Thứ Năm, 16/07/2015, 15:07 (GMT+7)
.

5 điểm thí sinh cần lưu ý khi làm hồ sơ xét tuyển đại học

Trước ngày 1-8, các hội đồng thi sẽ công bố điểm kỳ thi trung học phổ thông của thí sinh​ và các trường đại học, cao đẳng sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng một​. Dưới đây là một số điểm thí sinh cần lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển.

1. Cân nhắc điểm số 

Năm nay, các trường đại học, cao đẳng sẽ có 5 đợt xét tuyển nguyện vọng, gồm xét tuyển nguyện vọng một và bốn đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ảnh: TTXVN
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ảnh: TTXVN

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước mỗi đợt xét tuyển, các trường đại học, cao đẳng phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử về chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đối với đợt xét tuyển đó, tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành.

Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (sẽ được công bố trước 1/8) và đảm bảo điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.

Căn cứ mức điểm đạt được và ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường, thí sinh cân nhắc để chọn trường phù hợp.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh cũng nên tham khảo điểm chuẩn của các trường trong những năm trước đó để có thêm cơ sở lựa chọn. 

Điểm trường công bố chỉ là điểm nhận hồ sơ xét tuyển, trên cơ sở số lượng thí sinh đăng ký, trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế, điểm trúng tuyển thường sẽ cao hơn điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Do đó, thí sinh nên nộp hồ sơ vào trường có mức điểm nhận xét tuyển thấp hơn so với mức điểm đạt được.

2. Hồ sơ xét tuyển

Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển; bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi; một phong bì dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh; giấy chứng nhận đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi để được hưởng ưu tiên trong xét tuyển (nếu có).

3. Bốn đợt xét tuyển với nhiều nguyện vọng

Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ và phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Với 5 đợt xét tuyển, 4 giấy chứng nhận kết quả thi và mỗi lần nộp hồ sơ vào một trường, có thể đăng ký đến bốn ngành khác nhau, thí sinh sẽ có rất nhiều cơ hội.

Đợt xét tuyển nguyện vọng một từ ngày 1-8 đến 20-8

Mỗi thí sinh có một giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng một. Thí sinh chỉ được sử dụng giấy này để đăng ký vào một trường đại học hoặc cao đẳng. 

Tuy nhiên, trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng một, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. 

Mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn. Các nguyện vọng trong một trường của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.

Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Điểm trúng tuyển nguyện vọng một sẽ được các trường công bố trước ngày 25-8.

Sau khi kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng một, sẽ có bốn đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. 

Đợt một nhận hồ sơ từ 25-8 đến 15-9, công bố điểm chuẩn trước 20-9.

Đợt hai nhận hồ sơ từ 20-9 đến 5-10, công bố điểm chuẩn trước 10-10. 

Đợt ba nhận hồ sơ từ 10-10 đến 25/10, công bố điểm trúng tuyển trước 31-10. 

Đợt bốn nhận hồ sơ từ 31-10 đến 15-11, công bố điểm trúng tuyển trước 20-11.

Mỗi thí sinh có ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể dùng đồng thời ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào ba trường. 

Mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn. Các nguyện vọng này của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.

Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. 

Tuy nhiên, do có đến bốn đợt xét tuyển bổ sung nên sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

4. Có thể đăng ký thay đổi nguyện vọng trực tuyến

Để tạo điều kiện cho người tham gia đăng ký xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học, cao đẳng cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Bộ sẽ có phần mềm để thống nhất về quy trình.

Đây là điều rất thuận lợi cho các sỹ tử ở xa các trường muốn dự tuyển có thể đăng ký vào trường mình mong muốn mà không phải mất thời gian, công sức và tiền bạc để đi lại.

5. Trường cập nhật thông tin 3 ngày một lần

Đây ​là một quy định có lợi cho thí sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần, các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.

Điều này sẽ giúp thí sinh theo dõi số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường, ngành học mình tham gia xét tuyển, là cơ sở thiết thực để thí sinh biết mình có cơ hội đỗ hay không, có nên rút hồ sơ hay không và nên đăng ký xét tuyển vào trường nào.

Hiện các hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia đang tích cực hoàn tất công tác chấm điểm. Trước ngày 20-7, việc chấm thi phải hoàn tất và thí sinh sẽ biết điểm trước 25-7.

(Theo vietnamplus.vn)

.
.
.