Thứ Tư, 18/03/2015, 07:53 (GMT+7)
.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: Nhiều điểm cần lưu ý

Năm nay, thí sinh (TS) chỉ thi 1 kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). TS rất quan tâm những vấn đề như: Việc đăng ký dự thi (ĐKDT), cách chọn ngành học, thi ở đâu, thời gian ĐKDT và cách rút - nộp hồ sơ…

Những thắc mắc này của TS phần nào đã được giải đáp tại buổi tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ kết hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Trường Đại học Tiền Giang tổ chức.

Thí sinh tham quan các gian trưng bày tại Trường Đại học Tiền Giang.
Thí sinh tham quan các gian trưng bày tại Trường Đại học Tiền Giang.

NHIỀU ĐIỂM MỚI QUAN TRỌNG

“Kỳ thi Quốc gia THPT năm nay có những điểm gì mới, quan trọng? TS cần lưu ý những vấn đề gì?” được nhiều TS quan tâm, đặt ra.

Giải đáp thắc mắc của các TS, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: Năm nay, có trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, có trường sẽ xét tuyển dựa trên 2 căn cứ: Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và các tiêu chí riêng của trường (kiểm tra thêm kiến thức, năng khiếu, học bạ bậc THPT…), các em cần hết sức lưu ý.

Năm nay là năm đầu tiên các em phải thi kỳ thi THPT Quốc gia, khác với trước đây các em phải dự 2 kỳ thi gồm: Tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy có thay đổi, nhưng quy chế vừa ban hành về cơ bản giống quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Cụ thể, về cách thức tổ chức thi, cách thức ra đề thi, TS ưu tiên… hoàn toàn giống như trước đây, không có gì mới nên các em không có gì phải lo lắng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm khác biệt như: Các em phải thi theo cụm thi, xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ (trước đây phải đăng ký vào các trường ĐH-CĐ từ tháng 3, thì nay các em chỉ phải đăng ký vào các trường ĐH-CĐ sau khi có kết quả thi)…

Đông đảo thí sinh đến tham dự tư vấn.
Đông đảo thí sinh đến tham dự tư vấn.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý: Năm nay TS sẽ phải thi theo cụm. Tất cả các đối tượng dự thi đều có quyền đăng ký vào cụm thi do các trường đại học chủ trì và phối hợp với các Sở GD-ĐT. TS nào muốn sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ thì bắt buộc dự thi cụm thi này. Đối với TS chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT thì Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh tổ chức thi tại trường hoặc liên trường.

Giữa tháng 3 sẽ công bố hướng dẫn về cụm thi

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết:

Dự kiến năm nay sẽ có 2 loại cụm thi là cụm thi liên tỉnh và cụm thi tại tỉnh, trong đó cụm thi liên tỉnh do các trường đại học  chủ trì, phối hợp với các Sở GD-ĐT tổ chức, sẽ có thí sinh ít nhất 2 tỉnh (dành cho thí sinh muốn sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển ĐH -CĐ); cụm thi tại tỉnh do các Sở GD-ĐT chủ trì, với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng (dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT).

Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. Những vấn đề liên quan đến kỹ thuật sẽ được tiếp tục ban hành trong hướng dẫn về tuyển sinh và hướng dẫn cụm thi dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 3-2015.

Về việc đăng ký dự thi (ĐKDT), ông Trần Văn Nghĩa nhắc nhở các TS cần lưu ý điền đầy đủ và chính xác các phần như: Phần thông tin cá nhân, phần mục đích dự thi (bao gồm tốt nghiệp THPT và xét ĐH-CĐ), cụm thi...

Các TS phải đăng ký môn thi trong phiếu ĐKDT. Trong khi điền phiếu ĐKDT, TS phải lưu ý về thông tin ưu tiên (đối tượng, khu vực… theo quy định của Bộ GD-ĐT), vì TS sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của những thông tin này.

Nếu khi xét tuyển, các trường phát hiện thông tin sai sẽ hủy kết quả trúng tuyển hoặc buộc các em thôi học.

Về thời gian bắt đầu đăng ký các môn thi cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết:

Dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1-4 và kết thúc vào ngày 30-4. Các TS sẽ đăng ký dự thi tại trường THPT của mình hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên. TS tự do sẽ đăng ký do Sở GD-ĐT quy định.

Về việc đăng ký xét tuyển

ĐH-CĐ, các thành viên ban tư vấn cần lưu ý: “Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1, TS sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt còn lại. Nếu trượt nguyện vọng 1, TS được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Việc đăng ký xét tuyển bổ sung cũng giống như xét tuyển nguyện vọng 1, tuy nhiên TS không được rút hồ sơ trong quá trình đăng ký xét tuyển”.

CÂN NHẮC KHI CHỌN MÔN THI

Trong buổi tư vấn, nhiều TS thắc mắc về việc chọn môn thi, địa điểm thi, cách chọn ngành sao cho phù hợp và việc rút (nộp) hồ sơ… Giải đáp thắc mắc về việc lựa chọn môn thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Theo Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia thì TS xét tốt nghiệp THPT chỉ cần đăng ký thi 4 môn (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn); TS thi để xét ĐH-CĐ thì ngoài 4 môn này phải đăng ký thêm các môn khác phù hợp với ngành mình muốn học và năng lực bản thân; TS tự do thì chỉ đăng ký những môn liên quan thi ĐH-CĐ.

Trên lý thuyết, TS được quyền chọn tối đa 8 môn để dự thi. Tuy nhiên, TS nên cân nhắc chọn những môn thi thích hợp với điều kiện của mình như: Sức học, môn học có thế mạnh và phù hợp với ngành mình muốn học... Càng chọn ít môn (nhưng phải đủ theo yêu cầu của từng trường ĐH-CĐ) các em càng có thời gian tập trung ôn tập, kết quả sẽ cao hơn.

Về chọn ngành, TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lưu ý:  “Các em cần xác định sớm và chính xác ngành mình muốn học, từ đó sử dụng hiệu quả nhất kết quả thi để trúng tuyển ở ngay đợt thứ nhất. Vì càng về sau khả năng trúng tuyển sẽ càng giảm”. TS. Lê Thị Thanh Mai cũng lưu ý thêm: “Năm nay, lo nhất là TS khá, giỏi.

Do các TS này biết mình có kết quả thi tốt nên thường chọn những ngành “cao cấp”, ở các trường “tốp đầu”, đương nhiên điểm thi vào các ngành này không thấp và cũng không dễ cạnh tranh chút nào. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành, chọn trường.

Về việc nộp và rút hồ sơ, TS. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cứ 3 ngày phải cập nhật danh sách thí sinh theo thứ tự điểm số. Nếu như trước đây các em lo lắng không biết mình có bao nhiêu phần trăm trúng tuyển, thì giờ có thể xem được mình đang đứng ở thứ mấy trong danh sách những người nộp đơn vào trường, qua đó sẽ biết mình có cơ hội trúng tuyển hay không.

Danh sách này sẽ được cập nhật khoảng 3 ngày/lần, các em nên thường xuyên theo dõi trên trang web của trường. Nếu thấy mình ở vị trí quá thấp, khó có khả năng trúng tuyển thì trong thời hạn theo quy định của Bộ, các em có thể rút hồ sơ để đăng ký ở một trường phù hợp hơn. Các trường đại học sẽ tạo điều kiện để các em rút hồ sơ. TS cũng cần lưu ý, phải cân nhắc thật kỹ rồi mới quyết định rút hồ sơ hay không”.

Về việc nên thi ĐH-CĐ ở đâu, được ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho biết: Dự kiến, sẽ tổ chức 1 cụm thi tại Tiền Giang cho học sinh 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Tổng số thí sinh của 2 tỉnh là trên 20.000 thí sinh. Trường Đại học Tiền Giang sẽ chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT bố trí địa điểm thi, sẽ được bố trí ở trung tâm TP. Mỹ Tho (nếu không đủ sẽ bố trí sang các trường ở các huyện lân cận TP. Mỹ Tho).                 

MINH CHÂU (lược ghi)

.
.
.