Thí sinh cần lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT 2015
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh cần lưu ý những điểm sau khi làm hồ sơ đăng ký dự thi:
1. Đăng ký cụm, môn theo mục đích dự thi
Kỳ thi trung học phổ thông năm nay sẽ có hai loại hình cụm thi: cụm liên tỉnh do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì và cụm thi tại địa phương do sở giáo dục và đào tạo chủ trì.
Thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp có thể đăng ký dự thi tại một trong hai loại hình cụm thi.
Thí sinh có mục đích dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bắt buộc phải đăng ký dự thi tại cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì.
Thí sinh đang học lớp 12 đăng ký thi theo cụm thi quy định của trường.
Về môn thi, kỳ thi gồm 8 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Tuy nhiên, tùy vào mục đích dự thi, thí sinh sẽ chọn đăng ký các môn thi tương ứng.
Với các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp, các em phải thi bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn còn lại.
Với các thí sinh muốn lấy kết quả xét tuyển thi đại học, các em chỉ đăng ký thi các môn có nhu cầu lấy điểm xét tuyển.
Với các thí sinh dự thi với cả hai mục đích trên, các em đăng ký ba môn bắt buộc và các môn để xét tuyển vào trường đại học.
2. Thi sinh nên thi bao nhiêu môn?
Theo ông Nghĩa, về lý thuyết, thí sinh có thể đăng ký tối đa cả 8 môn thi. Việc thi nhiều môn có thể tạo thuận lợi cho thí sinh khi các em có thể đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng theo nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, nếu đăng ký quá nhiều môn, các em sẽ phải phân tán thời gian ôn tập và vì thế, hiệu quả sẽ thấp hơn so với việc chỉ tập trung vào một vài môn chính. Khi kết quả thi không cao, dù có thể xét tuyển ở nhiều tổ hợp môn nhưng khả năng cạnh tranh của thí sinh sẽ thấp hơn.
“Vì thế, các em chỉ nên đăng ký khoảng 5, 6 môn là vừa,” ông Nghĩa nói.
3. Thí sinh tự do đăng ký thi như thế nào?
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông được chọn địa điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại một trong các điểm đăng ký dự thi do sở giáo dục đào tạo quy định. Tuy được linh hoạt trong địa điểm nộp hồ sơ nhưng các em sẽ phải dự thi tại cụm thi theo quy định, giống như các thí sinh đang học tại trường phổ thông.
Thí sinh tự do dự thi chỉ để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng được đăng ký dự thi tại cụm thi phù hợp với điều kiện của thí sinh.
Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ trung học phổ thông nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2015 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước.
4. Được linh hoạt trong đăng ký môn Ngoại ngữ
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật.
Tuy nhiên, điểm khác so với các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây là thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.
Tương tự, trong xét tuyển đại học, thí sinh được sử dụng chứng chỉ môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông để được miễn thi môn này trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.
5. Sau ngày 30-4, thí sinh không được đổi môn thi
Theo lịch công tác tuyển sinh dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ nộp hồ sơ từ ngày 1 đến ngày 30-4.
Hồ sơ gồm hai loại phiếu, Phiếu đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia và Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng không phải khai Phiếu đắng ký xét công nhận tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, thí sinh cần nộp hai ảnh 4x6 (chụp không quá 6 tháng) và một phong bì thư ghi rõ họ tên địa chỉ nhận của thí sinh để trong Túi đựng hồ sơ theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thông tin của thí sinh sẽ được cán bộ thu hồ sơ nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.
Sau khi đã nhập xong dữ liệu, cán bộ máy tính in Danh sách đăng ký dự thi theo mẫu quy định, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.
Sau ngày 30/4, khi đã hết hạn nộp hồ sơ, thí sinh không được đổi môn thi đã đăng ký dự thi và môn đăng ký xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
6. Thí sinh phải có Giấy chứng minh nhân dân
Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khi thí sinh khi đi làm thủ tục dự thi phải có Giấy chứng minh nhân dân trước khi nộp Phiếu đăng ký dự thi.
Trong trường hợp không có Giấy chứng minh nhân dân thì phần mềm quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý.
Do đó, thí sinh cần kiểm tra lại thông tin về Giấy chứng minh thư nhân dân của mình để chủ động khi làm hồ sơ dự thi.
(Theo TTXVN)