Thứ Tư, 17/06/2015, 10:43 (GMT+7)
.

Dạy thêm, học thêm: Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là Thông tư 17) và các văn bản của tỉnh về dạy thêm, học thêm (DT-HT) được thực hiện khá tốt, từ công tác tổ chức đến quản lý, thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong Thông tư 17... Đó là kết quả ghi nhận được trong đợt giám sát tình hình DT-HT của Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh) vừa qua.

NHIỀU NƠI THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ

Trường THCS Nguyễn Văn Lo (TX. Cai Lậy) có 13 giáo viên (GV) dạy thêm và đều dạy trong nhà trường. Thầy Nguyễn Quý Bình, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để việc tổ chức DT-HT trong trường được hiệu quả, ngay từ khi mở lớp, nhà trường đã phân ra các lớp khá, giỏi, trung bình… để GV dễ dàng truyền thụ kiến thức theo mặt bằng chung nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh (HS).

Trường cũng đã yêu cầu các GV không được dạy trước chương trình mà chỉ được dạy bổ sung kiến thức. Đến cuối tháng 4, việc DT-HT ở các khối 6, 7, 8 kết thúc. Riêng khối lớp 9, trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập để các em thi vào lớp 10”. Việc tổ chức và quản lý DT-HT của Trường THCS Nguyễn Văn Lo được xem là khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học thêm của HS.

Tại Trường THCS Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), việc tổ chức DT-HT trong nhà trường cũng đã được thực hiện từ 2 năm nay. Thời gian học thêm được trường bố trí vào các buổi chiều (các học sinh đều học chính khóa buổi sáng), từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Các em được giám thị quản lý chặt chẽ như trong buổi học chính khóa. Việc giảng dạy của GV cũng được trường sắp xếp cụ thể, có thời khóa biểu, có số tiết phù hợp với yêu cầu của từng môn.

Tương tự, việc tổ chức và quản lý DT-HT nhiều trường khác cũng được thực hiện khá tốt: Hướng dẫn GV đăng ký DT; xây dựng thời khóa biểu phù hợp với yêu cầu của từng môn học; quản lý HS như học chính khóa để đảm bảo các em học tập đầy đủ; thường xuyên kiểm tra việc DT-HT.

Đặc biệt, việc thu học phí được các đơn vị quan tâm, phù hợp khả năng của tuyệt đại đa số phụ huynh. Cụ thể, trong năm học 2014 - 2015, Trường THCS Long Bình Điền đã thu học phí 70.000 đồng/tháng/3 môn (lớp 6, 7, 8) và 100.000 đồng/tháng/3 môn (lớp 9); Trường THCS Nguyễn Văn Lo thu học phí 35.000 đồng/tháng/môn; Trường THPT Lê Văn Phẩm 120.000 đồng/tháng (khối lớp 10, 11) và 256.000 đồng/tháng (khối 12)…

Về vấn đề học phí, các hiệu trưởng nhà trường (nơi có tổ chức DT-HT) đều có chung ý kiến: Mức học phí phải phù hợp với hoàn cảnh của HS.

Trước khi tổ chức lớp DT-HT, trường đã họp toàn thể phụ huynh học sinh (của những em có nhu cầu học thêm tại trường) để xin ý kiến về mức thu học phí. Sau khi có ý kiến của phụ huynh, nhà trường mới xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Hiện tại, toàn tỉnh có 437 cơ sở DT-HT được cấp phép, trong đó có 194 cơ sở (tổ chức, cá nhân) đăng ký dạy thêm trong nhà trường. Qua giám sát cho thấy, hầu hết các trường và GV tại các cơ sở này đều chấp hành tốt các quy định về DT-HT.

VẪN CÒN KHÓ KHĂN

Thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư 17 và các văn bản liên quan. Cụ thể, ở nhiều đơn vị tổ chức dạy thêm trong nhà trường thực hiện sai quy định về tổ chức giờ học, phân bố tiết dạy còn nhiều điểm bất hợp lý; một số trường không xây dựng phương án thu - chi, không thực hiện việc thỏa thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường về mức học phí cho các môn học mà tự ấn định; tổ chức nhưng không quản lý, giám sát…

Theo đại diện các đơn vị cấp phép và quản lý các cơ sở (tổ chức, cá nhân), khi các đơn vị tổ chức dạy thêm trong nhà trường vi phạm thì việc nhắc nhở, xử lý dễ dàng hơn so với các cơ sở (tổ chức, cá nhân) đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường (đặc biệt là các cá nhân không đăng ký nhưng vẫn tổ chức DT-HT).

Khác với các cơ sở DT-HT trong nhà trường, hầu hết các cơ sở DT-HT ngoài nhà trường đều có cơ sở vật chất thiếu đồng bộ (phòng học không đủ diện tích, địa điểm không tập trung, bàn ghế không đúng chuẩn, tận dụng các phương tiện đất ở của gia đình, hành lang, kho bãi… để tổ chức lớp nên không đảm bảo diện tích).

Ngoài ra, các cơ sở (tổ chức, cá nhân) còn nhiều vi phạm như: Dạy thêm khi chưa được cấp phép; GV đương nhiệm (theo quy định là GV đang dạy thì không được dạy thêm cho HS của mình) nhờ (hoặc thuê) GV về hưu xin cấp phép (thực chất là đưa HS về nhà dạy); dạy trước chương trình học; hình thức DT-HT sinh ra nhiều biến tướng (học nhóm, gia sư, giữ trẻ tại nhà... nhưng thực chất là GV “hợp đồng” với phụ huynh để tổ chức DT-HT tại nhà phụ huynh)…

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được các đơn vị có trách nhiệm thường xuyên tổ chức nhằm chấn chỉnh những tiêu cực trong hoạt động DT-HT, nhưng do tâm lý nể nang nên chính quyền địa phương, cơ sở vẫn còn e ngại trong việc kiểm tra, nhắc nhở và chưa mạnh dạn xử lý các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các cá nhân, đơn vị có liên quan đến công tác DT-HT còn băn khoăn trước những bất cập của Thông tư 17 như:

Có quy định (Khoản 2, Điều 4 về các trường hợp không được dạy thêm), nhưng Bộ GD-ĐT không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên Sở GĐ-ĐT không có cơ sở để cấp phép cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giữ trẻ hoặc tổ chức bồi dưỡng cho HS về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; một số quy định (Khoản 2, Điều 4) đã hạn chế quyền được dạy thêm của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng…, ảnh hưởng đến nhu cầu ôn luyện vào các trường đại học, cao đẳng của HS sau khi tốt nghiệp THPT;

Không khống chế về số địa điểm dạy thêm do 1 cá nhân đăng ký, vì vậy nhiều trường hợp 1 cá nhân đăng ký (nhưng thực chất là cho GV đương nhiệm dạy) gây khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý; có quy định cho phép nhà trường và cha mẹ HS thỏa thuận mức thu học phí của việc học thêm nên có sự chênh lệch rất lớn giữa các trường (thành phố và nông thôn), các cơ sở DT-HT trong và ngoài nhà trường…     

 MINH CHÂU

.
.
.