Giải đáp nhiều vấn đề về kỳ thi THPT quốc gia
Nhiều thắc mắc, băn khoăn, lo lắng... của các em học sinh và phụ huynh học sinh về kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải đáp tại buổi Tọa đàm trực tuyến do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 18-3.
Các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Sau khi công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn khá chi tiết; các cơ quan truyền thông cũng tổ chức hàng loạt buổi tư vấn giải đáp quy chế song vẫn còn khá nhiều ý kiến băn khoăn của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh về kỳ thi này.
Nhằm giải đáp những thắc mắc này cũng như giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về quy chế thi năm nay, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm: “Kỳ thi quốc gia 2015- Những điều cần biết”.
Tham gia buổi tọa đàm có 3 vị khách mời:
- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
- Phó Cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa.
- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn.
Dưới đây là nội dung buổi Tọa đàm
Thưa Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, một trong những vấn đề người dân quan tâm là phương án tổ chức các cụm thi liên tỉnh và cụm thi trong tỉnh, việc này đã được các địa phương và các trường đại học triển khai đến đâu và có những khó khăn, vướng mắc gì nảy sinh, đặc biệt trong việc tổ chức giao thông đi lại, nơi ở cho học sinh, người thân và giáo viên tại các cụm thi liên tỉnh?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ đã lên phương án kỳ thi, lấy ý kiến rộng rãi và chốt lại phương án ban hành quy chế thi; lên kịch bản những khó khăn có thể phát sinh để các địa phương góp ý kiến. Bộ cũng đã thông tin rộng rãi đến toàn xã hội về quy chế thi.
Theo quy chế thì không có sự phân biệt giữa cụm thi liên tỉnh và cụm thi trong tỉnh, thế nhưng không ít người lo ngại các ở các Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dễ dẫn đến tình trạng “tháo khoán”, tiêu cực phát sinh… vì tư tưởng thành tích địa phương, thương học trò mình…? Bộ GD&ĐT đã tính tới các tình huống này chưa và phương án xử lý sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi đã tính toán điều này trước khi đề ra phương án thi cụm tỉnh. Bộ đã phân tích đề thi, kết quả thi, phổ điểm của các năm trước, cho thấy phổ điểm của học sinh phân bố hợp lý. Trước đây có hiện tượng "tháo khoán", nhưng giờ đã khác, thi nghiêm túc hơn, đề thi hợp lý hơn.
Vì vậy thi cụm tỉnh chắc chắn sẽ nghiêm túc hơn. Nhưng để dư luận xã hội yên tâm hơn với cụm thi liên tỉnh, chúng tôi quyết định, kể cả cụm thi tỉnh thì vẫn do trường đại học chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức. Công tác thanh tra giữa 2 loại cụm thi là giống nhau.
Thưa Thứ trưởng, việc chia cụm thi tại tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm nay nhiều cụm thi hơn, vì thế thí sinh đi lại thuận tiện hơn. Nhưng cũng có thể có khó khăn là thí sinh đi về Hà Nội tiện hơn là đi tỉnh khác, nhưng phương án nào cũng sẽ có những khó khăn nhất định, phải chấp nhận.
Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội thì việc đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức một cụm thi liên tỉnh đã được nhà trường chuẩn bị ra sao về đội ngũ giáo viên, tập huấn… thưa ông Hoàng Minh Sơn?
Ông Hoàng Minh Sơn: Trường ĐHBK HN đã nhiều năm được nhận nhiệm vụ tuyển sinh. Mỗi năm có từ 10.000-20.000 thí sinh tham gia thi tuyển. Chúng tôi đã có kinh nghiệm tổ chức và bố trí hơn 3.000 chỗ trong ký túc xá để thí sinh có chỗ ở. Trường đã làm việc với các trường ĐH khác trong khu vực để chuẩn bị giáo viên và cơ sở tổ chức coi thi và chấm thi.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều trường THPT đã bắt đầu lên kế hoạch ôn thi cho học sinh, tuy nhiên cơ cấu và mẫu đề thi đến nay vẫn chưa được Bộ GD&ĐT công bố khiến các trường khá bị động? Xin chuyển câu hỏi này đến ông Trần Văn Nghĩa.
Ông Trần Văn Nghĩa: Theo QĐ số 3538 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 9-9-2014, và mới đây Quy chế thi THPT quốc gia ban hành ngày 26-2-2015, phạm vi đề thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12.
Mục đích đề thi năm nay vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng nên sẽ có 2 nhóm câu hỏi. Một nhóm tương đương đề thi THPT, bảo đảm những em học sinh trung bình cũng có thể làm được bài và đạt tốt nghiệp. Nhóm thứ 2 có câu hỏi phân loại, giống đề thi ĐH-CĐ. Hướng đề thi giống như năm 2014
Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ năm trước để ôn luyện. Hướng ra đề thi sẽ tiến hành đổi mới như các năm trước. Các em hoc sinh hoàn toàn có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp năm 2014.
Sắp tới Bộ sẽ công khai đề thi minh họa để các thí sinh tham khảo
Xin hỏi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, với việc tổ chức 38 cụm thi liên tỉnh và ít nhất là 60 cụm thi trong tỉnh, công tác chấm thi sẽ được Bộ GD&ĐT tổ chức như thế nào. Nhiều người lo ngại sẽ có chênh lệch khi chấm điểm giữa các cụm thi khác nhau, giữa cụm thi trong tỉnh với cụm thi liên tỉnh?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi năm 2014 đáp ứng được yêu cầu phân loại học sinh. Đề thi năm 2015 sẽ không có sự khác biệt so với năm ngoái, vì vậy thí sinh cứ yên tâm ôn tập. Công tác chấm thi thực hiện như quy chế. Sẽ có chấm thử ở tại mỗi hội đồng để rút kinh nghiệm trước khi chấm. Công tác chấm thi không khác so với mọi năm.
Thưa ông Hoàng Minh Sơn, phía trường Đại học Bách khoa có bổ sung gì cho câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển không khi mà sẽ có hàng chục trường ĐH tham gia chấm điểm học sinh?
Ông Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi nghĩ rằng các trường ĐH đều nhận rõ vai trò của mình trong chấm thi nên sẽ thực hiện nghiêm túc công tác chấm thi. Bộ sẽ ra thang điểm, quy trình chấm thi chuẩn nên quá trình chấm thi sẽ không có sự chênh lệch cao. Tôi tin các trường sẽ thực hiện nghiệm túc.
Thưa ông Trần Văn Nghĩa, chúng tôi nhận được khá nhiều thắc mắc liên quan đến quy định miễn thi ngoại ngữ nếu học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhưng chỉ được tính để xét công nhận tốt nghiệp còn để xét tuyển đại học, cao đẳng thì thí sinh vẫn phải thi trực tiếp. Ông có thể giải thích rõ hơn về quy định này? Liệu các trường ĐH, CĐ có được quyền sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ của thí sinh để làm căn cứ tuyển sinh thay vì dựa vào điểm thi ngoại ngữ hay không?
Ông Trần Văn Nghĩa: Bộ đã có quy định cụ thể về xét tốt nghiệp. Còn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ hay không thì do các trường ĐH-CĐ tự quyết định. Theo thống kê của Bộ, phần lớn các trường đều yêu cầu thí sinh phải thi ngoại ngữ, nhất là trường top trên, nhưng cũng có một số trường đồng ý sử dụng một số chứng chỉ.
Những thí sinh đã tốt nghiệp hoặc trượt tốt nghiệp và năm nay muốn thi lại hoặc thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký ở đâu, thi những môn gì? Họ được quyền chọn cụm thi bất kỳ hay bắt buộc phải thi ở cụm thi được chỉ định theo địa chỉ nơi cư trú? Còn đối với học sinh có hộ khẩu tại một tỉnh nhưng lại đang học tập tại tỉnh khác thì học sinh đó sẽ thi ở đâu, thưa ông Trần Văn Nghĩa?
Ông Trần Văn Nghĩa: Sẽ có hướng dẫn cụ thể trong văn bản mà Bộ sẽ ban hành tới đây. Thí sinh tự do được quyền chọn cụm thi. Ở Hà Nội đăng ký thi ở TP HCM cũng được. Thí sinh lớp 12 được chọn cụm thi nhưng phải bắt buộc thi ở cụm thi đó, ví dụ, chọn cụm thi Nam Định thì phải thi cùng học sinh Nam Định.
Có một khán giả gửi thư hỏi: Năm nay, con tôi thi tốt nghiệp và có nguyện vọng lấy kết quả để xét tuyển vào ĐH-CĐ, nhưng hiện nay tôi không rõ việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường như thế nào? Ví dụ nguyện vọng 1 của con tôi muốn vào trường Đại học Hà Nội, nguyện vọng 2 là Đại học Nội vụ và một nguyện vọng nữa là một trường cao đẳng (thi khối D1). Vậy sau khi nhận được phiếu báo điểm thi, con tôi phải làm như thế nào? Trong trường hợp nguyện vọng 1 không được thì việc đăng ký xét tuyển các nguyện vọng (NV) khác như thế nào?
Ông Trần Văn Nghĩa: Có 4 giấy chứng nhận kết quả thi. NV1: Được đăng ký 4 ngành của 1 trường; được rút hồ sơ ra để đăng ký trường khác. NV1 chỉ được nộp vào 1 trường duy nhất với 4 NV vào các ngành khác nhau trong 1 trường. Ở đợt này, thí sinh được rút hồ sơ để nộp vào trường phù hợp.
Thí sinh đã trúng NV1 mất quyền dùng giấy xét NV bổ sung.
Nếu thí sinh trượt NV1 được phép dùng NV bổ sung. Có thể nộp một lúc 3 phiếu vào 3 trường khác nhau cũng được.
Ở NV bổ sung thì không được rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển.
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển mà thí sinh chưa trúng tuyển, có thể đến xin rút giấy NV bổ sung nộp tiếp trong các đợt xét tuyển sau.
Dự kiến ĐH có 3 đợt xét tuyển, CĐ 4 đợt xét tuyển.
Thí sinh phải cân nhắc kỹ việc chọn trường để nộp hồ sơ xét tuyển, nên căn cứ vào điểm thi (phải cao hơn điểm chuẩn năm trước ít nhất 2 điểm); thông tin xét tuyển của trường (công bố 3 ngày/lần)… để chọn trường nộp hồ sơ xét tuyển.
Đối với những thí sinh đăng ký thi thêm 2-3 môn thi ngoài 4 môn tối thiểu nhưng sau đó không thi các môn đã đăng ký, hoặc vi phạm quy chế thi thì có được xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả những môn đã thi để xét tuyển ĐH, CĐ hay không?
Ông Trần Văn Nghĩa: Nếu thí sinh vi phạm quy chế thi, bị đình chỉ thi thì sẽ phải dừng thi những môn còn lại. Nếu chỉ bị trừ điểm thì các em vẫn được xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Thi thiếu một trong những môn thi tốt nghiệp do ốm đau, tai nạn sẽ được đặc cách tốt nghiệp nếu điểm học các môn từ 5 điểm trở lên.
Năm nay Đại học Bách khoa chủ trì 1 cụm thi, xin hỏi ông Hoàng Minh Sơn, công tác chuẩn bị của nhà trường như thế nào, có những khó khăn, thuận lợi gì?
Ông Hoàng Minh Sơn: Có thuận lợi là chúng tôi nhận được sự hỗ trợ ủng hộ của các trường ĐH, CĐ khác trong cụm. Còn khó khăn đó là phải tự chủ kinh phí do Bộ quy định kinh phí dành cho kỳ thi năm nay trên nguyên tắc học sinh không phải nộp lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ so với các năm trước.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính sẽ xem xét bổ sung hỗ trợ cho các điểm tổ chức thi. Kinh phí cũng có thể sẽ thiếu nhưng Bộ GD&ĐT sẽ huy động các trường phát huy vai trò tự chủ trên nguyên tắc tiết kiệm.
Có lãnh đạo 1 trường ĐH băn khoăn khi thí sinh thi ở những nơi không có cán bộ của trường coi thi liệu chất lượng có được đảm bảo? Bách khoa là một trường ĐH lớn, sẽ có nhiều thí sinh ở cụm thi vùng đăng ký xét tuyển nhưng lại dự thi ở nơi khác, xin ông Hoàng Minh Sơn cho biết ông có cùng lo lắng này không?
Ông Hoàng Minh Sơn: Tôi không lo, vì tôi tin là các trường đại học đều có trách nhiệm. Mặt khác, nếu vì gian lận mà vào học đại học thì rất khó khăn để tốt nghiệp. Với lại sau khi được trúng tuyển vào ĐH BK, trường cũng sẽ sàng lọc tùy từng chuyên ngành. Trong quá trình học cũng có sự sàng lọc, nếu em nào không thực sự có thực lực, sẽ không thể ra trường.
Thưa Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển, vài năm gần đây NXB Giáo dục phát hành các cuốn ôn luyện thi dành cho kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH và thi THPT. Những cuốn sách ôn thi này có sự tham gia viết sách của một số cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Vụ GD Trung học. Tuy nhiên vừa rồi Thứ trưởng đã ký công văn gửi các Sở nói rõ những cuốn luyện thi này không phải do Bộ phát hành và không phù hợp với nội dung của kỳ thi THPT quốc gia.
Có ý kiến cho rằng việc mượn danh nghĩa của người này, người kia để xuất bản sách là không nên và đây là hành động đánh vào tâm lý hoang mang của học sinh để trục lợi. Về mặt pháp lý, hoạt động của NXB Giáo dục không sai, nhưng Bộ cũng cần có giải pháp để xử lý những cá nhân của Bộ tham gia hoạt động này. Ông nghĩ sao về quan điểm này và xin cho biết thời gian tới, Bộ sẽ có những động thái gì để chấm dứt tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, trục lợi trên sự hoang mang của thí sinh như thế này?
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Bộ đã có công văn chấn chỉnh tình trạng này và nói rõ cán bộ của Bộ tham gia là với tư cách cá nhân.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tổ chức rút kinh nghiệm với các cán bộ ghi tên, tham gia xuất bản cuốn sách đó. Bộ sẽ xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp tương tự. Bộ cũng đã yêu cầu các trường không được ép học sinh mua bất cứ tài liệu ôn tập nào.
Kỳ thi kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH- CĐ 2015 đang đến gần, giáo viên ở các trường hiện đang rất lúng túng trong việc ôn luyện cho học sinh khi họ không nắm được cấu trúc đề thi cũng như phạm vi ôn tập. Vậy, Bộ có định hướng hay chủ trương gì khi không công bố cấu trúc đề thi cũng như phạm vi ôn tập?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc hướng dẫn ôn tập đã có ngay từ đầu năm. Đề thi tương tự năm trước. Nội dung nằm trong chương trình THPT, vì vậy thí sinh không nên lo lắng. Việc ôn tập vẫn diễn ra bình thường. Bộ không ban hành cấu trúc đề thi. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của học sinh, tới đây, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa. Đề thi này không khác năm 2014.
Vì lo lắng, nhiều học sinh đã mua nhiều loại sách tham khảo và trong quá trình ôn tập lại phụ thuộc vào các loại sách tham khảo này. Như vậy có nên không? Ông có lời khuyên các em thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Các em không nên lệ thuộc nhiều vào tài liệu tham khảo. Nên bám chắc SGK với sự hướng dẫn của giáo viên để ôn tập kỹ sẽ hiệu quả. Học tốt thì thi sẽ tốt. Tự tin thì cũng sẽ có kết quả thi tốt.
Một vấn đề khiến học sinh lo lắng là việc đi lại từ tỉnh này tới tỉnh khác có gặp thuận lợi hay không? Những nơi gần điểm thi (không phải là Hà Nội và TPHCM) có đủ chỗ nghỉ cho phụ huynh và thí sinh không?
Ông Trần Văn Nghĩa: Chúng tôi đã phối hợp với các trường và địa phương khảo sát kỹ, tính toán kỹ khả năng tổ chức, tiếp nhận thí sinh rồi mới chọn cụm thi. Các em có thể yên tâm về điều này.
Năm nay Bộ yêu cầu các trường phải công bố chuẩn xét tuyển trước khi học sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Vậy các trường sẽ sử dụng những yếu tố gì để xây dựng ngưỡng xét tuyển của mình? Các trường sẽ làm thế nào để biết được mình sẽ lấy điểm chuẩn từ bao nhiêu khi chỉ biết số học sinh sẽ thi vào trường mình (chẳng hạn như ĐHBK sơ tuyển trước) nhưng lại không biết điểm thi của thí sinh, vì các em có thể thi ở bất cứ đâu thưa ông Hoàng Minh Sơn?
Ông Hoàng Minh Sơn: Bộ chỉ quy định các trường sẽ công bố điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng xét tuyển chất lượng đầu vào. Còn cao hơn bao nhiêu so với chất lượng đầu vào là do các trường quyết định.
Ngưỡng xét tuyển đầu vào của các trường đại học, cao đẳng cao hơn hoăc bằng so với Bộ GD&ĐT đặt ra. Chẳng hạn ĐH Bách Khoa sẽ căn cứ vào đề thi cụ thể và phổ điểm mà do thí sinh ở nơi khác đến thi để có thể có con số thống kê, căn cứ vào số thống kê và phổ điểm đó mà đưa ra mức tối thiểu để nhận hồ sơ vào.
Đây là lần đầu tiên thực hiện kỳ thi “hai trong một” nhằm phục vụ hai mục đích công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, HS chưa từng được làm quen với kỳ thi này, nên về tâm lý, các em (và cả phụ huynh của các em) có phần lo âu. Thứ trưởng có khuyên lời nào đối với các em?
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Đối với thí sinh thì kỳ thi THPT quốc gia năm nay không khác so với các kỳ thi năm trước. Chỉ có nét mới trong công tác tổ chức chứ không mới trong yêu cầu đối với thí sinh. Do đó các em không nên quá lo lắng.
(Theo Chinhphu.vn)