã chiến thắng tuyệt đối, đầy thuyết phục. Em... đã mang vinh quang về cho trường chúng ta. Thầy và trò các thế hệ của nhà trường sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn này của em…”.

Còn nữa những “lời có cánh” mà người đứng đầu nhà trường đã diễn thuyết trước khi phát thưởng cho 1 học sinh của trường vừa đoạt giải nhất của một cuộc thi do ngành Giáo dục địa phương tổ chức.

Thật ra, chuyện khen học sinh kiểu “một tấc lên trời” như vậy xảy ra rất thường xuyên, trở thành chuyện thường ngày ở ngôi trường trung học đóng ở vùng ven mà chất lượng mọi mặt còn hết sức khiêm tốn. Cố nhiên kiểu khen quá lố đã gây ra sự phản cảm, khó chịu, thậm chí đã trở thành đề tài đàm tiếu trong nội bộ và gây ra những hệ lụy trong nhận thức lẫn hành động của học sinh nói chung, trong đó có những học sinh được khen.

Ai cũng biết, mục đích của việc khen thưởng học sinh có thành tích là nhằm động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện cho chính bản thân các em và sau đó là biểu dương điển hình, tạo sự lan tỏa cho những yếu tố tích cực. Thế nhưng, sự thái quá sẽ làm chệch mục đích ban đầu và có khi gây hại.

Chẳng chịu dừng lại ở chuyện khen ở những buổi lễ, mà ở đâu và lúc nào, trong khi làm việc nghiêm túc hay lúc “trà dư tửu hậu”, hiệu trưởng cũng đem ra khoe với một mục đích muốn cho mọi người thấy “sự chuyển biến tích cực về chất” được tạo nên bởi sự quản lý của mình.

Thậm chí, còn tạo cho học sinh một niềm kiêu hãnh không đáng có bằng một tam đoạn luận: “Em… đã chiến thắng đối thủ mạnh nhất là học sinh của trường A, do đó cũng có thể coi là trường ta đã chiến thắng trường A”, trong khi ai cũng biết những cuộc thi như vậy mang tính chất “chơi” là chính, do đó luôn đi kèm những yếu tố “hên - xui”. Cách khen này vô hình trung cũng tạo ra khoảng cách về sự không thân thiện giữa các trường.

Điều mà ai cũng thấy ở đây là, theo quy luật tâm lý, đối với một tập thể, nhất là trong nhà trường và với học sinh, sự “tung hô” thái quá đối với cá nhân này đương nhiên sẽ làm cho những em còn lại, nhất là những học sinh vốn là “kình địch” về học tập, rèn luyện trong lớp, trong trường sẽ lấy làm khó chịu, sinh ra “ghét” bạn được khen…

Đáng nói nữa là chuyện khen quá lố không phải chỉ dành cho các trường hợp học sinh đoạt giải trong các cuộc thi văn hóa do ngành Giáo dục tổ chức, mà tất cả những học sinh đi thi đấu và đoạt giải, dù là nhất, nhì, ba hay khuyến khích trong các cuộc thi có tính chất phong trào đều được hiệu trưởng trịnh trọng khen bằng những “lời có cánh” dễ gây cho các em ngộ nhận về năng lực của mình.

Tất nhiên, đi đôi với khen là thưởng, những học sinh này còn được ưu ái mời tham dự các sự kiện vốn dĩ là của riêng thầy cô giáo như liên hoan mừng Ngày Nhà giáo 20-11, tất niên…

Với kiểu khen này, bản thân một số học sinh được khen cảm thấy rất ngượng ngùng, khó xử với bạn, với thầy cô; nhưng số khác lại tự mãn, không chỉ lên mặt với bạn mà còn có thái độ thiếu tôn trọng thầy cô.

Một số được khen vì thành tích cao trong các cuộc thi đấu thể thao, văn nghệ hoặc các cuộc thi phục vụ tuyên truyền cho các ngành ngoài Giáo dục nhưng thường có học lực không tốt lắm, sau đó lại sa sút hơn do đầu tư quá nhiều thời gian cho luyện tập thi đấu và tự thỏa mãn vì được khen là đã “đem thành tích vẻ vang về cho nhà trường” sinh ra ỷ lại, chủ quan, không chịu phấn đấu.

Người xưa nói “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Khen hay chê thái quá đều không hay cả, thậm chí có những trường hợp khen không đúng chỗ, đúng cách, đúng đối tượng còn gây ra những tác hại gấp nhiều lần chê.

Học sinh có thành tích thì nhất thiết phải khen, nhưng việc khen phải đúng mục đích và đặc biệt là khen phải đúng mực, đừng vì “lời nói không mất tiền mua” mà không tiếc lời, khen quá lố, kiểu “một tấc lên trời”.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.