Thứ Năm, 07/05/2015, 14:00 (GMT+7)
.

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa: Tâm huyết với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

“Chín giờ tối, một học trò cũ (hiện đang học đại học) gửi mail hỏi bài. Vấn đề hơi khó, lại không có nhiều tư liệu đúng với điều học trò muốn hỏi, thầy phải lên mạng tìm đến khuya. Thầy trả lời email và gửi tất cả tài liệu đính kèm. Nhận được lời cảm ơn của học trò cũ, chưa kịp trả lời thì lại có thư của học trò mới…”.

“Điệp khúc” đó diễn ra thường xuyên, kể từ lúc gắn bó với Trường THPT Chuyên Tiền Giang của Th.s Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo viên (GV) môn Tin học. Và đó cũng là niềm vui không nhỏ của thầy, bởi thầy luôn quan niệm: Học trò chịu học hỏi là một niềm vui không nhỏ đối với người đi dạy.

Tâm huyết…

Năm 2000, thầy tốt nghiệp đại học và về công tác tại Trường THPT Đốc Binh Kiều (Cai Lậy). Năm 2007, thầy được điều về Trường THPT Chuyên Tiền Giang. Một năm sau, thầy bắt đầu làm quen với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) và gắn bó với công việc này cho đến nay với tất cả tâm huyết, nhiệt tình.

Thầy Nghĩa hồi tưởng lại: “Lúc đó, tôi được phân công tham gia bồi dưỡng các em một chuyên đề nhỏ. Khi bước vào lớp, tôi mới biết mọi việc khó hơn mình tưởng. Học sinh (HS) trường chuyên, lớp chuyên nên nguồn kiến thức hiện có của các em khá lớn, nhu cầu tìm hiểu của các em rất cao. Vì thế, có nhiều vấn đề các em hỏi, tôi phải cân nhắc rất lâu, thậm chí phải “khất” lại buổi học sau để tìm thêm tài liệu…”.

Sau lần “choáng” đầu tiên, thầy bắt đầu hăm hở, nhiệt tình nghiên cứu và “cháy” hết mình với các HSG. Thầy Nghĩa chia sẻ: “Quan trọng là người thầy phải có “lửa” thì mới truyền được cho HS. Vì vậy, mỗi khi các em hỏi thì dù trễ cách mấy thầy cũng tranh thủ trả lời. Riết rồi các học trò của thầy cũng hình thành một thói quen: Không biết thì hỏi ngay, dù bất cứ thời điểm nào”. Cứ thế, ngọn lửa đam mê của thầy truyền đến tất cả HS, đặc biệt là những HSG do thầy bồi dưỡng.

Đối với thầy Nghĩa: “Những vấn đề mới, GV dạy năm nay, thì năm sau lại trở thành cái cũ vì nó có ở một tài liệu nào đó hoặc được HS lớp trước truyền cho lớp sau rồi nên không cần thiết phải dạy nữa. Điều đó bắt buộc GV phải luôn luôn tìm tòi, khám phá tìm ra cái mới lạ, cái hay để dạy cho các em. HS trường chuyên nhiều em có năng khiếu đặc biệt, rất nhanh nhạy và tiếp thu kiến thức tốt. Do đó, GV phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới có thể đáp ứng nhu cầu học hỏi của các em”.

Vì suy nghĩ ấy nên lúc nào thầy cũng cố gắng học hỏi, tìm ra những cái mới, cái lạ để truyền cho học trò. Không phụ lòng thầy, HS của thầy đạt được nhiều thành tích, từ cấp tỉnh, khu vực đến cấp Quốc gia. Cụ thể, trong 2 năm học gần đây các em đạt khá nhiều giải thưởng: 1 giải I, 2 giải II, 1 giải khuyến khích (KK) kỳ thi HSG cấp tỉnh; 1 giải III, 1 giải KK kỳ thi HSG cấp Quốc gia; 2 HCB kỳ thi Olympic 30-4 Khu vực các tỉnh phía Nam; 1 giải Nhất cuộc thi Tin học Trẻ (năm học 2012 - 2013); 1 giải I, 1 giải III, 2 giải KK (khối chuyên), 1 giải III (khối không chuyên) cấp tỉnh; 1 giải II cấp Quốc gia; 1 HCV, 2 HCB kỳ thi Olympic 30-4 Khu vực các tỉnh phía Nam; 1 giải I cuộc thi Tin học Trẻ (năm học 2013 - 2014)...

Thầy Nghĩa chia sẻ: “Thành tích này là của chung tất cả các GV Tin học và những người tâm huyết với công tác bồi dưỡng HSG của nhà trường. Đặc biệt, đó là sự cố gắng của các em. Bởi nếu các em không cố gắng, không đam mê thì dù tâm huyết cách mấy, chúng tôi cũng không làm được gì”.

Cố gắng để mãi gắn bó với NGHỀ

Tuy khá thành công trong công tác, nhưng thầy Nghĩa vẫn nhìn nhận là đã gặp không ít khó khăn. Và đây cũng là cái khó chung của những người làm công tác bồi dưỡng HSG. Thầy Nghĩa chia sẻ: “Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bồi dưỡng còn thiếu, chưa theo kịp sự phát triển chung và yêu cầu của bộ môn là một cái khó.

Tuy nhiên, điều khó khăn hơn cả chính là tâm lý của HS. Trong suốt khoảng thời gian gắn bó với công tác bồi dưỡng HSG, tôi nhận ra một điều: Các em đã đầu tư không ít thời gian vào việc học bồi dưỡng, nếu đạt giải, được tuyển thẳng đại học kể như thành công, còn nếu không kể như các em mất quá nhiều thời gian (mà thời gian đó để dành cho việc ôn thi đại học thì hiệu quả hơn nhiều). Bởi thế nên một số HSG cố tình thi trượt để không phải vào đội tuyển; một số em lại vào đội tuyển vì nể thầy, nể trường nên không thật sự cố gắng, sức học vì thế cũng giảm”.

Tuy khó vậy, nhưng với quan  niệm: “Người GV luôn phải làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức trách nhiệm của mỗi người trước hết thể hiện trong quan hệ với nhiệm vụ được giao, với công việc phải làm. Vì thế, dù khó, người làm công tác bồi dưỡng HSG cần phải cố gắng; phân tích cho các em thấy được những lợi ích của việc học và thi HSG để các em có thể an tâm gắn bó với môn học”. Từ đó, thầy đã đề ra nhiều biện pháp giúp các em phát huy hết sở trường ở bộ môn mình có năng khiếu.

Cụ thể, khi dạy, thầy thường hướng đến việc tăng cường khả năng tự học cho các em. Đặc biệt, thầy chỉ đưa ra hướng dẫn giải khi các em bị bế tắc, HS có thể thảo luận bài với thầy mọi lúc rảnh rỗi bằng nhiều hình thức: Gặp trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua email. Ngoài ra, thầy còn cung cấp cho HS các tài liệu, sách vở, các địa chỉ học tập trên mạng, địa chỉ làm bài tập trực tuyến phù hợp với trình độ của các em để tự rèn luyện thêm ở nhà.

Vì thế, nhiều HS được thầy Nghĩa dìu dắt các em đã trưởng thành, học tốt và đạt thành tích cao. Nhiều em cũng đã tiếp tục đi theo con đường thầy đã hướng dẫn, tiếp tục gắn bó với bộ môn và “trung thành” với cách học từ thuở còn gắn bó với thầy…

Thầy Nghĩa nói: “Bồi dưỡng HSG là một quá trình lâu dài. Người GV cần có cách hướng dẫn, dìu dắt để giúp các em đạt được những thành công từ thấp lên cao, có như vậy thì nền tảng kiến thức của các em mới vững chắc, có ích cho cuộc sống sau này”. Quan niệm này đã theo thầy trong suốt quá trình dạy học cho đến thời điểm này và có lẽ mãi về sau…

MINH CHÂU

.
.
.