Thứ Tư, 13/05/2015, 15:01 (GMT+7)
.

Cô Nguyễn Thị Lâu: Tận tụy với công việc, hết lòng vì học sinh nghèo

Trong những năm gần đây, chất lượng dạy và học của Trường Trung học phổ thông (THPT) Tứ Kiệt (TX. Cai Lậy) có sự phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cô Nguyễn Thị Lâu, Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 1983, cô Lâu được điều về công tác tại Trường THPT Tứ Kiệt. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô luôn hết mình trong công việc.

Cô tâm sự: “Những năm đầu nhận công tác, cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, trường lớp thì lợp lá, phên tre, nắng thì nóng, mưa thì dột, mùa lũ lụt thì thầy trò phải “lội bì bõm”. Đa số học trò ở nông thôn, nhà nghèo. Phần đông phụ huynh chỉ biết lo việc đồng áng, ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Tôi cùng các thầy cô ở đây tìm cách giúp các em bám trường, bám lớp”. 

Với tinh thần “không ngại khó, ngại khổ”, luôn vì mọi người, nên năm 1991 cô được bổ nhiệm làm Hiệu phó của trường. Lúc đó con gái cô mới 6 tháng tuổi, nhưng do yêu cầu công tác, hàng ngày cô phải đèo con đến trường. Mỗi lần cô lên lớp dạy, các thầy cô không có tiết thường thay nhau chăm cháu…

Năm 1994, Trường Tứ Kiệt chuyển về địa điểm mới ở xã Nhị Mỹ. Ngày đầu tiên về địa điểm mới, ngôi trường chỉ là một phòng học dã chiến trên một bãi đất trống và mấy cây cọc định vị cột mốc đất của trường, xung quanh nước nổi trắng xóa. Hàng ngày, cô đạp xe từ nhà ở xã Long Tiên đến trường, con đường đất đỏ hơn 10 km, trơn trợt vào mùa mưa, long chong vào mùa nắng.

Cô bám trụ ở trường từ sáng đến chiều, suốt từ thứ hai đến thứ bảy, cùng với Ban Giám hiệu, tập thể Hội đồng Sư phạm, Hội Phụ huynh học sinh vận động, xin hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho trường, rồi xếp thời khóa biểu, dự giờ, quản lý nền nếp của học sinh, kế hoạch thi đua, hội họp và đứng lớp.

Biên chế của trường lúc ấy rất ít mà yêu cầu công việc thì nhiều, nên mọi người cùng đề ra phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, “một người làm bằng hai”. Có những lúc xong việc ở trường, mẹ con cô về đến nhà thì trời tối mịt…

Sau khi triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô càng cố gắng hơn, với quan niệm: “Làm theo lời Bác, trước hết tốt cho chính mình…”. Cô luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Phải không ngừng học hỏi, lao động, sáng tạo…”. Từ đó, cô luôn tìm tòi, đưa ra những giải pháp hữu ích để áp dụng vào quá trình giảng dạy.

Tính đến nay, có nhiều sáng kiến của cô được đồng nghiệp ứng dụng vào quá trình giảng dạy và đạt kết quả cao. Cô mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh.

Đặc biệt, cô cùng Ban Giám hiệu nhà trường phát động việc học tập và làm theo lời Bác về việc sửa đổi lề lối làm việc, không mắc bệnh thành tích, học thật, thi thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan; học tập nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Cô luôn hòa đồng, lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp, thể hiện đúng vai trò của một Hiệu phó, phấn đấu hết mình vì ngôi trường, vì học sinh thân yêu.

Cô Nguyễn Thị Lâu còn âm thầm, lặng lẽ trong việc giúp nhiều học trò nghèo có được bộ đồng phục đến trường như các bạn vào đầu năm học mới. Cô tâm sự: “Không ít lần tôi thấy các em mặc áo đã sờn vai, đứt chỉ, hư nút, lai quần thì bị rách do bị cuốn vào sên xe đạp mà xót xa và nghĩ phải làm điều gì đó cho các em. Tôi muốn các em khi bước vào cổng trường sẽ không còn mặc cảm và chỉ chuyên tâm học hành…”.

Từ những trăn trở này, đến kỳ nghỉ hè, cô đi xin đồng phục cũ (chủ yếu là áo dài) để mang về giặt ủi, rồi cho vào túi nilon, đợi đến ngày tựu trường tặng các em học sinh nghèo. Nếu áo không vừa, cô đo và cắt sửa lại cho vừa vặn. Dần dần, số lượng học sinh trường tăng lên và số học sinh thiếu đồng phục cũng nhiều.

Việc làm của cô bắt lầu “lan tỏa”, nhiều thầy cô của trường và Hội Phụ huynh học sinh cùng chung tay trong việc đi xin quần áo tặng lại học trò nghèo. Mô hình “Vận động các em nữ sinh quyên góp áo dài sau mỗi năm học” cũng dần được hình thành và duy trì cho đến nay, được đông đảo mọi người ủng hộ. Đỉnh điểm là năm học 2013 - 2014, các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho nhà trường hơn 200 bộ đồng phục mới và vải vóc để các em may đồng phục.

Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cô Lâu đạt được nhiều thành tích, liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh và các tổ chức xã hội. Đặc biệt, cô được Bộ GD-ĐT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”…

NGUYỄN MỸ PHƯƠNG

.
.
.